AGROINFO - Tính đến tháng 3 năm 2009, có khoảng 60% doanh nghiệp làng nghề đang phải hoạt động cầm cự, khoảng 20% đang thoi thóp.
Các doanh nghiệp này có thể sẽ phá sản nếu không có biện pháp mạnh hỗ trợ các làng nghề vượt qua khó khăn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Lê Đức Thịnh – Bộ môn Thể chế nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT về vấn đề này.
PV: Được biết, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm làng nghề. Theo ông, làng nghề nên được hiểu như thế nào là chính xác nhất?
Hiểu một cách chung nhất thì làng nghề là một thiết chế kinh tế -xã hội ở nông thôn được cấu thành bởi hai yếu tố làng và nghề, tồn tại trong một không gian địa lý nhất định, trong đó bao gồm nhiều hộ gia đình sinh sống bằng nghề thủ công là chính, giữa họ có mối liên kết về kinh tế, xã hội và văn hóa.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống ở nước ta hiện nay?
Hiện nay, cả nước ta có khoảng 2.790 làng nghề, trong đó hơn 2000 làng nghề truyền thống, các làng nghề này đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 11,0 triệu lao động thuộc 1,423 triệu hộ gia đình, trong đó có cả người già, thương binh, người tàn tật, trẻ em và lao động nông nhàn. Các làng nghề hiện nay đang đem lại việc làm cho hơn 1,30 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp và khoảng 3 - 5 triệu lao động thời vụ.
|
Làng nghề chỉ tạm ngừng hoạt động do khủng hoảng (Ảnh minh họa: Internet) |
PV: Về giá trị của các làng nghề truyền thống trong nền kinh tế thị trường hiện nay, theo ông là như thế nào?
Nhìn chung làng nghề có giá trị vô cùng quan trọng, không chỉ giá trị văn hóa, mà cả giá trị lịch sử nữa. Đó là nơi neo đậu hồn văn hóa dân tộc. Những năm qua, phát huy thế mạnh của nhiều làng nghề truyền thống, các làng nghề này đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm trong làng nghề không ngừng tăng lên. Năm 2007, đạt 750 triệu USD, năm 2008 đạt gần 1,0 tỷ USD. Các mặt hàng thủ công truyền thống của các làng nghề có nhiều tiềm năng về thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt nếu kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch. Giá trị của các làng nghề không chỉ là tạo ra công ăn việc làm thu nhập cho người lao động hay các giá trị kinh tế khác, mà làng nghề còn có giá trị về văn hóa, lịch sử vô cùng quan trọng.
PV: Đối mặt với khủng hoảng kinh tế, các làng nghề ở nước ta gặp những khó khăn, thách thức gì?
Từ đầu năm 2008, do tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế nước ta đang gặp phải khó khăn như lạm phát tăng cao, giá cả leo thang, sản xuất khó khăn, đời sống người lao động khó khăn,... Trước tình hình đó, làng nghề, các doanh nghiệp làng nghề mà chủ yếu là DNNVV là khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Theo số liệu thống kê cuối năm 2008, ở 38 tỉnh, thành phố, có 9 làng nghề đã phá sản, 124 làng nghề đang sản xuất cầm chừng; việc phá sản các làng nghề làm ít nhất 2.166 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh phá sản, 468 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng.
Khó khăn và thách thức của các làng nghề thì nhiều lắm. Sự biến động, hay những tác động ngoại lại của nền kinh tế đối với làng nghề là hết sức bình thường bởi làng nghề có sự trao đổi hội nhập với bên ngoài mạnh hơn cả đống với các làng truyền thống khác. Có thể khái quát trên mấy nét chính sau đây về những khó khăn hiện nay của các làng nghề nước ta: Thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, bị bế tắc khiến cho nguy cơ mất thị trường truyền thống ngày càng hiện hữu; khi không bán được sản phẩm, đến lượt các doanh nghiệp, các hộ làm nghề sẽ rơi vào tình trạng sản xuất đình đốn, lao động mất việc và không có thu nhập; các khoản nợ trước đây không trả được khiến hộ nghề và các doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ nần; khi thị trường truyền thống có nguy cơ bị mất, không có việc làm nên lao động lành nghề cũng tìm cách xa rời doanh nghiệp, đe dọa đến khả năng phục hồi sau này của các doanh nghiệp và làng nghề...
PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này, trước hết về vấn đề khủng hoảng kinh tế tác động đến thị trường tiêu thụ bất ổn?
Theo tôi, đây chính là khó khăn lớn nhất của các làng nghề trong giai đoạn này. Hầu hết các làng nghề không thể xuất khẩu được sản phẩm, việc tiêu thụ hàng hoá trong nước cũng bị đình trệ gây nên tình trạng dư thừa sản phẩm và mất việc làm cho đa số lao động trong các làng nghề. Từ chỗ thu hẹp hẳn thị trường tiêu thụ, nên tất yếu dẫn đến việc đình trệ các hoạt động của làng nghề. Đối mặt với khủng hoảng, nhiều hộ nghề, kể cả các doanh nghiệp trong làng nghề đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản.
PV: Về vấn đề vốn, hiện các làng nghề đối mặt với những khó khăn nào về vốn, thưa ông?
Từ chỗ không tiêu thụ được sản phẩm, nên các doanh nghiệp không thể quay vòng vốn, hầu hết tiền vốn của doanh nghiệp bị đọng vào các kho hàng. Thêm vào đó, nhu cầu tăng lương của lao động, sự mất ổn định của giá đầu vào đã đẩy các doanh nghiệp, hộ nghề rơi vào tình trạng khó khăn nhất về vốn. Về việc vay vốn từ phía ngân hàng, điều kiện vay vốn còn nhiều điểm không phù hợp, các điều kiện để được vay lại khắt khe hơn rất nhiều, từ việc đánh giá các tài sản thế chấp, cầm cố thường quá thấp so với thực tế, việc xem xét phương án kinh doanh và khả năng hoàn trả vốn càng chặt chẽ hơn trước....
Lê Huê (Còn tiếp)