Để dòng tín dụng chảy mạnh vào nông nghiệp, nông thôn

16/07/2010

AGROINFO - Sau 12 năm triển khai Quyết định 67/1999/QĐ- TTg (ngày 30/3/1999) của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng bình quân gần 22%/năm. Thế nhưng, so với nhu cầu thực tiễn, nguồn vốn này mới chỉ như "muối bỏ bể", chưa kể nhiều quy định đã quá lạc hậu, không còn phù hợp. Đây là những nhận định được đưa ra tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện Quyết định 67/1999/QĐ- TTg và triển khai Nghị định số 41/2010/NĐ- CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được tổ chức tại Hà Nội ngày 30/6/2010

Nguồn vốn tín dụng chảy vào nông nghiệp - nông thôn mới chỉ như..."muối bỏ bể" (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Tăng dần đều nhưng bó hẹp

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nếu như cuối năm 1998, dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đạt 34.000 tỷ đồng, thì sau 10 năm, dư nợ đã tăng gần 9 lần, đạt trên 292.919 tỷ đồng (chiếm 16,7% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế). Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân là 21,78%; cơ cấu nợ tiếp tục được cải thiện theo hướng tăng dần tỷ trọng đầu tư vốn trung và dài hạn. Riêng trong năm 2009, cho vay trung dài hạn chiếm 40%, cho vay ngắn hạn chiếm 60%.


Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, sau hơn 10 năm thực hiện, Quyết định 67 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nguồn vốn tín dụng mặc dù có sự tăng dần đều qua các năm, nhưng vẫn còn bị bó hẹp, chưa thỏa mãn được đầy đủ các nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống tại khu vực nông thôn. Nhiều chính sách đến nay đã quá lạc hậu, như mức vốn vay không có bảo đảm bằng tài sản của hộ nông dân thấp. Một số khoản cho vay theo các chương trình kinh tế, tín dụng của Chính phủ ở nông thôn hiệu quả chưa cao.


Thêm vào đó, chính sách cho vay của các ngân hàng chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với các chính sách của địa phương và các bộ, ngành như quy hoạch thủy sản, tiêu thụ hàng nông thủy sản, hợp đồng trong tiêu thụ sản phẩm... , vì thế hiệu quả đầu tư còn thấp.


Thay thế bằng văn bản pháp quy vẫn chưa đủ

Đại diện nhiều địa phương và cả các ngân hàng đều cho rằng, để nguồn vốn tín dụng thực sự chảy vào nông nghiệp, nông thôn thì chỉ việc ban hành Nghị định 41 thay thế cho Quyết định 67 vẫn chưa đủ, mà quan trọng phải là việc phối hợp triển khai cũng như cân đối được "đầu vào" cho ngân hàng.


"Có Nghị định 41 chúng tôi thực sự rất mừng, nhưng nghi ngờ về nguồn vốn cho vay, bởi nếu theo nhu cầu hiện nay (mỗi hộ có thể được vay 50- 500 triệu đồng theo Nghị định 41), thì số vốn đòi hỏi rất lớn"- ông Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên nói. Cũng theo ông Thuần, thực tế cho thấy, trong năm 2009, nguồn vốn tín dụng cho vay khu vực nông nghiệp- nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mới chỉ đạt... 1 tỷ đồng (!?) Mặt khác, ông Thuần cho rằng, hầu hết các khoản cho vay hiện nay đều là ngắn hạn, cho vay trung- dài hạn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, đã khiến cho hiệu quả của đồng vốn vay vào khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.


Ông Đàm Văn Vượng, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình băn khoăn khi Nghị định 41 vẫn chưa có quy định cụ thể về việc cho hợp tác xã và các cơ sở kinh tế tập thể vay, trong khi đó hiện tại dư nợ tại khu vực này còn rất thấp. "Hơn nữa, việc quy định chỉ hỗ trợ vốn cho các hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng như Nghị định 41 cũng là chưa thỏa đáng. Nên xem xét đến mức độ thiệt hại cụ thể để tính toán lượng vốn bơm cho họ cũng như thực hiện giãn, miễn hoàn trả vốn vay hợp lý"- ông Vượng đề xuất.


Về phía người cho vay, Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Phạm Thanh Tân cũng cho rằng, nguồn vốn và nhu cầu về vốn vay cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đang thực sự là một thách thức đối với các ngân hàng. "Mặc dù dư nợ cho vay khu vực này chiếm tới 70% tổng dư nợ của ngân hàng, khoảng trên 250 ngàn tỷ đồng, nhưng so với nhu cầu thực tế thì đây vẫn chưa phải là con số mong muốn của chúng tôi"- ông Tân cho hay. Đóng vai trò chủ lực, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển, song ông Tân thừa nhận, Agribank cũng đang thực sự đau đầu trong việc cân đối nguồn vốn cho vay vì nhu cầu đòi hỏi tăng lên của khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay rất lớn. Mặt khác, với đặc thù của việc cho vay ở khu vực nông thôn là trải rộng trên nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận và thẩm định vốn vay cũng là một trở ngại không nhỏ.


Và, trong khi chờ đợi Nghị định 41 đi vào cuộc sống, ông Thuần vẫn còn chút băn khoăn: Liệu mức cho vay khá cách biệt giữa 50 và 500 triệu đồng có làm "doãng" khoảng cách giàu nghèo, gia tăng sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn?


Phạm Khánh (Theo Báo Kinh Tế Hợp Tác)

Tin khác