AGROINFO - Thời gian qua, những ngày “nhà đèn” cắt điện, người dân vùng biển... “mất ăn”. Đây cũng là lẽ thường tình khi mà cuộc sống mưu sinh của họ phụ thuộc rất nhiều vào việc điện có hay không ?
Kho đông không lạnh
Phường Nghi Tân – Thị xã Cửa Lò - tỉnh Nghệ An có 38 kho đông lạnh với sức chứa của mỗi kho lên đến hàng trăm nghìn tấn. Để có thể bảo quản được hải sản tốt nhất, kho đông cần duy trì nền nhiệt dưới âm 30 độ C. Thế nhưng, trong thời gian qua việc thường xuyên bị mất điện đã khiến cho nhiều chủ kho đông lạnh ở đây ... “nóng như lửa”. Chị Thắng, chủ kho đông Hải Thắng than thở: “Mỗi ngày kho đông nhập hàng nghìn tấn cá. Cá sau khi chuyển về từ Long Hải, Quảng Bình, Bạc Liêu, Cà Mau, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa...được làm sạch, sau đó chuyển vào kho đông. Không có điện, các hoạt động của kho hoàn toàn tê liệt. Thiếu điện để tiếp nhận hàng mới là một lẽ, nhưng nghiêm trọng hơn là những hàng đang bảo quản trong kho hoặc hàng mới đóng đang chờ để được làm đông có thể bị hư, thối...”
|
Nhiều kho đông lạnh điêu đứng vì thiếu điện (Ảnh minh họa: Internet) |
Được biết, từ đầu tháng 6 vì bị cắt điện thường xuyên nên hầu hết các kho đông ở đây không hoạt động dù lượng hàng rất nhiều. Một số gia đình vì tiếc hàng nên khi có điện là họ huy động nhân công làm cả đêm. Điều này đã làm phát sinh chi phí cho “khổ chủ” khi phải trả thêm tiền cho công nhân ngoài giờ với mức gấp đôi bình thường. Bên cạnh đó họ còn phải mất thêm tiền mua đá cây để ướp hàng khi mất điện với giá cao gấp hơn cả chục lần. Chị Bình ở Tiên Thủy – Quỳnh Lưu Ngán ngẩm cho biết: “Nếu ngày trước một xe cá cần mua cả chục cây đá là bình thường thì nay chỉ dám mua hai ba cây để tạm giữ lạnh”. Phải chấp nhận mua đá đắt về ướp cá nhưng khi bán cá lại chỉ được giá rẻ vì lượng đá không đủ lạnh dẫn đến cá bị ươn là câu chuyện có thực đang diễn ra ở đây.
Chủ một cơ sở sản xuất đá lạnh cạnh bến cá Nghi Thủy dù biết nhu cầu của các chủ thuyền là rất cao nhưng cũng phải lắc đầu vì... "có điện đâu mà sản xuất đá ?”. Đá đắt, lại không có hàng, nhiều chủ thuyền chọn giải pháp ở nhà không ra biển. Do ít thuyền ra khơi nên mỗi khi có thuyền cập cảng là người buôn cá, hải sản phải chen nhau mà mua. Một ngư thương cho biết: Nếu thời gian trước mỗi ngày mua được 10 tấn cá thì nay chỉ mua được 3 tấn là đã mướt mồ hôi. Cá này ươn quá, chỉ có thể bán cho Trung Quốc để làm thức ăn gia súc thôi.
Cần có giải pháp tương hỗ
Trước cảnh bị cắt điện liện tục dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho các kho đông ở Nghi Tân nhiều hộ gia đình nơi đây đã đồng loạt viết đơn "cầu cứu" ngành điện lực. May mắn cho Nghi Tân là các trạm điện ở đây được “ăn theo” nhánh điện từ Nghi Lộc nên không phải "ưu tiên số 1" điện cho thị xã du lịch Cửa Lò. Vì lẽ đó, mới có văn bản được kí kết giữa điện lực Nghi Lộc và điện lực Nghi Tân với nội dung: Việc cắt điện ở Nghi Tân sẽ được thực hiện theo phương thức "một tháng cắt 10 ngày" chứ không phải cắt điện cách nhật như điện sinh hoạt do "đặc thù của thời vụ và công ăn việc làm của người dân Nghi Tân".
Điện lực Nghi Lộc cũng thống nhất thời gian cắt điện cũng không máy móc mà sẽ linh hoạt cho người dân, tùy theo nhu cầu của người sử dụng. Đáp lại, người dân Nghi Tân cũng tích cực nâng cấp máy móc, kho đông lạnh để giảm tải điện. Các hộ có kho đông cũng thống nhất, những gia đình trong thời gian không có hàng, không chạy kho đông sẽ chủ động báo cho điện lực cắt điện để tập trung cho những kho đang hoạt động.
Nhờ sự linh hoạt này, những ngày gần đây phường Nghi Tân đã bắt đầu "dễ thở" hơn. Tuy nhiên ở những phường có kho đông nằm rải rác như Nghi Hải, Nghi Thủy... trên tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung nỗi lo vẫn còn đang thường trực. Thiết nghĩ trước thực trạng này, ngành điện lực cần phải có những giải pháp cắt điện hợp lý đối với người dân vùng biển. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và địa phương cũng nên có những chính sách nhằm hỗ trợ cho các hộ làm kho đông lạnh?!
Phạm Khánh