AGROINFO - Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu sáu tháng qua đã đạt hơn 32 tỷ USD, bằng 52,7% kế hoạch năm 2010, trong đó có tới 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là thủy sản, dầu thô, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, điện tử và máy tính, đá quý, kim loại quý. Kim ngạch nhập khẩu tương ứng đạt 38,85 tỷ USD, bằng 52,5% kế hoạch năm.
Xuất khẩu thẳng đường phi mã
Một trong những điểm đặc biệt của năm nay là nhiều mặt hàng vốn trước đây chỉ chuyên nhập khẩu thì nay bước đầu đã xuất khẩu. Điển hình là ngành dệt may. Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Vũ Đức Giang cho biết mặt hàng xơ sợi trước đây phải liên tục nhập khẩu thì nay đã bước đầu xuất khẩu được sang một số thị trường.
Bên cạnh đó, rất nhiều mặt hàng đã có sự tăng trưởng đột biến về số lượng. Tiêu biểu là sắt thép, chỉ trong sáu tháng mặt hàng này đã xuất được 644 nghìn tấn, tăng gấp gần 3,5 lần cùng kỳ; tương tự, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng hơn 2 lần; hóa chất và sản phẩm tăng trên 87%; cao su tăng 81%; máy móc thiết bị phụ tùng tăng 67%.
|
Gỗ là một trong chín mặt hàng của VN đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2010 (Ảnh minh họa - nguồn Internet) |
Theo nhận định của ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu Bộ Công thương, song song với với sự gia tăng về lượng, nhiều mặt hàng đã có lợi thế về giá và “đây là một điểm sáng về xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm và cũng là tín hiệu vui cho các tháng tiếp theo."
Nhờ sự tăng giá của các mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng đã tăng đột biến như nhóm hàng nông lâm, thủy sản tăng thêm 473 triệu USD; nhóm hàng khoáng sản tăng thêm 1,15 tỷ USD. Tính chung hai nhóm hàng, giá tăng đã đóng góp vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu thêm khoảng 1,63 tỷ USD.
Ông Đào Trần Nhân, Vụ trưởng Vụ Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho rằng, hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô, hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, nhóm hàng công nghiệp có hàm lượng chế biến, giá trị gia tăng cao hơn thì mới chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Do vậy, ông Nhân khuyến cáo, các doanh nghiệp nên quan tâm xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp, vì nhóm này tuy chiếm tỷ trọng thấp nhưng sẽ có mức tăng trưởng lớn trong tương lai và sẽ là động lực tăng trưởng chính trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam.
"Ghì cương con ngựa nhập siêu"
Tuy nhiên, nhập siêu tiếp tục gia tăng đang là một bài toán khó. Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng xuất khẩu năm nay sẽ đạt 66-67 tỷ USD và nhập khẩu ước 80-81 tỉ USD thì nhập siêu cả năm 2010 sẽ rơi vào khoảng 12 tỷ USD.
Ở góc độ chuyên môn, ông Chinh phân tích: nhìn vào cơ cấu nhập khẩu sáu tháng thì tỉ trọng nhóm hàng cần nhập khẩu gồm nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất vẫn chiếm ưu thế (82% trong tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 27,4% so với cùng kỳ.
Do công nghiệp phụ trợ ở trong nước chưa phát triển nên phải nhập khẩu nhiều mặt hàng là nguyên liệu phục vụ sản xuất như nhập khẩu bông tăng tới 178,3% về lượng, 240% về giá; cao su các loại tăng 177,5% về giá; những mặt hàng thuộc nhóm cần hạn chế nhập khẩu cũng tăng như ô tô nguyên chiếc tăng 65% về lượng, 81% về giá; linh kiện, phụ tùng ôtô tăng 153%...
Ông Chinh cho rằng, việc nhập khẩu dù tăng mạnh nhưng chủ yếu rơi vào nhóm nguyên phụ liệu nên việc nhập này nhằm phục vụ cho chu kỳ tiếp theo và đảm bảo cho sản xuất trong nước. “Một số mặt hàng như bông, sợi các loại mức tăng hợp lý vì đó là nguyên liệu đầu vào phục vụ cho xuất khẩu," ông Chinh phân tích.
Trong sáu tháng đầu năm, tỉ lệ nhập siêu vẫn ở mức cao, ước khoảng 6,7 tỷ USD bằng 20,9% kim ngạch nhập khẩu, trong khi mục tiêu kiềm chế lạm phát là không quá 20%. Để đạt được mục tiêu này cần phải có những biện pháp quyết liệt về thị trường, cải cách lại cơ cấu bằng việc xây dựng nguồn nguyên liệu tự chủ trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, để kiềm chế nhập siêu và tăng trưởng xuất khẩu, Bộ sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị mà trong nước đã sản xuất được. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất hàng nội địa, Bộ sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn và tạo các kênh phân phối dài lâu.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng những hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Đồng thời Bộ trưởng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần khai thác tối đa các ưu đãi về vốn, về thị trường để thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của đất nước. Đặc biệt là tận dụng tối đa các lợi thế có được trong các hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) cho việc đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới.
Phạm Khánh (Theo Vietnam+)