Cá tra ở ĐBSCL “Sẽ không còn bơi trong ao của những hộ nuôi nhỏ lẻ?”

05/07/2010

AGROINFO - Nếu như những năm trước, nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp nhiều gia đình trở nên giàu có thì thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi loại cá này lại đang trong tình cảnh điêu đứng vì giá cá rớt liên tục và ngân hàng không rót vốn…

Thu hẹp dần diện tích

Áp lực từ việc giá thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng, khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng… trong khi giá thành sản phẩm bán ra không cao đã khiến cho diện tích ao nuôi cá tra đồng loạt giảm tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại ở Sóc Trăng, diện tích nuôi cá tra hầm của huyện Kế Sách hiện mới đạt 90 ha, trong khi trước đây diện tích nuôi cá tra ở huyện này từng lên đến 114 ha. Tình trạng này cũng diễn ra tại Cần Thơ, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diện tích thả nuôi đạt khoảng 420 ha, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại tỉnh Trà Vinh diện tích thả nuôi cũng mới khoảng gần 30 ha. Nhiều vùng thuộc quy hoạch nuôi cá tra ở tỉnh này diện tích thả nuôi giảm đến 60 đến 70% so với cùng kỳ năm 2009. Ở Vĩnh Long, hiện còn trên 80 ha chưa thả nuôi, 12,6 ha chuyển sang nuôi vật nuôi khác.

Diện tích cá tra tại các tỉnh ĐBCL đang bị thu hẹp
Đa số các hộ nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng so với hồi đầu năm thì giá cá tra bán ra đã giảm hơn 1.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi vẫn có lời nhưng chưa tới 10%. Điều này đã gây áp lực quá lớn cho người dân nuôi cá vì chi phí đầu vào tăng đẩy giá thành nuôi cá tra bằng thức ăn công nghiệp vào khoảng 16.000 - 16.500 đồng/kg, còn nuôi thức ăn tự chế khoảng 15.500 - 16.000 đồng/kg.

Ông Phạm Quang Tuyến, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết: ông đã có gần chục năm nuôi thủy sản với ba ba, cá tra nhưng mô hình nuôi này không có lãi nên hai năm trở lại đây ông không dám nuôi cá tra nữa. Tuy nhiên hầm ao bỏ trống quá lãng phí nên gia đình ông đã chuyển sang nuôi cá lóc vì hiệu quả cao hơn nhiều.

Một nông dân chăm sóc ao cá tra cho một hộ nuôi cá tra ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ cho biết: Cách nay khoảng 5 tháng, chủ ao bán giá cá tra nguyên liệu ở mức 15.600 đồng/kg. Với giá bán này chủ hộ nuôi đã bị lỗ vì giá thành cá tra nuôi bằng thức ăn công nghiệp vào thời điểm này khoảng 16.000 đồng/kg. Qua đợt thu hoạch, chủ hộ nuôi thả thêm đợt nuôi mới. Tuy nhiên, nhận thấy giá cá tra nguyên liệu trên thị trường không hấp dẫn, trong khi giá thức ăn công nghiệp ở mức cao (loại thức ăn 26% đạm giá đến 9.200 đồng/kg), cách nay hơn nữa tháng, chủ hộ nuôi đã bán cá con, thả được hơn 1 tháng và dự định sẽ chuyển qua nuôi cá lóc và ếch.

Không còn sân chơi cho những người nuôi nhỏ lẻ

Ông Ngô Phước Hậu – Phó chủ tịch Vasep cho biết: Tình trạng thu hẹp diện tích đang khiến các nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu cứ ngồi chờ dân nuôi thì chắc chắn sẽ không có đủ nguyên liệu. Chính vì lý do này, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tự tạo vùng nuôi để có thể tự cung cấp nguồn nguyên liệu một cách an toàn và tốt nhất cho mình. Trong đó nổi bật phải kể tới công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, sắp tới hai vùng nuôi cá tra tại Tân Thuận Tây và Tân Hòa (Đồng Tháp) với diện tích 40 ha của Vĩnh Hoàn sẽ nhận chứng nhận Global G.A.P. Với diện tích này, vùng nuôi cá tra của công ty sẽ là vùng nuôi lớn nhất cả nước đạt Chứng nhận Global G.A.P.

Tuy nhiên, trước những thách thức mà người nông dân phải đối mặt thì hiệp hội cũng chia sẻ bằng cách hướng cộng đồng doanh nghiệp có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi liên kết chặt chẽ với hộ nông dân để đầu tư cho họ vốn sau đó bao tiêu luôn sản phẩm. Với sự liên kết này, doanh nghiệp sẽ dẫn hướng dẫn cho người dân quy hoạch vùng nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nguồn nguyên liệu luôn đảm bảo và tạo động lực thúc đẩy những hộ nuôi với quy mô lớn. Bên cạnh đó, các hộ nuôi với quy mô nhỏ sẽ dần bị thu hẹp lại, họ có thể chuyển đổi sang phương thức nuôi trồng các loại cá nước ngọt khác. Có thể nói, trong thời gian tới sẽ không còn sân chơi cho những hộ nuôi với quy mô nhỏ lẻ.

Đồng thời, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xác định quy hoạch vùng nuôi ở 9 tỉnh, thành (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh) với diện tích 6.000 ha ao nuôi, sản lượng 1,2-1,5 triệu tấn/năm; trong đó 60 - 70% của các doanh nghiệp sản xuất tập trung quy mô lớn còn 30 - 40% là quy mô nông hộ. Bên cạnh đó hướng cho những hộ nông dân có ít vốn chuyển mô hình nuôi trồng sang các loại cá nước ngọt khác có hiệu quả cao hơn góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân tại đây.


Phạm Khánh (Theo Báo Kinh Tế Nông Thôn)

Tin khác