Để trồng lúa có lãi – cần tổ chức lại sản xuất

16/07/2010

AGROINFO - Nghịch lý được mùa mất giá vẫn luôn được đề cập mỗi khi đến vụ thu hoạch lúa của nông dân ở ĐBSCL. Người dân như ngồi trên đống lửa khi lúa làm ra không tiêu thụ được, phải chất đống và lo bảo quản. Trong khi đó, giá thành sản xuất bị đẩy lên cao.

 
 Vào mùa thu hoạch lúa, người dân ĐBSCL như "ngồi trên đống lửa" - (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Vài năm trở lại đây, mỗi khi đến vụ thu hoạch lúa hè thu là nông dân Đồng bằng sông Cửu Long lại lo lắng. Người dân trúng mùa nhưng không bán được, cho dù muốn bán giá thấp, vừa đủ chi phí bỏ ra.

Nhà nước công bố mức giá sàn thu mua lúa

Vấn đề khiến ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn đau đầu là tình trạng thương lái và doanh nghiệp “không mặn mà” với gạo cấp thấp. Trong vụ hè thu này, nhiều địa phương trong vùng có tỷ lệ trồng lúa IR 50404 ở mức 25-30%, vượt xa mức cảnh báo của Cục Trồng trọt. Nhiều nông dân ở An Giang, Đồng Tháp cho biết: Chọn sản xuất lúa IR 50404 vì dễ làm và năng suất cao.

Bên cạnh đó, nhiều người còn có cách lý giải đơn giản trong thời buổi kinh tế thị trường, đó là lấy năng suất bù lại giá thấp. Đây là vấn đề rất đáng suy ngẫm. Ông Trần Văn Minh, một nông dân ở tỉnh An Giang cho rằng việc một số nông dân có xu hướng quay trở lại sản xuất giống lúa này có thể gặp nhiều trở ngại, nhiều khả năng sẽ cho kết quả như vụ hè thu năm ngoái.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ lúa gạo hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu năm 2010; thời hạn mua tạm trữ tính từ ngày 15/7 đến 15/9. Mặc dù quyết định này được xem là “chiếc phao” để cứu nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn khốn khó, tuy nhiên nhiều người vẫn lo âu bởi không biết giá sàn mà các doanh nghiệp thu mua là bao nhiêu?

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long: “Giá thành sản xuất vụ hè thu ở từng tỉnh có cao thấp khác nhau, nhưng bình quân từ 3.200 - 3.400 đồng/kg. Do đó khi triển khai mua lúa tạm trữ, các doanh nghiệp cần quan tâm lợi ích cho nông dân”. Còn Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân đưa ra một ví dụ mà Việt Nam có thể học hỏi. Đó là ở Thái Lan, Chính phủ trợ giá bằng cách mua lại lượng lúa của nông dân ở mức giá vừa đủ kiểm soát thị trường. Số còn dư thừa, các công ty được quyền mua bán, nhưng mức giá không được thấp hơn giá thu mua của chính phủ. Số gạo dự trữ, tuỳ vào tình hình thị trường, nếu thấy có lợi, Chính phủ sẽ mở thầu bán lại cho các công ty trong nước (không phân biệt đối xử) để họ xuất khẩu.

Ông Lê Hữu Dư, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cũng cho rằng Chính phủ nên quy định mức lợi nhuận tối thiểu cho nông dân trồng lúa nhằm đảm bảo đời sống bà con. Ông kiến nghị: “Chính phủ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, nhất là mua tạm trữ. Mua trữ không phải giao doanh nghiệp mua theo kiểu vừa trữ vừa kinh doanh mà theo hình thức dự trữ quốc gia. Do vậy, Nhà nước cần đưa ra mức giá sàn để đảm bảo quyền lợi của người nông dân”.

Với thực lực hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó có khả năng mua lúa hè thu trực tiếp với nông dân, do không đủ nhân lực, thiếu phương tiện và kho dự trữ. Với nhiều khâu trung gian trong thu mua lúa gạo, nên giá mua thực tế của nông dân đã thấp, nay càng thấp hơn.

Tiếp xúc với một số doanh nghiệp đang tham gia mua bán gạo, phần lớn ý kiến đều cho rằng sẽ nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, cái cần bây giờ là việc triển khai cho các doanh nghiệp vay vốn, lãi suất như thế nào? Ông Võ Văn Hoa, một doanh nghiệp tham gia mua lúa gạo xuất khẩu ở Đồng Tháp cho biết, hiện tìm đầu ra cho lúa gạo còn nhiều khó khăn nên việc thu mua cũng vì thế mà chậm lại. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với việc đẩy mạnh thu mua, tôi nghĩ Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi hợp lý, nhất là về lãi suất để doanh nghiệp tăng tốc thu mua dự trữ”.

Xây dựng cho thương hiệu gạo Việt Nam

Có thể nói, thời gian qua, gạo - mặt hàng chiến lược của quốc gia - được xuất khẩu theo cơ chế phân bổ chỉ tiêu, nhưng chưa đi sát với  năng lực sản xuất thực tế khiến nhiều tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn gặp khó, dẫn đến tồn ứ, nông dân bị thương lái ép giá. Vì vậy, cần đưa xuất khẩu gạo vào quỹ đạo của cơ chế thị trường, tạo ra sân chơi bình đẳng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nông dân.

Cũng cần nhắc lại, sau hơn 8 năm thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, rất nhiều doanh nghiệp và nông dân đã gặp nhau giữa “cung và cầu”. Tuy nhiên, phần được chỉ là những “đốm lửa nhỏ”, khi những tồn tại, bất cập vẫn như đang thách thức một quyết định mang tính chiến lược cho hàng hóa nông sản Việt Nam.

Trên thực tế, cơ chế hợp tác 4 nhà tuy khó nhưng vẫn thực hiện được mà liên kết sản xuất lúa Nhật giữa Công ty Kitoku và Công ty Xuất nhập khẩu An Giang là bài học đáng học hỏi và suy nghĩ. Ông Thích Thành Đức, một nông dân trồng lúa Nhật cho biết, năng suất của giống lúa này khoảng 6 tấn/ha, lợi nhuận thì hơn hẳn. So với lúa thường, cao hơn 500.000 - 1.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người trồng không phải lo đầu ra vì công ty đã bao tiêu. Nông dân chỉ trồng đến ngày thu hoạch, đến hôm sau có công ty về thu mua.

Tuy nhiên, để giải bài toán đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo phục vụ cho xuất khẩu, nhất thiết chúng ta phải xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Đây là vấn đề sống còn để sản phẩm tồn tại. Song, chưa giải được bài toán chất lượng thì khó có thể xây dựng và giữ được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới cũng như kích thích được tiêu thụ. Và như vậy, việc trúng mùa mất giá hay trúng mùa không ai mua cũng chính là hậu quả của những cái lợi trước mắt khi những sản phẩm gạo cấp thấp vấn chiếm số lượng lớn.

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng: “Tuy là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn rất mờ nhạt. Do vậy khi xuất khẩu mà không đẩy mạnh xây dựng thương hiệu thì rất khó tiêu thụ. Các công ty khi thu mua cũng không thể mua với giá cao.

Điều đáng phấn khởi là vào những thời điểm khó khăn nhất trong tiêu thụ lúa gạo, những quyết định của Chính phủ lại luôn đúng lúc nhằm góp phần cùng với nông dân giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, nếu không tổ chức lại sản xuất, đảm bảo những chỉ đạo thực hiện nghiêm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ thì khó khăn trong tiêu thụ lúa vẫn chưa được giải quyết.


Phạm Khánh (Theo VOV)

Tin khác