AGROINFO - Sau một vụ nhãn trúng đậm trước đây, người dân huyện Sông Mã (Sơn La) đưa cây nhãn leo cả lên đồi chót vót, lấn hết cả cây ngô, cây sắn. Sông Mã trở thành vựa nhãn “bất đắc dĩ”. Nhưng oái oăm, nửa vạn hecta nhãn từ đó tới nay chỉ... thỉnh thoảng mới ra quả, có vườn nhãn 20 năm nay chưa ra quả lần nào.
|
Có những vườn nhãn ở huyện Sông Mã hàng trục năm mới ra một lần quả |
Ông Vũ Văn Ba (thôn Quyết Tiến, xã Nà Ngựu, huyện Sông Mã) quê gốc Hưng Yên, lên định cư ở Sông Mã từ năm 1976 kể rằng, trước những năm 1990, người Hưng Yên lên Sơn La sinh sống mỗi lần về quê, tiện tay nhét túi mấy hạt nhãn dại (nhãn nước) đem lên Sông Mã trồng thử xem nó có ra quả không.
Thế rồi mãi năm sáu năm sau, khi những cây nhãn đầu tiên ra quả, thì người dân xã này nhìn xã kia, rồi ào ào trồng nhãn. Ban đầu, người ta còn chọn những cây nhãn quả to, sai để lấy hạt làm giống và chỉ trồng thử dăm bảy gốc ở góc vườn. Nhưng vài năm sau, khi thấy những hộ trồng nhãn đi trước ra quả sai, bán được giá đắt thì họ chẳng cần biết mấy cây nhãn mới trồng liệu có ra quả không và đua nhau đi tìm hạt nhãn về gieo để trồng. Có người còn đào cả những rễ cây nhãn lớn, có chồi về trồng với hi vọng nó sẽ nhanh lớn hơn những nhà gieo bằng hạt.Đến khoảng những năm 1995, cả huyện Sông Mã đã tràn ngập những vườn nhãn nước. Nhà ông Ba cũng đã nhanh chân trồng hơn 150 gốc nhãn kín cả vườn, rồi đưa cả nhãn lên đồi diện tích tới vài ba hecta ta. Những cây nhãn dại, phải trồng sau 4-5 năm mới bắt đầu ra quả bói chứ không như các giống nhãn lồng ghép, chỉ trồng năm trước, năm sau ra quả như bây giờ. Hơn nữa, nhãn trồng ra cây nào may mắn sống sót thì người ta bỏ lay lắt. Ông Ba bảo, ở xã Nà Ngựu này có hộ ở khu Cánh Kiến có những hàng nghìn gốc nhãn, nhưng những năm ấy, chẳng mấy ai nghĩ tới chuyện chăm sóc, làm cỏ, tưới nước hay bón phân gì sất. Ông Ba nhớ lại: Hồi đó tôi còn làm chủ nhiệm HTX Nà Ngựu. Cái chết hơn là những năm đó huyện còn có cả chương trình khuyến khích phát triển cây nhãn. Nông dân còn hăm hở lên tận huyện xin giống về trồng. Thế nhưng chờ đợi mãi hàng chục năm trời sau, có nhà may mắn như hộ ông Ba thì chỉ vài năm mới lại thấy nhãn ra quả một lần. Những vườn nhãn còi cọc, vốn chỉ thích hợp ở vùng đất miền xuôi, lên tới Sơn La chỉ ra quả như ngón tay út. Vỏ thì dày mà hạt thì to, bóc ra chẳng thấy cùi đâu, chỉ thấy toàn nước tứa ra nhớp nháp, đến cho trẻ con cũng chẳng thèm ăn.
Vài năm đầu, lúc nhãn còn hiếm, nhãn nước vẫn còn bán được. Nhưng sau đó, vào những năm được mùa thì chẳng ai mua cho hết quả tươi nên nhãn nước rẻ như cho, giá chỉ có 1-2 nghìn đồng/kg, mà chỉ bán được cho những ông chủ làm long nhãn từ Hưng Yên lên lập xưởng xoáy nhãn quả lấy long để sấy (long nhãn).
Tới năm 2000, trong lúc nông dân Sông Mã nhiều hộ đang định phá cây nhãn đi để quay lại trồng ngô trồng sắn như cũ thì bỗng nhiên, nhãn lại trúng mùa to. Đến những vườn nhãn “điếc”, không ra quả hàng chục năm bỗng trĩu trịt cành. Năm đó, người Sông Mã khối nhà bộn tiền nhãn. Riêng nhà ông Ba thu hơn 16 tấn nhãn nước, đem sấy long nhãn được hơn 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Sim (thôn Hồng Nam, xã Chiềng Khoang) thì kể: Năm đó, đến vườn nhãn “điếc” của cánh nhà bà Bé hàng xóm, từ lúc trồng những năm 1990 không ra quả một lần cũng ra quả sai trĩu.
Năm 2009, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện KHNN Việt Nam) đã thực hiện thử nghiệm ghép cải tạo vườn nhãn cho huyện Sông Mã bằng giống nhãn lồng Hưng Yên trên diện tích 1 hecta tại hộ ông Vũ Văn Ba (thôn Quyết Tiến, xã Nà Ngựu). Sau một năm, hiện tại vườn nhãn nhà ông Ba đã cho quả bói với ưu điểm quả to, cùi dày, hạt bé và rất ngọt. Ông Ba cho biết: “Năm ngoái, tôi nghe lời cán bộ chặt trụi vườn nhãn “cổ thụ” hơn 100 gốc để ghép cải tạo. Cán bộ đưa cả mắt ghép, rồi tự tay làm, hướng dẫn kỹ thuật bón phân cho gia đình. Vườn nhãn dại chặt bán làm củi, tôi đã đầu tư vào phân bón như lời cán bộ hướng dẫn. Trong xã ai cũng bảo tôi dở hơi, vì trước đó, mặc dù cán bộ của Viện Rau quả đã “gạ” ghép thử nghiệm ở nhiều hộ nhưng họ không chịu. Họ bảo: Cây nhãn trồng mười mấy năm mới to được như thế, chặt đi rồi biết ghép ghiếc nó có ra quả nữa không? Thà cứ để vậy, năm nào may mắn nó ra quả thì được năm đó còn hơn. Bây giờ nhãn ghép của tôi có 1 năm mà cho quả, thấy mừng quá”. |
Như hạn gặp mưa, sau vụ nhãn trúng đậm năm 2000, người ta lại ào lên tiếp tục trồng mới. Lần này, người ta còn đưa nhãn lên tận đồi cao, tiếp tục lấn đất trồng ngô trồng sắn. Ông Lương Văn Vịnh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Mã ngao ngán cho biết, đến năm 2005, diện tích nhãn của cả huyện đã tăng vọt lên tới hơn 5.000hecta. Trong đó, diện tích nhãn được đưa lên đồi cao chiếm tới gần 30%. Có tới 90% diện tích được trồng đều là giống nhãn nước, chỉ có một số ít là nhãn cùi quả to.
Điều tệ hại là từ đợt trúng đậm năm 2000 đến nay, hầu hết diện tích nhãn ở Sông Mã gần như mất mùa trắng. Chỉ thỉnh thoảng mới lại ra quả một lần. Riêng với những vườn nhãn trồng mới từ năm 2000 trở lại đây thì gần như 100% chưa ra quả lần nào. Vì vậy, vài ba năm trở lại đây, người dân buộc phải chặt bỏ để lấy đất trồng ngô cứu đói.
Chạy dọc theo QL 4G từ TP Sơn La về huyện Sông Mã qua các xã dọc sông Mã như Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Mường Sai, Chiềng Kang... thời điểm này đang là mùa nhãn, nhưng chỉ thấy những đồi nhãn chỏng chơ chỉ có lá mà không có quả. Tạt vào hộ ông Nguyễn Văn Sim (thôn Hồng Nam, xã Chiềng Khoong), thấy những dàn lò sấy long nhãn vẫn tắt ngúm. Ông Sim buồn thiu: “Hơn 400 gốc nhãn nhà tôi trồng rải rác từ sau những năm 1990 nhưng 5 năm nay chưa ra quả lần nào. Mấy chục gốc nhãn trồng từ năm 2000 tới nay cũng không ra quả nên tôi chặt hết. Cánh nhà bà Bé, ông Tú, bà Thu hàng xóm có hàng trăm gốc trồng trên đồi từ năm 2000 cũng chung cảnh ngộ nên bây giờ cũng chặt làm củi sắp hết”.
Phạm Khánh (Theo Báo Nông Nghiệp VN)