Tại sao cho nhập bột cá, cỏ, tỏi khi mà VN là nước mạnh về nông nghiệp?

16/07/2010

AGROINFO - Tại hội thảo "Những tác động đối với doanh nghiệp sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 12" diễn ra sáng 15-7 tại TP.HCM do Thời Báo Kinh Tế Việt Nam tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội - đánh giá Việt Nam cơ bản đã vượt qua được khủng hoảng kinh tế với tốc độ nhanh hơn các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và các nhà khoa học dự báo.

 
TS Vũ Đình Ánh thắc mắc về việc cho nhập khẩu bột cá, tỏi và cỏ (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Ông Kiên cho biết tình hình kinh tế vĩ mô sáu tháng đầu năm khá ổn định như: GDP đạt 6%, CPI đạt 4,78%, xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định... Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số yếu tố cần khắc phục như: các vấn đề bình ổn giá, kiềm chế lạm phát để ổn định sản xuất và đời sống chưa đạt yêu cầu; vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất không đồng bộ...  

Theo ông Vũ Đình Ánh - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kế hoạch thị trường giá cả, nếu thị trường quốc tế không có những biến động quá bất thường và Chính phủ tiếp tục các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô thận trọng như đã thực hiện trong quí II-2010 thì khả năng kiềm chế lạm phát cả năm 2010 ở mức một con số là rất cao.

Theo ông Ánh, CPI quý III-2010 có thể tiếp tục tăng thấp ở mức 0,2-0,5%/tháng trước khi bước vào giai đoạn tăng cao hơn khoảng 1%/tháng trong quí IV-2010 dưới tác động của quy luật diễn biến CPI hằng tháng, song CPI cả năm vẫn có thể dừng ở mức 8-9%.

Tuy nhiên, câu chuyện mà các chuyên gia kinh tế như TS Trần Du Lịch, TS Vũ Đình Ánh quan tâm là việc nhập siêu hàng hóa sáu tháng đầu năm lên đến 6,7 tỉ USD, tương đương 20,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. 

Ông Trần Du Lịch - ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội - báo động tình trạng quá lạm dụng việc nhập bán thành phẩm vào tiêu thụ trong nước (còn gọi là tiêu thụ trên sức mình). Ông Lịch cho biết trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm 2010 các chính sách kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỉ giá... khá ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn.

Tuy nhiên, về trung và dài hạn trong 5 - 10 năm tới, doanh nghiệp cần nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi mô hình làm kinh tế từ gia công hàng xuất khẩu sang sản xuất hàng xuất khẩu để giảm tình trạng nhập siêu. Tiến tới phát triển kinh tế tri thức thay vì trông cậy vào kinh tế vốn, cậy vào lao động giá rẻ.

Theo TS Vũ Đình Ánh, việc nhập siêu hàng xa xỉ như xe máy, ôtô, mỹ phẩm, điện thoại... xịn chỉ chiếm 10% của con số 6,7 tỉ USD nhập siêu trong sáu tháng đầu năm; 90% còn lại là nhập khẩu bán thành phẩm để tiêu thụ trong nước.

"Tôi không hiểu tại sao lại cho nhập bột cá, tỏi Trung Quốc, cỏ Mỹ khi Việt Nam là một nước mạnh về nông nghiệp?" - TS Vũ Đình Ánh thắc mắc.


Phạm Khánh (Theo Tuổi Trẻ Online)

Tin khác