Tam nông giúp nông thôn thịnh vượng, nếu...

10/08/2010

AGROINFO - Tại các nước phát triển, ngành nông nghiệp tiến bộ không ngừng nên SX lương thực dư thừa. Thành phần nông dân thường là giới giàu có, với từ hàng chục đến hàng ngàn hecta ruộng vườn, và có cả tiếng nói chính trị riêng để bênh vực quyền lợi mình. Nông thôn dù không còn làng ấp, nhưng là những môi trường xanh thân thiện mà các du khách thường muốn thăm viếng.

 
Đất nông nghiệp ngày càng hẹp lại, được thay thế dần bằng các đô thị hay thị trấn nhỏ (Ảnh minh họa - Nguồn Intrnet)

Đất nông nghiệp ngày càng hẹp lại, được thay thế dần bằng các đô thị hay thị trấn nhỏ. Số nông dân tham gia vào SXNN cũng giảm bớt theo thời gian và tỉ trọng nông nghiệp đóng góp vào phát triển kinh tế quốc gia sút giảm không ngừng, mặc dù tổng sản lượng thực phẩm tiếp tục tăng gia. Vào đầu thế kỷ 20, lao động nông nghiệp Hoa Kỳ đóng góp vào GDP 41%, năm 1945 chỉ 16%, 2000 1,9%, 2008 dưới 1%, nhưng vẫn có khả năng nuôi cả nước và một phần không nhỏ của thế giới. Tương tự, hiện tượng này cũng xảy ra ở các nước châu Âu. Đó là nhờ vào cải tiến hiệu năng SX dưới sự bảo hộ lớn lao của Chính phủ. Nhưng lợi tức kinh tế của ngành này không hấp dẫn, nên lao động các nước tiến bộ đã chuyển đổi nông qua các lãnh vực khác, như công nghiệp, dịch vụ, tài chính, tin học, du lịch…

Đầu thiên kỷ mới, SXNN phải đặc biệt chú ý đến chất lượng, hiệu năng, giá thành và môi trường, nhằm vào mục tiêu SX bền vững, cải thiện quyền lợi nông dân và làm tốt đẹp hơn nếp sống nông thôn. Để hiện đại hóa ngành nông nghiệp, điều kiên tiên quyết là sớm có chính sách tích tụ đất đai, tăng gia diện tích nông trại gia đình đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa. Có lẽ nên noi theo kinh nghiệm thành công tại các nước tiên tiến, nhưng tránh bắt chước nông nghiệp tiểu điền Nhật Bản, Hàn Quốc vì nước ta không có khả năng bảo hộ lớn.

Trong khi đó, tại các nước đang phát triển chậm, nông nghiệp vẫn còn hiện diện đậm nét và là thành tố quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Đối với các nước đang phát triển nhanh như Việt Nam, giai cấp nông dân vẫn còn chiếm đến 73% dân số cả nước, và tỉ trọng nông nghiệp góp phần vào kinh tế quốc gia giảm dần từ 40,2% trong 1984 xuống 22,2% trong 2008; trong khi Nhật Bản còn 1,6%, Hàn Quốc 3%, Malaysia 8,7%, Thái Lan 10%, Trung Quốc 11,9%, Indonesia 13,3%, Philippines 14,2%, và Ấn Độ 19,9%. Đảng và Nhà nước chủ trương cải cách đồng bộ cả 3 lãnh vực: nông nghiệp, đời sống nông dân và nông thôn là định hướng đứng đắn để đưa dân tộc cùng tiến bộ và nông thôn có được nếp sống văn minh như các nước láng giềng đã đi trước.

Về nông nghiệp, trong thế kỷ 21, trình độ nông dân đã cao hơn một bậc, tiến bộ nhiều trong suy nghĩ và sử dụng kỹ thuật mới. Họ cảm nhận luật cung cầu thị trường điều khiển kinh tế. Họ biết nắm bắt ngay các kỹ thuật tân tiến vì chúng mang đến nhiều lợi ích thiết thực. Công tác khuyến nông trở nên dễ dàng hơn cho bất kỳ kỹ thuật mới nào chứng tỏ hữu ích. Công việc tăng gia SX không còn khó khăn, miễn giá cả hấp dẫn. Do đó, đối với các nước XK lúa gạo chẳng hạn, vấn đề an ninh lương thực không còn tùy thuộc khâu SX để tăng số lượng, mà phải có nhiều nỗ lực hơn ở khâu tồn trữ và phân phối để đáp ứng nhu cầu đúng lúc khi cần.

Đối với nông dân: Trong các nước đang phát triển, họ luôn là thành phần chịu ảnh hưởng nhiều nhứt trong các chính sách, quy hoạch và quản lý các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp đề ra. Giới nông dân còn thiếu tiếng nói tập thể chính trị để bênh vực, bảo vệ quyền lợi tối thiểu của mình. Cho nên, chủ trương tam nông là định hướng đúng đắn để Đảng, Nhà nước không bỏ quên nông dân và nông thôn. Nghĩa là họ cần được hỗ trợ thực sự trong quá trình SX để tăng cường lực cạnh tranh, đối diện với các đại gia bên ngoài và các ngành nghề khác trong nước. Đặc biệt nông dân cần được đảm bảo lợi tức hợp lý cho sức lao động đầu tư và sản phẩm của mình, nhất là giá cả nông sản tại sân nhà không bị giới trung gian (DN và lái buôn) bốc lột trên mồ hôi họ.

Nông thôn sẽ thịnh vượng khi nông dân hàng năm thu được nhiều lợi tức tương xứng, dưới sự hỗ trợ của nhà nước, đời sống của họ sẽ ngày càng sung túc, phát đạt hơn. Từ đó, vùng đồng quê sẽ vươn lên để trở thành nông thôn mới, tiến bộ và văn minh hơn, một hình thức “thị trấn nông thôn” từng thấy tại các nước công nghiệp, xuất hiện khắp nơi. Nếp sống nông thôn đã chuyển mình qua năm tháng để trở thành các khu đô thị và thị trấn nhỏ mà mọi người được hưởng đầy đủ tiện nghi tối thiểu cần có của nếp sống văn minh đô thị.

Ở các nước đang phát triển, người ta luôn cổ võ văn minh miệt vườn hay miệt ruộng, nhưng đó chỉ là một nếp sống an phận trong xã hội đa cực, trong khi bảo thủ, lo ngại tiến trình đô thị hóa làm mất đất đai nông thôn. Ở Mỹ, khu đô thị hàng năm chiếm độ 400.000 ha đất nông trại. Trung Quốc đã bị mất gần 1 triệu ha đất ruộng mỗi năm trong thời gian từ 1987 đến 1992. Vào 1975, Trung Quốc trồng độ 37 triệu ha lúa để nuôi dân, nay chỉ còn trồng 29 triệu ha lúa nhưng họ không những đã nuôi dân sống khá đầy đủ mà còn có thể XK gạo, nhờ cải tiến năng suất và chương trình trồng lúa lai. Như thế, việc chuyển đổi đất ruộng nông thôn cho các ngành phát triển khác có lợi nhuận nhiều hơn không phải là vấn đề đáng lo ngại, nếu được qui hoạch kỹ lưỡng.

Nông thôn vẫn hiền hòa như thuở nào, nhưng phải tiến bộ đồng thời với đô thị, vì đó là yêu cầu xã hội đứng đắn của một nước văn minh. Cần phát triển hệ thống giao thông và hạ tầng cấu trúc nông thôn. Cần mang các công nghiệp nhỏ và vừa về xã ấp, đặc biệt công nghệ thông tin, công nghiệp năng lượng xanh và công nghiệp biến chế thích ứng nông thôn. Cần đẩy mạnh nhiều hơn nữa hiện tượng đô thị hóa hoặc thị trấn hóa nông thôn và thành lập các nông thôn mới với các tiêu chí đã đề ra để sớm đưa làn sóng văn minh hiện đại về thôn ấp.

Mỗi năm các chương trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và thị trấn hóa nông thôn lan rộng là dấu hiệu của tiến bộ và phát triển đất nước nhưng chương trình chuyển đổi đất này phải hội đủ các đòi hỏi tối thiểu sau:

(i) Khuyến khích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp hoặc có giá trị nông nghiệp thấp kém,

(ii) Bảo tồn những khu thiên nhiên có ảnh hưởng đến môi trường cả vùng và bảo tồn văn hóa,

(iii) Bảo tồn nguồn cung cấp nước ngầm dùng để cung cấp nguồn nước ngọt cho con người và nông nghiệp,

(iv) Bảo tồn khoảng trống không gian cần thiết nhằm tạo thông thoáng, bớt ô nhiễm trong khu đô thị hoặc công nghiệp trong tương lai

(v) Cần có qui hoạch khoanh vùng hợp lý và quản lý xây dựng hữu hiệu để tránh các ảnh hưởng tiêu cực,

(vi) Cần có giải pháp kinh tế-xã hội ổn thỏa cho sử dụng đất đai ngoài mục tiêu nông nghiệp để tránh xáo trộn đời sống người dân cư ngụ lâu đời.


TS Trần Văn Đạt (Nguyên Chánh chuyên gia FAO, Rome)

Tin khác