Lúa chờ người mua

28/06/2010

AGROINFO - Vụ hè thu ở các tỉnh ĐBSCL đang vào thu hoạch rộ, nhưng tình trạng ứ đọng lúa trong dân như hai năm trước đã tái diễn. Rất ít nông dân bán được lúa. Thương lái mất hút, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu có mua vào nhưng với số lượng hạn chế.

Ngày 23-6, chúng tôi đi dọc con đường dẫn từ xã Long Định, huyện Châu Thành đến huyện Tân Phước rồi ngược ra vùng trọng điểm lúa huyện Cai Lậy (Tiền Giang), đâu đâu cũng thấy lúa. Lúa mới thu hoạch được nông dân phơi tràn ra đường.

 Lúa đầy nhà 

Gặp chúng tôi ở Trung tâm nông sản quốc gia Phú Cường, ông Chung Văn Hoàng - một người mua lúa ở huyện Cai Lậy - cho biết: “Ở các xã Mỹ Phước Tây, Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam có tới 80% hộ chưa bán được lúa. Họ chất lúa đầy nhà. Mỗi ngày tôi nhận cả trăm cú điện thoại kêu bán lúa, nhưng chỉ mua được chừng vài chục tấn lúa đẹp”.

 Kim ngạch xuất khẩu gạo gần 1,4 tỉ USD 

Theo VFA, xuất khẩu gạo đến ngày 20-6 đã đạt 3,11 triệu tấn, trị giá gần 1,4 tỉ USD và dự kiến xuất khẩu thêm 600.000 tấn trong tháng 6-2010. Số hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng đạt hơn 1,8 triệu tấn. 

VFA nhận định xuất khẩu gạo sẽ chậm lại trong các tháng sắp tới do nhu cầu thị trường yếu. Xuất khẩu gạo trong sáu tháng cuối năm 2010 đạt khoảng 2,5 triệu tấn, tương đương 5 triệu tấn lúa.

Hai bên con đường mòn đi vào ấp 4, ấp 5, xã Thạnh Lộc hầu như nhà nào cũng đầy lúa. Nhiều nhà chất hàng trăm bao lúa tràn ra ngoài sân.

 Ông Trần Văn Tám ở ấp 4, xã Thạnh Lộc chỉ đống lúa ngoài sân nói: “Tui có 9 tấn, em gái tui 7 tấn. Thu hoạch đã được hơn nửa tháng rồi mà không có ai mua. Ngày nào tui cũng gọi điện cho lái. Ai cũng hẹn rồi mất tiêu”. Theo ông Tám, thu hoạch lúa về phải bán ngay vì nợ đại lý phân bón, nợ tiền công thu hoạch... 

 
 Bà Nguyễn Thị Tím (Tiền Giang) bên đống lúa chờ bán - Ảnh: V.Trường

Nhà bà Nguyễn Thị Tím gần đó hầu như không còn chỗ nào trống để chứa lúa. Bà Tím có 6ha lúa, thu hoạch được hơn 30 tấn lúa nên đang ngóng thương lái từng ngày. “Tui đang nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu của đại lý gần 20 triệu đồng không biết làm sao mà trả” - bà Tím than vãn. 

Tương tự, tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, nhiều nông dân thu hoạch lúa hè thu xong cũng không thể tìm thương lái bán. Ông Lê Văn Tùng, ở xã Kiến Bình, than thở: “Mấy ngày nay ghe từ Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An không ai tới đây mua lúa hết. Cứ 10 hộ thu hoạch lúa thì mới có 1-2 người bán được, còn lại phải đem về nhà chờ”. 

Phần lớn là lúa IR50404 

Theo ông Hoàng, có hơn 90% hộ dân kêu bán lúa đều là loại lúa IR50404. “Giống lúa này trồng vụ hè thu thường bị bạc bụng, đốm đen, không chế biến gạo cao cấp 5% tấm được. Khi mua chúng tôi phải xem kỹ, nếu làm được gạo 5% tấm mới mua” - ông Hoàng quả quyết. 

Nhiều người chấp nhận bán lúa IR50404 với giá 3.500 đồng/kg để có tiền trả nợ nhưng vẫn không bán được. Ông Cao Văn Hóa, phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, xác nhận tình trạng ứ đọng lúa hè thu sớm trong dân ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành hiện nay rất nghiêm trọng. Đây cũng là thực trạng chung của các tỉnh ĐBSCL hiện nay. Nguyên nhân do lúa tồn kho của các doanh nghiệp nhiều nên mua vào hạn chế. 

Ngoài ra vụ này nông dân sản xuất giống IR50404 quá nhiều trong khi nhu cầu tiêu thụ loại gạo này ít. “Tỉnh đang làm văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường mua tạm trữ để giải phóng lúa gạo trong dân, giúp họ có vốn tái sản xuất và chi tiêu trong gia đình” - ông Hóa nói. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, nhu cầu xuất khẩu hiện nay là gạo 5% tấm, trong khi các doanh nghiệp mua loại này rất khó khăn thì nông dân lại có quá nhiều lúa IR50404. Hệ thống kho của công ty ở các huyện vẫn thu mua lúa IR50404 nhưng sản lượng không nhiều.

Kiến nghị mua tạm trữ 

Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký Hiệp hội Lương thực VN (VFA), thừa nhận việc tiêu thụ lúa hè thu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với vụ đông xuân vì thị trường xuất khẩu chưa thuận lợi về giá. Trong khi lúa hàng hóa vụ hè thu có chất lượng thấp hơn vụ đông xuân nhưng giá thành sản xuất lại cao hơn. “Hiệp hội vẫn đang khuyến khích các thành viên tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu gạo theo hợp đồng thương mại” - ông Huệ khẳng định. 

Về việc triển khai mua tạm trữ lúa gạo trong dân, ông Huệ cho biết hiện VFA đã gửi kiến nghị lên Chính phủ nhưng chưa có ý kiến chỉ đạo. Động thái này trái ngược với thời điểm vụ đông xuân, khi đó VFA chủ động chỉ đạo các thành viên mua tạm trữ trên 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) của nông dân với giá tối thiểu 4.000 đồng/kg. Điều đáng nói là khi đó VFA mua lúa mà không cần đến chỉ đạo của Chính phủ và các doanh nghiệp tham gia chương trình này sau đó cũng không yêu cầu Chính phủ hỗ trợ lãi suất.

 


AGROINFO (Theo Sài Gòn giải phóng online)

Tin khác