Thanh niên nông thôn đang nghĩ gì?

23/07/2010

AGROINFO - Chúng tôi mang một câu hỏi tưởng như đơn giản đến với thanh niên nông thôn - lực lượng quan trọng xây dựng nông thôn mới, đó là: Bạn đang nghĩ và ước mơ gì? Sở dĩ, chúng tôi đặt câu hỏi ấy là bởi “Nếu không có mục tiêu và kế hoạch để đạt được mục tiêu đó, bạn cũng giống như một con tàu ra khơi mà không có điểm đến” (Fitzhugh Dodson).

Bái 1: Khép mình lủi thủi

Phần lớn thanh niên nông thôn đang thất nghiệp, điều đó gần như ai cũng biết. Chỉ có điều cái cách họ chấp nhận thực tại quả đáng buồn.

Ngày nào biết ngày ấy

Trước khi tìm hiểu về thanh niên nông thôn, tôi đến nhà GS Đào Thế Tuấn. Nguyên một buổi chiều chỉ nói về tầng lớp trẻ ở nông thôn, tôi hiểu rằng trong con mắt của một người dành trọn đời với "tam nông" thì thực trạng thanh niên ở các làng quê đã bi đát lắm rồi. “Về nông thôn bây giờ số thanh niên có việc làm ổn định hiếm quá. Nhưng điều đáng nói là tôi thấy lứa tuổi ấy bây giờ rất ngắn ngủi. Họ bỏ sức lao động nặng nhọc nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Tôi không hiểu, khi hết sức để làm thợ nề, bốc vác thì họ làm nghề gì để sống?”.

GS Tuấn chia thanh niên nông thôn thành 3 lớp. Lớp rời làng lên thành phố học và cố bám trụ lại xin việc, lớp bỏ làng đi làm ăn xa và lớp ở lại lập nghiệp. Trong câu chuyện của ông, rất nhiều điều có phần cay nghiệt nhưng đó là thực tế của một người nhiều năm lăn lộn với nông thôn. Ông bảo rằng, một bộ phận thanh niên nông thôn chủ yếu ở lớp thứ 3 bây giờ đang biến mình thành những con người khép mình lủi thủi chấp nhận cuộc sống khó khăn từ lứa tuổi khát khao làm giàu nhất. Họ sống ngày này qua ngày khác mà không thể xác định nổi ngày mai sẽ ra sao. Từ những trăn trở của GS Tuấn, chúng tôi tìm về các vùng quê và thực tế cũng minh chứng điều ông nói không phải là không có cơ sở.

Xã Hải Lý (huyện Hải Hậu), một trong nhiều vùng quê khó khăn ở ven biển tỉnh Nam Định. Khi biết ý định tôi muốn tìm hiểu về thanh niên, anh cán bộ ủy ban tên Châu nói ngay: “Ôi dào. Ở đâu thì không biết chứ thanh niên vùng này chúng tôi vẫn thường gọi là lao động thập cẩm. Trừ những người đi học, đi làm ăn xa, thì số ở làng đều làm nghề thợ đụng. Thất nghiệp đầy ra đấy nên anh muốn gặp dễ lắm".

   Rời quê vẫn không có việc làm, thanh niên ở Hải Lý lại quay về nghề muối

Dẫn tôi vào nhà Bí thư đoàn ở thôn Văn Lý, anh Châu tâm sự rằng, hết lứa này đến lứa khác, thanh niên xã Hải Lý lớn lên đều có chung giấc mơ rời khỏi vùng muối khổ cực. Trai tráng thì đi làm công nhân, gái thì vào xưởng giày da hay may mặc. Miễn là có việc. Nhưng như một vòng luẩn quẩn, đi chán rồi lại về. “Nhất là trong vòng 2 năm trở lại đây, số đi thì ít, số về ngày càng đông vì thất nghiệp ở khắp mọi nơi. Dường như có một sợi dây nào đó trói buộc những giấc mơ không vượt qua nổi cổng làng. Cả xã gần 400 thanh niên bám làng nhưng hỏi họ làm nghề gì thì chịu bởi nghề gì họ cũng làm, không đếm xuể. Hôm nay có thể gọi anh này là thợ nề nhưng ngày mai đã thấy đi bốc vác. Nói họ thất nghiệp thì hơi quá nhưng phần đa đều làm ngày nào biết ngày đấy”.

Bí thư Đoàn thôn Văn Lý Phạm Minh Quyết cũng là một trong những thanh niên “đa nghề” như thế. Từng chọn con đường rời làng bằng cách đi bộ đội nhưng khi hết nghĩa vụ Quyết trở về loay hoay không biết làm nghề gì để sống. Qua đủ mọi đường, từ ý nghĩ vào Nam làm công nhân đến việc chưa thanh niên nào ở Hải Lý dám nghĩ là quyết tâm xóa nghèo trên chính quê hương mình. Nhưng đụng đến hướng nào rồi cũng chẳng mấy khả quan, cuối cùng, giống như bao thanh niên hồi hương khác, Quyết buộc phải chọn nghề muối cho có việc làm. Nhưng vào thời điểm muối rẻ như bèo này, một ngày làm cật lực của Quyết cũng chỉ được 40 ngàn, chưa được một bữa rượu tươm tươm đãi bạn bè. Chán nản, nên vụ muối đang ở thời điểm sản xuất nhưng ngày thích thì đi làm, mệt mệt thì thôi. Dù được rèn luyện trong quân ngũ nhưng ý chí vươn lên ngày cứ lụi dần.

Sau bữa cơm tối, Quyết dẫn tôi đi uống rượu với đám bạn mà cậu gọi là “hội thanh niên làm muối” ở bãi biển Văn Lý. “Sở dĩ phải gọi như thế vì ở vùng Đông, Lý, Chính, Triều (chỉ các xã Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều) này có rất nhiều hội. Hội thợ nề, hội lơ xe, hội bốc vác…Thanh niên thường chia thành nhóm theo từng nghề cho tiện làm việc. Hơn nữa cũng phải hội này hội nọ chứ tối ra đường đi chơi gặp chuyện xích mích không có bạn bè thì ăn đòn như chơi”.

Hội của Quyết mang tiếng làm nghề muối nhưng thực chất cũng tập hợp đám thanh niên nghề thợ đụng. Ngồi nói chuyện với họ thật khó để xác định ai làm nghề gì. Cứ qua một ngày lao động, họ có thể biết được hôm nay kiếm được bao nhiêu tiền, còn ngày mai thì chịu. Và tất nhiên cũng không thể biết được thu nhập của họ hàng tháng là bao nhiêu. Ngày 2 chục, ngày 4 chục cũng có ngày cả trăm ngàn. “Anh bảo, làm muối vất vả như thế, có việc khác là làm ngay nhưng khổ nỗi giờ việc thì ít mà người thì đông, không có nghề nào ổn định cả. Hồi mới về làng, định mở quán cắt tóc nhưng ngược làng trên xóm dưới đâu đâu cũng thấy quán nhiều hơn khách. Có trừ nghề gì là không làm đâu, vậy mà cũng chẳng khá lên được”.

Thời gian biểu hàng ngày của Quyết và đám bạn nếu không có gì thay đổi thì chỉ quanh quẩn “sáng đi làm muối, trưa làm muối, chiều làm muối, tối thì đi chơi hoặc tụ tập nhau đi uống rượu vặt”. Dù là Bí thư chi đoàn, nhưng theo như lời Quyết thì hầu hết các thôn bây giờ các đoàn viên đều bỏ sinh hoạt. “Họp hành mục đích là để tìm ra hướng làm kinh tế cho anh chị em đoàn viên. Ở cái xứ này có họp rồi cũng thế, tập hợp nhau đến tán phét dăm câu ba điều rồi giải tán thì họp làm gì anh. Bí thư Đoàn chứ có Bí thư Đảng ủy xã nói họ cũng chẳng cần nghe. Bởi nghe rồi cũng có giải quyết được vấn đề gì đâu”.

Lấy vợ là xong

“Thanh niên thất nghiệp tràn lan nhưng nếu có lớp dạy nghề nào về mở tại Hải Lý thì nhất định thất bại. Xã đoàn thường xuyên phát động thanh niên đi học nghề nhưng chẳng ai thèm quan tâm. Cũng chẳng trách được ai bởi mấy lớp học nghề đào tạo xong rồi bỏ đấy còn thanh niên lúc nào cũng kêu chán nản”, anh Châu phàn nàn.

Dù trong mỗi thanh niên nông thôn mà chúng tôi gặp, họ đều ý thức được mình là trụ cột của gia đình. Nhưng có một thực tế như lời GS Đào Thế Tuấn đã nói: “Phần lớn ở các vùng quê bây giờ thanh niên nuôi nổi mình đã khó, mong gì họ gánh thêm bố mẹ già hay em út”. Trong hoàn cảnh ấy, không ít thanh niên chọn cho mình hướng giải thoát là “dựng vợ gả chồng” cho được việc. Cán bộ Châu khẳng định độ tuổi trung bình để xây dựng gia đình ở Hải Lý chỉ tầm 22-23.

GS Đào Thế Tuấn: Thanh niên nông thôn bi đát lắm rồi

Cùng trang lứa với đám bạn của Quyết nhưng cặp vợ chồng Trần Văn Chính và Nguyễn Thị Mùi là một trong nhiều trường hợp quyết định lập gia đình để xây dựng cuộc sống mới với hi vọng mọi chuyện khá hơn. Họ cũng từng rời quê, từng trở về làng làm đủ thứ nghề, cuối cùng cả hai đều suy nghĩ lấy nhau sớm để ổn định làm ăn. Nhưng cố gắng mãi vẫn chỉ cảnh “chưa lấy nhau thế nào thì cưới rồi vẫn vậy”. Chồng đi làm thợ đụng, vợ làm muối, bình quân mỗi ngày cả 2 cũng kiếm được hơn trăm ngàn và thường thì “xào” luôn trong ngày ấy. Lại đèo bòng thêm con cái, thành ra bao nhiêu việc dồn hết lên vai các ông chồng, còn vợ chỉ việc đẻ và bồng con.

Tôi thắc mắc rằng: Đã có lúc nào nghĩ đến một nghề nào đấy ổn định chưa? Chính trầm ngâm rồi lắc đầu ngán ngẩm: “Nhiều rồi, nhưng chẳng ăn thua gì đâu. Thôi thì cứ gặp gì làm nấy, chừng nào còn sức thì cứ gặp gì làm nấy, đến lúc hết sức thì tính tiếp. Trước mắt cứ phải vợ con cho nó chắc ăn đã”. Để minh chứng cho suy nghĩ “vợ con chắc ăn”, Chính kể hồi lấy vợ chẳng cần đồng cắc nào cả. Vay mượn đủ đường, thiếu ngược thiếu xuôi vậy mà đám cưới vẫn cứ xong như ai. Còn nợ thì có lúc nào trả lúc ấy, không có thì đành chịu chứ biết làm sao.

Ở Hải Lý gần như không có khái niệm về làm giàu hay các mô hình phát triển kinh tế. Lang lang vùng quê này suốt mấy ngày, hỏi từ đoàn hội cho đến chính quyền xã để tìm thử một mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi nhưng tôi chỉ nhận được câu trả lời “làm gì có ai”.


Phạm Khánh (Theo Báo Nông Nghiệp – Còn nữa)

Tin khác