Voi khóc

04/08/2010

AGROINFO - Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hiện cả nước chỉ còn ba khu vực có khả năng bảo tồn và phát triển voi lâu dài gồm các tỉnh Đắc Lắc, Đồng Nai, Nghệ An. Tuy nhiên, thời gian gần đây vùng sinh cảnh của voi ngày càng bị thu hẹp. Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, nếu không có biện pháp bảo tồn voi hữu hiệu thì 15 đến 20 năm nữa Việt Nam sẽ hết voi. VOI LIÊN TỤC CHẾT

Rạng sáng 27-5-2010, người đi làm rẫy phát hiện nhiều dấu vết lạ trong vườn trồng xoài của ông Nguyễn Hà Thái, tại khu Bàu Điền thuộc ấp 7, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tiếp tục tìm kiếm, họ phát hiện xác một con voi vừa chết trong tư thế nằm úp, cách bìa rừng khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu khoảng 100m. Theo ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, con voi bị chết là voi đực, khoảng hai đến ba năm tuổi, nặng 800kg. Trên tử thi voi không có dấu vết tác động của ngoại lực, vết đạn và bẫy. Trong bụng voi có nhiều cỏ và thức ăn. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm, để làm rõ nghi vấn về việc “đột tử” của voi có thể là do trúng độc.

 
Những con rừng còn sống hiện nay chở lên hung dữ hơn khi thường xuyên phá hoại lương dãy của nông dân.

Tại Đồng Nai, theo khảo sát năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên có khoảng 10 - 16 con voi. Tuy nhiên, số lượng voi ngày càng giảm sút do tần số xung đột giữa voi và người ngày càng cao. Trong những năm gần đây, đời sống của voi bị thu hẹp nên thường tàn phá mùa màng của dân và tấn công con người. Từ năm 1993 đến 1998 voi đã giết hại 12 người. Năm 1999 voi ở rừng Cát Tiên vượt sông La Ngà đến huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận giết thêm 13 người. Hầu hết đều là dân di cư tự do xâm lấn rừng trái phép để làm nương rẫy.

Theo khảo sát của ngành NN&PTNT, năm 1980 cả nước có 33 vùng phân bố voi rừng sinh sống với số lượng 2.000 con, nhưng đến năm 2005 chỉ còn 14 vùng với số lượng 134 con. Thời gian gần đây tất cả các sản phẩm từ voi như ngà, da, vòi voi, đế chân, răng, xương, thịt, đều có thể thu lợi nên cả voi cái và voi con cũng bị giết. Do đó, số voi đực và voi cái còn lại rất ít trong đàn, thậm chí có đàn không có voi đực trưởng thành. Vậy nên quá trình tồn tại, voi có hiện tượng phối giống nội dòng nên tốc độ sinh sản rất chậm.

Từ tháng 6-2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có bảy con voi rừng chết chưa rõ nguyên nhân. Cùng với những cái chết bí ẩn của hàng loạt con voi, vài tháng gần đây, tần suất xuất hiện của voi rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu vào rẫy phá hoại hoa màu, tài sản, nhà cửa của người dân rất thường xuyên.

Tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, từ năm 2004 đến 2006 voi xuất hiện tại vườn rẫy nhưng chưa gây thiệt hại hoa màu. Sang năm 2007, voi bắt đầu phá nông sản, thiệt hại ước tính trên 30 triệu đồng nhưng mức độ xung đột vẫn chưa cao. Năm 2008, xung đột đã tăng, khi voi gây thiệt hại kinh tế cho người dân gần 400 triệu đồng.

Có những lúc voi xông vào nhà dân liên tục nửa tháng, không chỉ ăn mà phá cả hoa màu lẫn nhà cửa. Dân hò hét đuổi, voi không thèm chạy, các biện pháp đuổi voi theo kiểu truyền thống như đốt lửa, hú còi... không những hết tác dụng mà ngược lại, voi lần theo nơi phát ánh sáng và tiếng động dọa lại con người. Do đó, người dân phải làm chòi trên ngọn cây để tránh voi, dùng bình gas mini gây nổ để đuổi voi.

“ĐỦNG ĐỈNH” CHỜ TIỀN

Để cứu đàn voi, năm 2005 Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch bảo tồn đàn voi Việt Nam đến năm 2010, yêu cầu các tỉnh phải bảo vệ đàn voi hiện hữu.

Kế hoạch của Thủ tướng đề nghị thực hiện từ năm 2006 nhưng đến nay, số voi đã bị chết gần 1/2 tổng đàn, đề án của Đồng Nai vẫn còn nằm trên giấy. Nguyên nhân do số tiền 106 tỷ đồng kinh phí thực hiện dự án chưa được tỉnh và Bộ NN&PTNT thống nhất. Theo Sở Tài chính Đồng Nai, kinh phí bảo tồn đàn voi là do Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm. Còn Bộ NN&PTNT cho rằng nguồn kinh phí này thuộc ngân sách tỉnh Đồng Nai.

Do voi chết quá nhiều, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Sở Tài chính cân đối ngân sách tạm ứng số tiền hơn 108 triệu đồng, để Sở NN&PTNT tổ chức triển khai việc khảo sát, lập đề án bảo tồn voi. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7336 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ NN&PTNT phải chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện kế hoạch bảo tồn voi và có phương án thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư để trình Thủ tướng xem xét quyết định”. Thế nhưng, Sở NN &PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: dự án bảo vệ đàn voi đã hoàn thành với kinh phí dự tính trên 20 tỉ đồng (bao gồm lập hàng rào điện xua đuổi voi, chuyển đổi cây trồng cho dân ở vùng voi hay ra vào...) nhưng không biết lấy đâu ra tiền. Hiện Đồng Nai đang có văn bản xin kinh phí từ trung ương để làm việc này. Trong khi chưa có tiền để thực hiện đề án thì voi rừng cứ thay nhau chết dần.


Phạm Khánh (Theo Báo CA TPHCM)

Tin khác