Tạm trữ hay dự trữ chiến lược

22/07/2010

AGROINFO - Sau một tuần các doanh nghiệp triển khai thu mua lúa (từ ngày 15-7-2010), giá lúa ở ĐBSCL đã nhích lên.

Thu mua lúa gạo của nông dân tại Tiền Giang. Ảnh: Tam Anh

Giá lúa IR 50404 ở Đồng Tháp, Vĩnh Long đã lên từ 3.400 - 3.600 đồng/kg, lúa dài tốt 3.800 - 4.000 đồng/kg, lúa thơm nhẹ 4.200 - 4.300 đồng/kg. Đây là tín hiệu đáng mừng. “Tuy nhiên với giá này, thật sự mà nói nông dân từ hòa đến lỗ. Vụ hè - thu này do thiếu máy gặt đập liên hợp, giá thuê công cắt lúa đã lên 400.000 đồng/công. Đây là mức giá kỷ lục của gần 10 năm qua” - nông dân Trần Văn Hết ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long nói.

Thị trường tiêu thụ khó khăn, lượng gạo tồn trữ cao đã gây áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu và hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo cơ chế thị trường (tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh) là hướng mở cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp không chịu ràng buộc bởi giá mua như vừa qua (tính trên giá thành sản xuất của nông dân + tối thiểu 30% lợi nhuận).

Tuy nhiên, hiện nay, nhìn chung số doanh nghiệp triển khai thu mua lúa, gạo của nông dân ở mức cầm chừng! Đến cuối tháng 6-2010, các doanh nghiệp đã xuất khẩu vượt ngưỡng 3 triệu tấn gạo, nhưng lượng gạo tồn trữ còn khá lớn. Dự báo sản lượng lúa hè - thu ở ĐBSCL trên dưới 9 triệu tấn (khoảng 4,5 triệu tấn gạo). Trong khi đó chưa thu hoạch dứt điểm lúa hè - thu, nhịp độ tiêu thụ lúa còn ì ạch, nông dân trong vùng lại lui cui xuống giống tiếp lúa thu - đông (lúa vụ 3) mà chẳng biết sắp tới việc tiêu thụ sẽ ra sao. Đồng Tháp đã xuống giống hơn 50.000ha. Lúa vụ 3 được xem là vụ lúa ẩn chứa nhiều rủi ro do thời tiết và lũ chụp.

Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về những hệ lụy tiêu cực như đất bạc màu, môi trường bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt… do làm lúa liên tục. Mặc những cảnh báo, diện tích lúa vụ 3 tiếp tục gia tăng từ một hai trăm ngàn ha lên bốn năm trăm ngàn ha. Đây sẽ là bài toán nan giải về đầu ra hạt gạo ĐBSCL trong những tháng tới.

“Sản xuất nông sản hiện nay rất đau đầu. Đau đầu không phải về năng suất, mà chính ở đầu ra. Mía nguyên liệu có năm quý như vàng nhưng có năm đem làm củi. Số phận lúa gạo đôi khi cũng rơi vào cảnh tương tự” - lãnh đạo ngành nông nghiệp một tỉnh ĐBSCL tâm sự. Điều đáng buồn hơn, Việt Nam, nhất là ĐBSCL có thế mạnh sản xuất nông nghiệp nhưng lại nhập nguồn nguyên liệu trong lĩnh vực này để chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc.

Năm 2009, Việt Nam phải nhập 2,1 tỷ USD các loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, gồm hơn 1 tỷ USD nhập khẩu đậu nành, 300 triệu USD nhập khẩu bắp, gần 300 triệu USD nguyên liệu từ cá. Chỉ trong quý 1-2010, cả nước nhập 613 triệu USD thức ăn chăn nuôi, 395 triệu USD đậu nành! Từ những con số trên, nhiều người bức xúc, đặt vấn đề: Liệu sản xuất lúa ở ĐBSCL có dấu hiệu “dư thừa” hay không? Đã đến lúc đưa ra những khuyến cáo cụ thể để cân đối diện tích sản xuất hợp lý…?

Một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết: Đối với cấp tỉnh, không thể khuyến cáo nông dân bỏ lúa trồng bắp hay trồng đậu nành. Nguyên nhân chủ yếu do lệ thuộc vào chỉ tiêu sản xuất bảo đảm an ninh lương thực và “chỉ tiêu” cấp tỉnh “giao khoán”. Muốn chuyển dịch một phần diện tích sản xuất đất lúa sang trồng bắp hay đậu nành cần phải do Trung ương quyết định tổng thể, kèm theo các chính sách cụ thể: tín dụng, chính sách thu mua…

Tuy nhiên, xu hướng chung để thích ứng với biến đổi khí hậu khi hạn hán gia tăng là giảm diện tích trồng lúa chuyển sang trồng màu (trồng màu sử dụng ít nước hơn trồng lúa). Nếu cân đối và điều chỉnh diện tích sản xuất lúa hợp lý sẽ giảm được áp lực tiêu thụ trong vụ hè - thu, đồng thời tạo thêm nguồn nguyên liệu nông nghiệp đa dạng, hạn chế nhập khẩu…

Trước mắt, cần mở rộng thị trường để kích thích việc tiêu thụ lúa gạo trong nước. Nhưng về lâu dài, việc dự báo thị trường tiêu thụ lúa gạo cần được cải thiện và cơ quan chức năng cần sớm công bố giá thành sản xuất lúa để nông dân xem xét mở rộng diện tích trồng lúa hay trồng các loại cây khác.

Nói như Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng: “Việc định lượng giá thành sản xuất lúa của nông dân là để có chiến lược phát triển căn cơ chứ không phải cứ xử lý chạy theo vụ việc”. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu cho rằng: “Việc thu mua tạm trữ gạo nên công bố từ đầu năm, chứ không để đến khi giá lúa gạo rớt mới can thiệp”. Đề xuất này được nhiều doanh nghiệp đồng tình. Việc công bố mua tạm trữ từ đầu năm sẽ giúp doanh nghiệp và cả nông dân chủ động trong mua - bán lúa gạo hàng hóa.

Nói cách khác, đây là giải pháp dự trữ chiến lược chứ không phải tạm trữ - đối phó nhất thời như cách làm hiện nay - nói trắng ra vẫn là giải pháp tình thế!


Phạm Khánh (Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Tin khác