Sẽ có ban điều hành xuất khẩu cá tra

19/07/2010

Xuất khẩu cá tra 6 tháng cuối năm vẫn có nhiều bất ổn, nguy cơ giá xuất khẩu tiếp tục giảm ở các thị trường lớn như EU, Mỹ. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa qua đã có ý kiến chỉ đạo phải vận hành Hiệp hội cá tra ĐBSCL trong tháng 10 năm nay, đồng thời thành lập ban điều hành xuất khẩu cá tra sang một số thị trường như Mỹ, Ai Cập, Ukraina. TBKTSG Online đã có trao đổi với ông Dương Ngọc Minh, Trưởng ban điều hành xuất khẩu cá tra sang Nga về ý kiến này.

TBKTSG Online: Một số báo đưa tin trong cuộc họp sơ kết xuất khẩu cá tra 6 tháng ở Cần Thơ có kiến nghị gấp rút thành lập Hiệp hội cá tra để can thiệp chuyện cạnh tranh phá giá giữa các doanh nghiệp xuất khẩu. Vấn đề là cách đây gần 1 năm, Hiệp hội cá tra ĐBSCL đã thành lập nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy hoạt động? Ông Dương Ngọc Minh : Đúng là Hiệp hội cá tra ĐBSCL đã được thành lập từ tháng 9 năm ngoái, nhưng mới chỉ có quyết định, còn tổ chức nhân sự và quản lý điều hành thì đến nay vẫn chưa xong. Trong thành phần hiệp hội mặc dù đã có bao gồm các phó chủ tịch chính là các lãnh đạo tỉnh gồm các ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang… nhưng “người cầm trịch” tức chủ tịch hiệp hội thì vẫn chưa có.

 
 Cần có ban điều hành xuất khẩu cá tra.

Riêng về điều hành xuất khẩu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng vừa có chỉ đạo thành lập ban điều hành xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Ai Cập và Ukraina, hoạt động theo mô hình của ban điều hành xuất khẩu sang Nga vì ba thị trường này từng có nhiều bất ổn liên quan đến chất lượng cá gây ảnh hưởng đến uy tín của cá tra Việt Nam cũng như các doanh nghiệp cạnh tranh bán phá giá.

- Có phải việc doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh với nhau đã làm giá cá rớt trong thời gian qua, làm ảnh hưởng luôn giá thu mua cá ở ĐBSCL?

Giá rớt vừa qua một phần do cung cầu. Ở thị trường châu Âu, khủng hoảng kinh tế đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ, một phần do cạnh tranh giữa doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra ngày càng đông, cạnh tranh gay gắt với nhau thì tất yếu giá bán phải giảm. Đó là lý do thực hiện phương án quản lý ban điều hành xuất khẩu sang Nga để áp dụng đối với ới các thị trường “có vấn đề” trước giờ như Mỹ, Ai Cập.

Trước khi có ban điều hành, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nga số lượng cá tra rất đáng kể, nhưng giá rất thấp, chất lượng lẫn hiệu quả đều không cao. Nhưng từ lúc có ban điều hành đứng ra điều phối, giá cá xuất khẩu qua Nga được đánh giá ổn định nhất trong các thị trường.

Với việc nuôi cá tra ở ĐBSCL cũng vậy, vấn đề ở đây, không nên để cung vượt cầu, tự tạo ra áp lực nguyên liệu trong nước, chưa kể giá cám, khoai mì đều tăng, giá thành cao trong khi giá bán thấp, gây thiệt hại cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp.

Nghề chế biến xuất khẩu cá tra không thể áp đặt chỉ tiêu để thực hiện mà phải do thị trường điều tiết, nhu cầu thị trường đến đâu thì lượng cá đáp ứng đến đó chứ không phải chạy theo chỉ tiêu không sát thực tế đôi khi còn gây thiệt hại kinh tế.

Bộ Nông nghiệp vừa rồi cũng đã bỏ không áp đặt chỉ tiêu sản lượng 2 triệu tấn cá đến năm 2020 trong đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá    tra vùng ĐBSCL như được phê duyệt tháng 12 năm ngoái nữa.

-Việc xây dựng ban điều hành xuất khẩu cá tra cho các thị trường đã tiến hành đến đâu, thưa ông?

Trước mắt, tôi có trách nhiệm kết hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) mời các doanh nghiệp xuất khẩu lớn vào ba thị trường này cùng làm việc và cùng thỏa thuận nguyên tắc để tháng 8 tới trình cho bộ và Chính phủ. Nếu đã cam kết mà sau này doanh nghiệp xuất khẩu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì sẽ có biện pháp mạnh, có thể là cấm không cho xuất khẩu tiếp tục.

Theo TBKTS


Tin khác