Cần có giá sàn và dự báo thị trường chính xác cho con cá tra

19/07/2010

AGROINFO - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), năm 2010, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,4 tỉ USD.

Mới đây, Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất, xuất khẩu cá tra ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm 2010 tổ chức tại TP Cần Thơ, đa số đại biểu đều thống nhất quan điểm cần thành lập sớm Hiệp hội cá tra để đưa ra giá sàn và dự báo thị trường. Hiệp hội hoạt động độc lập, dựa vào ý kiến của số đông để quyết định. Đồng thời, cần thành lập quỹ bảo vệ chất lượng và bình ổn giá cá tra. Khuyến khích người nuôi, doanh nghiệp áp dụng GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) vào sản xuất.

Cần đưa ra giá sàn  

Theo Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra, tính đến cuối tháng 6-2010, diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL đạt 3.749 ha, sản lượng thu hoạch 756.940 tấn; kim ngạch xuất khẩu hơn 534 triệu USD (khoảng 248.836 tấn sản phẩm thành phẩm), tăng 19,4% về sản lượng và 11,6% về giá trị so với cùng kỳ 2009. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương trong vùng nuôi cá tra, đa phần hộ nuôi cá dưới 1 ha đều thua lỗ, huề vốn. Mặc dù, người nuôi nhỏ đã biết liên kết lại và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà máy chế biến... Việc áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trong nuôi cá được doanh nghiệp (DN) chú trọng và đa số DN đều xây dựng được vùng nuôi cho riêng mình. Diện tích vùng nuôi cá tra tại 10 tỉnh, thành vùng ĐBSCL khoảng 6.000 ha, kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 1 tỉ USD.

 
Sáu tháng đầu năm xuất khẩu cá tra tăng, nhưng giá thì không tăng (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Xuất khẩu nhiều, nhưng lợi nhuận thực sự lại không ở DN xuất khẩu, người nuôi mà đa phần rơi vào nhà nhập khẩu nước ngoài. Hiện nay, việc xuất khẩu cá tra không theo quy luật nào, mà DN tự do bán và bán với nhiều mức giá khác nhau, trừ thị trường Nga. Đây là cơ hội để đối tác nước ngoài ép giá”. Bộ trưởng yêu cầu người nuôi, DN cùng các địa phương nuôi cá vùng ĐBSCL cần xác định lại chuỗi giá trị sản phẩm cá tra để có định hướng sản xuất rõ ràng, tránh tình trạng giẫm đạp lên nhau giữa các DN. Nếu không khắc phục được tình trạng này, người nuôi, DN xuất khẩu đều thiệt và khó mà giải quyết bài toán cung- cầu. Khi phong trào nuôi cá tra mới manh nha ở ĐBSCL, cung thấp hơn cầu, nên giá cao. Nhưng khi phong trào tự phát ào ạt đã phá vỡ cán cân cung- cầu và hệ lụy là ô nhiễm nguồn nước, môi trường từ nuôi, chế biến ngày một tăng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, nêu quan điểm: “Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng, nhưng giá cá trong nước không tăng. Tôi cho rằng, cần đánh giá lại cung- cầu thị trường để cho ra giá sàn hợp lý, như vậy người nuôi và DN đều có lợi. Cần có hiệp hội cá tra để đưa ra thông tin thị trường chính xác, giúp cho công tác điều hành sản xuất của các địa phương tốt hơn. Mặt khác, phải có chế tài cụ thể cho người nuôi, DN và tránh được tình trạng bán phá giá”. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang rà soát lại vùng nuôi, DN chế biến trên địa bàn để có hướng hỗ trợ về ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào nuôi, xúc tiến thương mại. Từ năm 2008 đến nay, rất nhiều hội thảo bàn về giải pháp cứu con cá tra, nhưng chưa có đáp án cụ thể.

Nhiều ý kiến cho rằng, con cá tra đã là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia, nhưng lại bị nhà nhập khẩu liên tục ép giá, do thiếu thông tin thị trường, chưa hiểu hết tập quán của nước nhập khẩu. Một nghịch lý khác chưa được lý giải là tại các kỳ hội chợ quốc tế thủy sản tổ chức ở nước ngoài, DN Việt Nam khi tham dự xong hội chợ thì giá cá xuất khẩu lại giảm so với trước. Rõ ràng, nạn gian lận thương mại của một số DN đã phá vỡ môi trường kinh doanh của DN chân chính. Thêm vào đó, người nuôi và DN đều trông chờ vào hội chợ quốc tế với hy vọng giá cá sẽ tăng. Nhưng hội chợ là “trường đấu giá” và không thể có giá tốt hơn sau hội chợ. Tại hội nghị sơ kết sản xuất, xuất khẩu cá tra ĐBSCL 6 tháng đầu năm, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng đều đồng tình việc thành lập Hiệp hội cá tra. Hiệp hội dựa trên số đông để điều hành, dự báo cung- cầu và đưa ra giá sàn cho từng vùng nuôi, nếu DN nào vi phạm sẽ bị loại ra khỏi tổ chức.

Chọn thị trường mục tiêu

Ông Dương Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Hùng Vương, kiêm Trưởng Ban điều hành xuất khẩu sang thị trường Nga, bức xúc: “Giá thành sản xuất liên tục tăng, do giá nguyên liệu cho chế biến thức ăn trong nước tăng (cám và khoai mì), giá bột cá đã tăng 50% so với năm 2009. Một năm, công ty sản xuất và tiêu thụ 500.000 tấn thức ăn thủy sản. Công ty nuôi được 1kg cá nguyên liệu tốn 1,55kg thức ăn, giá thành thấp, nhưng hộ nuôi lẻ giá thành cao hơn nhiều, người nuôi thua lỗ vì giá thức ăn cao, chất lượng thấp”. Theo ông Minh, cần có qui định về chất lượng đạm tiêu hóa trong thức ăn, đạm tiêu hóa xác định giá thành và quyết định giá bán cho con cá tra, nên phải quy định tiêu chuẩn này bao nhiêu phần trăm là đủ, là vừa. Thống kê của Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra, từ giữa tháng 4-2010 đến nay, sản lượng cá tra đến kỳ thu hoạch tăng trở lại, nguồn cung dồi dào, giá cá tra giảm 500-1.000 đồng/kg tùy địa phương. Nhưng giá thức ăn vẫn duy trì ở mức cao, do vậy giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu có thể tăng thêm 1.000- 1.200 đồng/kg, người nuôi sẽ lãi ít và đa phần là thua lỗ.

Phó Chủ tịch Vasep Nguyễn Hữu Dũng, cho biết: “DN chịu sức ép cạnh tranh từ thị trường xuất khẩu và còn sức ép từ hệ thống tài chính trong nước. Có khi để giải quyết tồn kho, DN chấp nhận bán giá thấp chứ không phải phá giá. Hiện nay, trên 50% DN đã áp dụng mô hình nuôi sạch. Tập trung cho khối vùng nuôi theo GlobalGAP từ 10 ha trở lên trong vòng 5 năm, ban đầu nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để vùng nuôi này được cấp chứng nhận GlobalGAP, còn khi tái cấp chứng nhận, DN phải tự bỏ tiền ra làm. Nếu mô hình này nhân rộng ra toàn bộ 6.000 ha nuôi cá được qui hoạch của vùng sẽ phát triển bền vững hơn”. Vasep đang vận động thành lập quỹ bảo vệ chất lượng và bình ổn giá cá tra, dự kiến lấy từ nguồn thu phí xuất khẩu của DN. Hằng năm, xuất khoảng 600.000 tấn cá tra phi lê, nếu thu 5 cent/kg thì sẽ có 30 triệu USD/năm, còn 1 cent/kg cũng được 6 triệu USD/năm. Phí này, DN sẽ tính vào giá xuất khẩu. Theo ông Dũng, kinh tế thị trường thì việc kiện chống bán phá giá, tranh chấp thương mại là điều khó tránh khỏi. Nguồn quỹ này được sử dụng hỗ trợ DN xuất khẩu, người nuôi khi xảy ra những việc trên; đồng thời dùng đầu tư, đổi mới công nghệ. Quỹ sẽ hoạt động độc lập, do Ban điều hành chế biến và xuất khẩu cá tra cùng DN đồng quản lý, Nhà nước đóng vai trò trọng tài.

Hiện nay, Vasep đã xây dựng được nhóm 10 DN xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các DN tự ngồi lại với nhau để thống nhất giá sàn. Theo Phó Chủ tịch Vasep Nguyễn Hữu Dũng, cần có chương trình xúc tiến thương mại riêng cho con cá tra, đồng thời mở rộng thị trường nội địa. Hiện nay, sản phẩm cá tra vào siêu thị rất ít và chủ yếu thông qua việc “đấu giá” giữa các DN, giá thấp vào siêu thị dễ dàng hơn. Nghịch lý khác là đa phần sản phẩm cá tra vào siêu thị là của DN phía Bắc, trong khi vùng nuôi cá tập trung lại ở ĐBSCL! Cần xem xét lại toàn bộ quy trình của ngành công nghiệp cá tra, các DN liên kết lại với nhau thành lập những tập đoàn tư nhân.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: Quy định giá sàn, cần quy định tiêu chuẩn cụ thể, người nuôi với tiêu chuẩn nào thì giá đó, chứ không thể đánh đồng. Giá thấp là do chất lượng thấp, chứ không hẳn là bán phá giá. Chúng ta không nên chủ quan là con cá tra Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh cùng loại, mà hiện một số nước Đông Nam Á đã nuôi cá tra, chất lượng và sản lượng không thua kém, mà vì nhiều nguyên nhân họ chưa bùng lên được. Do vậy, thành lập Hiệp hội cá tra, giảm giá nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản để giải quyết “an sinh” cho con cá tra.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, cho rằng phải chuẩn hóa các tiêu chuẩn sản xuất (GlobalGAP, GAP, VietGAP...) cho các thị trường khác nhau để tránh triệt tiêu những hộ nuôi cá nhỏ lẻ và tạo điều kiện để họ gắn kết với nhau. Sắp xếp nhóm DN theo quy tắc “bầy đàn”, chẳng hạn nhóm DN lớn sẽ xuất khẩu vào thị trường cấp cao, nhóm DN vừa và nhỏ xuất vào thị trường cấp thấp. Con cá tra Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới, nhưng giá thấp là do chính sách xuất khẩu chưa hợp lý.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Các tỉnh phải đẩy nhanh việc vận động cho ra đời Hiệp hội cá tra. Song song đó, nỗ lực bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu, áp dụng GlobalGAP nâng cao chất lượng vùng nuôi, chế biến. Nếu 6.000 ha đều làm tiêu chuẩn này sẽ phát triển bền vững hơn. Các DN không chạy theo số lượng mà khẳng định với đối tác là chúng ta chỉ bán sản phẩm chất lượng. Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cần đồng hành với DN, địa phương để hạ giá thành nuôi”. Từ đầu năm đến nay, trừ thị trường Nga, các DN đã mở rộng thêm một số thị trường mới ở Nam Mỹ. Một số thị trường đạt kim ngạch khá như Mỹ, Úc, Mexico... Bộ trưởng cho rằng, các DN cần chọn thị trường mục tiêu cho mình và tập họp nhóm DN để đưa ra giá sàn, cùng nhau xây dựng thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích. Có thị trường mới mở rộng vùng nuôi. Như vậy, nghề nuôi cá tra mới thực sự bền vững.


Phạm Khánh (Theo Báo Cần Thơ)

Tin khác