Đắk Lắk : chăn nuôi động vật hoang dã đối mặt với nhiều rủi ro

02/07/2010

AGROINFO – Ở Đắk Lắk, xu hướng nuôi động vật hoang dã đang trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên việc mở rộng ồ ạt loại hình chăn nuôi này cũng chứa đựng không ít rủi ro.

Chăn nuôi động vật hoang dã còn nặng tính tự phát

Theo ông Đỗ Ngọc Dũng - trưởng phòng bảo tồn Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk: điều đáng lưu ý nhất đối với phong trào nuôi động vật hoang dã tại Đắk Lắk là làm sao giữ được thương hiệu. Và thương hiệu của động vật hoang dã tại Đắk Lắk chính là sự trung thực về chất lượng.

Chăn nuôi động vật hoang dã còn nặng tính tự phát (Ảnh minh họa: Internet)

Để giữ được thương hiệu này quả thực không phải là điều dễ dàng. Thực tế cho thấy thời gian qua do quá nôn nóng về lợi nhuận nên nhiều cơ sở đã áp dụng các biện pháp để tăng năng suất, làm sao cho vật nuôi đẻ thật nhiều, lớn thật nhanh để thu lợi nhuận.

Về lâu dài cần có một tổ chức liên kết những hộ nuôi động vật hoang dã với nhau cùng đứng ra làm ăn, tìm kiếm đối tác để tạo dựng thương hiệu và xây dựng thị trường ổn định; tránh tình trạng manh mún, vừa làm ra vừa bán cho nơi này một ít, bán cho nơi kia một mảnh như hiện tại.

Phong trào nuôi động vật hoang dã thật sự bắt đầu từ khoảng năm 2005. Một trong số ít người đầu tiên kinh doanh loại hình này là ông Hoàng Mạnh Cường, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kiên Cường (phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột), cho biết trước đây gia đình có mua vài con về chỉ là “nuôi cho vui”.

Tuy nhiên sau vài năm, thấy số động vật mình nuôi lớn khá nhanh và bắt đầu sinh sản được, ông quyết định chuyển hướng qua đầu tư vốn để lập cơ sở nuôi động vật hoang dã. Ông Cường cho biết đến thời điểm hiện tại trang trại của ông đã mở rộng diện tích ra 2.000m2, thường xuyên có trên dưới 1.000 con rắn, hàng chục nhím đá và một lượng lớn cầy hương, hươu, ba ba, khỉ... Ông Cường cho hay qua tìm hiểu mô hình của ông, rất nhiều người gần xa đã về nuôi nhưng tỉ lệ thành công không nhiều.

Tương tự, ông Văn Dương, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Văn Dương (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột), cho hay năm 2007 đã đầu tư xây chuồng trại nuôi động vật hoang dã. Ban đầu kinh nghiệm chủ yếu là học hỏi từ những người đi trước nên trong năm đầu tiên thất bại “bầm giập”, có thời điểm giống chết đến hơn 40%. Hiện trang trại của ông nuôi hơn 1.000 con rắn, 20 con chồn hương, trên 100 con kỳ đà...

Không chỉ tại TP Buôn Ma Thuột mà tại các huyện như Ea Kar, Krông Pắk... nhiều trang trại nuôi động vật hoang dã cũng liên tục được mở ra, trong đó Công ty heo rừng Tây nguyên NNH được coi là trang trại quy mô nhất tại Tây nguyên, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng ngàn con giống heo rừng.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, giám đốc Công ty NNH, cho biết hiện ông tiếp tục đầu tư nuôi các loài động vật quý hiếm khác như kỳ đà, rắn hổ, gà chân đen...

Ông Đỗ Ngọc Dũng cho biết khoảng năm năm trước có rất ít hộ dám đầu tư để nuôi động vật hoang dã bởi thủ tục còn khá phức tạp, nhưng từ năm 2007 đến nay số cơ sở đăng ký nuôi hằng năm tăng khá nhanh, trong đó riêng tại TP Buôn Ma Thuột đã có 250 hộ. Phần lớn các hộ này đăng ký nuôi các loài như rắn hổ trâu, hổ chúa, kỳ đà, nhím, chồn hương... “Các hộ nuôi cũng chưa trải qua một lớp tập huấn nào, chủ yếu là tự phát, thấy người khác làm cũng làm theo nên nguy cơ thất bại là khá lớn” - ông Dũng cho hay.

Đối mặt với không ít rủi ro

Có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc cho phép các cơ sở nuôi động vật hoang dã. Những người ủng hộ cho rằng việc cho phép chăn nuôi động vật hoang dã sẽ giảm áp lực lên việc khai thác săn bắn động vật hoang dã từ rừng. Tuy nhiên nhiều người lại nghi ngại việc cho nuôi ồ ạt nếu không quản lý chặt chẽ sẽ tạo ra kẽ hở, là nơi để thú rừng khai thác bất hợp pháp dễ dàng “rửa mác” biến thành thú nuôi trước khi lên bàn nhậu. “Theo tôi, có thể an tâm về mặt nguồn gốc vì số lượng thú nuôi được quản lý rất chặt, số thú con ra đời đều được làm “giấy khai sinh” để quản lý nên sẽ khó có chuyện thú rừng biến thành thú nuôi. Mặt khác, việc kinh doanh động vật hoang dã là hướng làm ăn mới, hứa hẹn lợi nhuận cao nên chúng tôi đang rất khuyến khích bà con gây nuôi” - ông Dũng nói.

Ông Ngô Nhân, phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk, cho biết mặc dù nuôi động vật hoang dã đang là cách làm ăn khá hấp dẫn nhưng mô hình này cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro. Số vốn ban đầu bỏ ra để xây dựng trang trại, mua con giống rất lớn; mặt khác động vật hoang dã nói chung đều rất khó nuôi nên chủ trang trại phải nắm rất chắc những nguyên tắc về chăm sóc, bảo vệ, cơ sở chuồng trại, nếu không sẽ sớm chuốc lấy thất bại.

Theo ông Hoàng Mạnh Cường, cách tốt nhất để tránh rủi ro là làm mô hình từ nhỏ đến lớn, nuôi từ loài dễ đến loài khó, vừa làm vừa lấy kinh nghiệm, không nên đầu tư đại trà.


Lê Huê (Theo TTO)

Tin khác