Lào Cai đầu tư phát triển dịch vụ thương mại nông thôn

02/07/2010

AGROINFO - Dự án phát triển dịch vụ thương mại nông thôn là 1 trong 4 lĩnh vực chính của Đề án Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2006 – 2010.

Đến nay, Dự án phát triển dịch vụ thương mại nông thôn đã đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn ở Lào Cai.

Thành quả đầu tiên của dự án là việc phát triển mạng lưới thương mại - dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có 71 chợ (nông thôn có 50 chợ, thành thị có 21 chợ), trong đó 45 chợ kiên cố, 12 chợ bán kiên cố, 14 chợ tạm. Trong những năm qua, hệ thống chợ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đặc biệt, các phiên chợ vùng cao không chỉ là nơi trao đổi, giao lưu thương mại mà còn là một nét đẹp văn hóa, tạo điều kiện để các địa phương phát triển du lịch bản địa.

Bên cạnh việc phát triển mạng lưới chợ, hệ thống cửa hàng thương nghiệp tại các huyện, thành phố cũng từng bước phục vụ tốt hơn nhu cầu mua, bán của người dân. Năm 2009, toàn tỉnh có 8.673 cửa hàng thuộc sở hữu của nhiều thành phần kinh tế; chủ yếu là các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh các loại hàng hóa đa dạng, phong phú, mạng lưới rộng. Các cửa hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của nhân dân, nhất là đối với hai mặt hàng chính sách (dầu hỏa và muối i-ốt). Tuy nhiên ở một số huyện vùng cao, loại hình dịch vụ này còn ít, nên việc cung ứng các nhu cầu cho tiêu dùng của nhân dân còn có nhiều khó khăn.

 
 

Cửa hàng thương nghiệp Ý Tý luôn thu hút người dân tới mua sắm.   Ảnh: Phạm Khắc Xương

Hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh cũng được mở rộng. Đến hết năm 2009, toàn tỉnh có 46 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, tăng 15% so với năm 2006. Giai đoạn 2006 - 2009, đã đầu tư sửa chữa nâng cấp và xây dựng mới 5 cửa hàng xăng, dầu ở khu vực nông thôn, bằng nguồn vốn doanh nghiệp với kinh phí 11,6 tỷ đồng, đạt 99,7% so với mục tiêu năm 2010. Các cửa hàng xăng, dầu mới đầu tư có cơ sở khang trang hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và phục vụ tốt công tác an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Hệ thống thương mại cung ứng dịch vụ bán lẻ được mở rộng với sự tham gia của các thành phần kinh tế chủ yếu tại các trung tâm xã, cụm xã, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở nông thôn.

Đảm bảo cho nhu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, tỉnh Lào Cai rất chú ý đến khâu đào tạo nhân lực cho hoạt động dịch vụ thương mại nông thôn. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo nghề mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, trình độ tay nghề cho trên 38.600 lượt người, gồm đào tạo dài hạn, ngắn hạn, đặc biệt quan tâm đến lao động nông thôn, người nghèo và lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ nông dân các dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức và tham gia nhiều Hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của địa phương, đăng ký bảo hộ thương hiệu... Bên cạnh đó là triển khai các chương trình phát triển làng nghề chạm khắc bạc, rượu Bản Phố (Bắc Hà) và nhiều sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu như: gạo Séng Cù, tương ớt, chè Thanh Bình (Mường Khương); rượu Shan Lùng, Mao Lùng (Bát Xát); chè Phong Hải (Bảo Thắng); mật ong Thanh Xuân (Bảo Yên).

Với những thành công bước đầu từ dự án phát triển dịch vụ thương mại nông thôn, tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển mình khá rõ rệt. Hệ thống chợ, cửa hàng xăng, dầu, vật tư, thương mại cung ứng dịch vụ bán lẻ hàng hoá được củng cố và phát triển tới trung tâm cụm xã, các khu vực vùng sâu, vùng xa. Hệ thống này đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao lưu văn hoá, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Dự án phát triển dịch vụ thương mại nông thôn còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại. Ví dụ như thương mại khu vực nông thôn hoạt động chủ yếu thông qua các chợ phiên; do chưa có giải pháp huy động nguồn lực trong dân có hiệu quả, nên chưa hấp dẫn các chủ thể kinh doanh và cư dân trên địa bàn bỏ vốn đầu tư xây dựng chợ, vì vậy loại hình này phát triển chậm. Mặt khác, nguồn vốn ngân sách nhà nước là nguồn lực chính đầu tư phát triển hệ thống chợ, nhưng thời gian qua việc bố trí kinh phí xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu, nên mục tiêu về xây dựng chợ chưa đạt. Mạng lưới bán lẻ xăng, dầu xây dựng từ năm 2006 đến nay còn nhiều bất cập, nhiều khu vực chưa có các cửa hàng cung ứng xăng, dầu hoặc không thuận lợi cho việc cung cấp nhiên liệu để thực hiện các chương trình phát triển nông thôn và sinh hoạt của nhân dân... Để hướng tới phát triển dịch vụ thương mại nông thôn ở Lào Cai nhanh mạnh và đảm bảo tính bền vững, cần từng bước giải quyết những tồn tại này.


Lê Huê (Theo Báo Lào Cai)

Tin khác