Lợi thế phát triển du lịch dịch vụ tại Bắc Hà

05/07/2010

AGROINFO – Bắc Hà là một trong những địa phương tiêu biểu của tỉnh Lào Cai có thế mạnh về phát triển du lịch dịch vụ. Lợi thế của Bắc Hà là cảnh quan hùng vĩ, khí hậu trong lành, nhiều di tích lịch sử đặc biệt là nét văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Những danh thắng nổi cảnh trên địa bàn huyện Bắc Hà mà du khách quen thuộc là dinh thự Hoàng A Tưởng, đền Trung Đô, đền thờ Gia Quốc công Vũ Văn Mật. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Bắc Hà đã phát huy tốt nội lực, khai thác tiềm năng du lịch thông qua thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010".

 

 
 Khách du lịch đến thăm Bắc Hà.

 

Thời gian qua, Bắc Hà huy động được trên 100 tỷ đồng cho quy hoạch và đầu tư hạ tầng 3 vùng du lịch trọng điểm gồm: trung tâm thị trấn Bắc Hà, cụm xã Bảo Nhai, cụm xã Lùng Phình với các điểm, tuyến du lịch trong và ngoài huyện. Nhiều điểm du lịch luôn hấp dẫn khách du lịch như: Chợ Cốc Ly, chợ văn hoá Bắc Hà, dinh thự cổ Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, thành cổ Trung Đô, xã Bản Phố, Tả Van Chư, thắng cảnh hang Tiên, du thuyền sông Chảy. Đồng thời, Bắc Hà còn thực hiện xây dựng làng, bản văn hoá gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: làng văn hoá - du lịch ở Tả Van Chư, Bản Phố, Trung Đô; khu du lịch văn hoá - sinh thái Na Cồ (Tà Chải)...

 

Từ năm 2007, huyện Bắc Hà tổ chức lễ hội leo núi, đua ngựa và các lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch. Lễ hội xuống đồng ở Tà Chải và Na Hối tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, lễ hội xuống đồng thôn Trung  Đô (Bảo Nhai) vào ngày thìn tháng Giêng, lễ hội đền Bắc Hà vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, lễ cúng rừng của người Mông thôn Phéc Bủng (Bản Phố) tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch, lễ cơm mới vào tháng 9 âm lịch hàng năm... Từ các lễ hội, hoạt động văn nghệ dân gian, các loại hình âm nhạc và thể thao dân tộc đã phục hồi như: múa võ cổ truyền, múa gậy, sinh tiền, múa kiếm, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, ném còn, đánh quay; hát giao duyên, múáa khèn... Các thể loại văn hoá phi vật thể cũng được sưu tầm khai thác thông qua các hội thi "Giọng hát hay, trang phục đẹp" các dân tộc toàn huyện được duy trì tổ chức thường xuyên nhằm lưu giữ những làn điệu dân ca và nét văn hoá độc đáo trong trang phục của đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng, phát triển làng nghề truyền thống nấu rượu ngô đặc sản, rèn đúc nông cụ cầm tay, dệt thổ cẩm, làng nghề văn hoá dân tộc Mông ở Bản Phố và Tả Van Chư để nhân dân nơi đây trực tiếp làm du lịch và hưởng lợi từ du lịch.

Với những nỗ lực trong đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình phục vụ du lịch, từng bước nâng chất lượng phục vụ, Bắc Hà đã và đang thu hút lượng lớn khách du lịch. Năm 2008, với việc tổ chức thành công "Tuần Văn hoá - Du lịch Bắc Hà" huyện đã đón gần 73.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 36 tỷ đồng. Năm 2009, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và sự bùng phát của dịch cúm A/H1N1, nhưng với giải pháp cấp bách của tỉnh và khả năng ứng phó kịp thời của địa phương trước những khó khăn, du lịch Bắc Hà vẫn đạt doanh thu 30 tỷ đồng. Trong những ngày đầu năm 2010, các xã trong huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như: Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Tày xã Tà Chải, Na Hối và thôn Trung Đô (Bảo Nhai); lễ hội Say Sán của đồng bào dân tộc Mông xã Tả Van Chư; đặc biệt, quản lý tốt các điểm di tích văn hoá, cũng như duy trì, giữ gìn bản sắc văn hoá chợ phiên đã thu hút lượng đông du khách đến Bắc Hà. Tính từ đầu năm đến nay, Bắc Hà đã đón trên 30.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 55%. Tuy nhiên, tỷ lệ khách nghỉ lại qua đêm chỉ chiếm trên 10% tổng số khách, các điểm dịch vụ, vui chơi, giải trí còn ít, nên không thu hút khách lưu trú.

Trong thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác quảng bá giới thiệu về Bắc Hà, huyện tiếp tục kêu gọi và huy động các nguồn lực của các tổ chức và cá nhân đầu tư phục vụ các hoạt động du lịch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng thương hiệu và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp tác đối ngoại về du lịch, nâng tầm kinh doanh phục vụ du lịch một cách chuyên nghiệp, để đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.


Lê Huê (Theo Báo Lào Cai)

Tin khác