Mỗi năm 1 triệu động vật hoang dã lên bàn nhậu

29/06/2010

AGROINFO- Theo thống kê của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), tại Việt Nam, mỗi năm có 3.000-3.400 tấn thịt động vật hoang dã (tương đương khoảng 1 triệu con) bị đưa lên bàn nhậu. Điều đặc biệt, các thành phố lớn lại là nơi tiêu thụ động vật hoang dã nhiều nhất.

Nguy cơ tuyệt chủng

Lâu nay, việc khai thác, buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật hoang dã (ĐVHD) luôn là vấn đề nhức nhối ở nước ta, khiến hàng trăm loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, kéo theo cả những hiểm họa khôn lường về đa dạng sinh học. Đáng nói là với khoảng 700 loài động, thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng ở cấp quốc gia, Việt Nam đang là một trong những nước có số lượng các loài có nguy cơ biến mất khỏi sách Đỏ cao nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm nghiêm trọng loài dẫn đến tuyệt chủng là tình trạng săn bắn, buôn bán ĐVHD diễn ra tràn lan.

Mỗi năm 1 triệu động vật hoang dã lên bàn nhậu

(Ảnh minh họa: Internet)

Theo thống kê của Hội Động vật học Việt Nam, danh sách ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng ngày một tăng lên, từ hơn 300 loài, đến nay đã tăng lên 1.000 loài, chủ yếu là trăn, rắn, kỳ đà, tê tê, cầy hương, nhím...

Phó giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên Nguyễn Việt Dũng cho biết: “Tình trạng săn bắn, buôn bán ĐVHD tại Việt Nam đang ở mức báo động đỏ. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, số vụ vi phạm có giảm do việc thực thi pháp luật chặt chẽ hơn”.

Theo ông Dũng, việc giảm số vụ buôn bán ĐVHD quá nhanh là dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng cạn kiệt, thậm chí là tuyệt chủng với nhiều loại động vật. Trong năm 2006, có tới hơn 10.000 con thú bị săn bắt. Thực tế số vụ buôn bán ĐVHD bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ chỉ chiếm khoảng 20% so với thực tế.

Nhiều k htrong hành lang pháp lý

Việt Nam đang là điểm nóng của mạng lưới buôn bán ĐVHD toàn cầu. Điều này được thể hiện qua các vụ buôn lậu ĐVHD xuyên quốc gia, xuyên biên giới được phát hiện trong những năm gần đây. Từ năm 2004-2006, có 6 vạn cá thể rùa mai cứng được xuất khẩu; năm 2008 thêm vụ hơn 20 tấn tê tê và vảy tê tê bị bắt giữ. Năm 2009, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 6 tấn ngà voi có nguồn gốc châu Phi tại cảng Hải Phòng...

Bằng nhiều phương thức vận chuyển ngày càng tinh vi, ĐVHD nhập vào nước ta cũng như tái xuất chủ yếu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu lớn. Thống kê cho thấy, tổng doanh thu hằng năm từ buôn bán ĐVHD bất hợp pháp ở nước ta khoảng trên 60 triệu USD.

Một số người cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng buôn bán ĐVHD ở nước ta diễn ra ngày càng nghiêm trọng là do có những “kẽ hở” trong hành lang pháp lý. Điển hình là Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực từ 1/7/2009 đã mở đường cho nhiều người dân được hoạt động và kiếm sống trong các khu bảo tồn trong khuôn khổ pháp luật, thay vì bị cấm như trước đây. Chính điều này đang làm cho việc xử lý vi phạm buôn bán, vận chuyển trái phép ĐHVD cho tới bây giờ vẫn chỉ như “đá ném ao bèo”.

Ngoài ra, trong luật cũng quy định, các ban quản lý được phép kinh doanh, khai thác, nuôi trồng và trao đổi động, thực vật - kể cả ĐVHD trong danh mục cho phép. Bên cạnh đó, việc gây nuôi ĐVHD theo hướng xã hội hóa cũng được khuyến khích triệt để. Tuy nhiên, nếu không quản lý đúng quy trình kỹ thuật thì việc gây nuôi sẽ phản tác dụng, những nơi được coi là an toàn cho các loài ĐVHD sẽ rất dễ biến tướng thành những khu sinh thái trá hình.

Các nhà động vật học Việt Nam dự báo, với tốc độ săn bắn và tiêu thụ các loài ĐVHD quý hiếm như hiện tại thì có thể chỉ trong vòng 5 - 10 năm nữa, hệ sinh thái nước ta sẽ mất cân bằng nghiêm trọng.


Phạm Khánh (Theo Báo Kinh Tế Nông Thôn)

Tin khác