AGROINFO- Ngày 1/7, Bộ NNPTNT đã có cuộc họp khẩn để thống kê mức thiệt hại ban đầu, cũng như đánh giá tình hình nắng nóng, hạn hán thực tế tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ (BTB), duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) và Tây Nguyên đồng thời đề xuất những giải pháp khắc phục hiệu quả nhất.
Nắng nóng gay gắt, thiếu nước nghiêm trọng
Ngay từ đầu vụ hè thu, nắng nóng trên diện rộng đã xảy ra ở cả 3 vùng trên với nhiệt độ trung bình tháng 5, 6 cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-1,7 độ C; nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37độ C. Đặc biệt, có nơi ở Bắc Trung Bộ nhiệt độ cao nhất lên tới 39-40 độ C, thậm chí có nơi cao hơn như Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là 40,9 độ C…
Trong khi đó, vào tháng 5 thường xuất hiện lũ tiểu mãn vừa có nước đổ ải đầu vụ để gieo sạ lúa hè thu vừa bổ sung lượng nước dự trữ trên các hồ, đập, nhưng đặc biệt năm nay mưa tiểu mãn hầu như không đáng kể, lượng mưa cao nhất ở Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ đạt mức 40-50mm. Bình Định 20-30mm và Phú Yên, Khánh Hòa hầu như không mưa.
Kết quả kiểm tra tại các địa phương của đoàn công tác cho thấy, các đập dâng lớn như Đồng Cam (Phú Yên), Thạch Nham (Quảng Ngãi), lượng nước đều tụt dưới ngưỡng tràn 1-1,2m.
Các hồ chứa nước có dung tích lớn như Hồ Đá Bàn, Suối Dầu ở Khánh Hòa; Hồ Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, Hội Sơn, Vạn Hội ở Bình Định; Phú Ninh ở Quảng Nam… mực nước còn lại chỉ ở mức 30-40% dung tích thiết kế.
Các trạm bơm điện sử dụng nguồn nước trên sông phục vụ tưới gặp nhiều khó khăn do lượng nước sụt giảm, điện không ổn định, vùng hạ lưu bị mặn xâm lấn ở nồng độ cao. Đối với các đập dâng, hồ chứa có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3 ở các địa phương hiện nay lượng nước đã cạn kiệt đến mực nước chết.
Theo dự kiến của các đơn vị khai thác thủy nông nếu tiếp tục nắng nóng, không mưa với lượng nước còn lại trên các đập dâng, hồ chứa lớn thì chỉ phục vụ tưới trong thời gian từ 15-20 ngày nữa.
Nhiều diện tích lúa gặp hạn
Tại các tỉnh thuộc vùng BTB, tổng diện lúa đã gieo cấy đến nay đạt trên 254 nghìn ha (đạt gần 80%) trong đó diện tích lúa bị hạn trên 62.000 ha, diện tích bị hạn nặng trên 30.000 ha. Các tỉnh bị hạn nặng nhất như Nghệ An (23.000 ha bị hạn nặng), Hà Tĩnh (11.500 ha trong đó có 4.000 ha bị hạn nặng).
Theo đó, nếu trong 5-7 ngày tới không có mưa thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn, diện tích lúa bị mất trắng tại Nghệ An, Hà Tĩnh mỗi tỉnh trên 4.000 ha, tại Mường Lát (Thanh Hóa) là trên 3.700 ha.
Tại các tỉnh DHNTB, đến nay đã xuống giống được 154.000 ha (đạt 94% kế hoạch). Tính đến nay, tổng diện tích cây trồng bị hạn ước khoảng trên 47.000 ha, trong đó có trên 6.250 ha diện tích bị hạn không thể xuống được. Diện tích lúa hè thu bị hạn nhiều tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam (2.700ha), Bình Định (6.500ha)… Như vậy nếu trong 10 ngày tới không có mưa lớn đảm bảo đủ nước bổ sung cho các hồ chứa, toàn vùng sẽ có khoảng 46.000 ha lúa hè thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đoàn công tác do Tổng cục Thủy lợi dẫn đầu tại các tỉnh Tây Nguyên cho biết, hiện nay ở đây đã có mưa nên không gặp khó khăn trong công tác chống hạn cứu lúa.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đề nghị, cần tập trung khẩn trương xử lý, khắc phục tình hình hạn hán tại vùng BTB và DHNTB. Nếu chống hạn tốt thì sẽ giải cứu được khoảng 100.000 ha diện tích lúa bị hạn và đã cấy.
Hỗ trợ người dân chống hạn
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, thời vụ hè thu chỉ còn 10-15 ngày là kết thúc, do đó cần hỗ trợ địa phương chủ động mua giống, chuyển đổi để người dân mua giống ngô, rau màu thay thế. Hỗ trợ cho công tác chống hạn, căn cứ vào diện tích bị hạn nặng và sẽ bị hạn nặng.
Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp chống hạn cấp bách, như sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện tưới luân phiên trên các công trình thủy lợi, lắp đặt bơm dầu dã chiến khi cần thiết. Đối với diện tích lúa đã gieo sạ và đang làm đòng thì ưu tiên nước tưới đảm bảo cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, thuận lợi cho quá trình phát triển đòng.
Riêng đối với những diện tích không chủ động được nguồn nước tưới cần lùi thời vụ hoặc chuyển đổi diện tích hè thu sang gieo cấy vụ mùa bằng các giống mới ngắn ngày… Diện tích không đủ nước gieo cấy cần hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang trồng cây rau màu cần ít nước hơn hoặc chờ để trồng cây vụ thu đông, đông sớm.
Bộ NNPTNT cũng đề xuất với Chính phủ xuất giống cây trồng dự phòng ngắn ngày từ nguồn của địa phương và dự trữ quốc gia. Hỗ trợ kinh phí cho nạo vét kênh mương, tiền điện vượt định mức, tiền dầu bơm nước chống hạn… nếu vượt nguồn dự trữ của địa phương.
Phạm Khánh (Theo Chinhphu.vn)