Do đâu có mùa ...“mía đắng” ?

09/08/2010

AGROINFO – Nói đến mía, đường người ta thường nghĩ ngay đến vị ngọt. Nhưng người trồng mía và doanh nghiệp (DN) sản xuất đường – thậm chí là cả người tiêu dùng của nước ta những năm qua không ít lần bảo... “mía đắng, đường chát ”.

Người nông dân kêu đắng khi mà mía của họ trồng ra đến vụ thu hoạch lại không thể bán hoặc chỉ bán được với giá thấp. Không tiêu thụ được ở vụ này, vụ sau nhiều người bỏ không trồng mía nữa, thế là đến lượt DN sản xuất đường phải kêu đắng vì nguyên liệu đầu vào bấp bênh. Và, hệ lụy tất yếu kéo theo là người tiêu dùng phải ăn đường mà thấy “vị chát” bởi giá cao.


Có nhiều nguyên nhân đã đưa ngành mía, đường của nước ta vào cái “vòng luẩn quẩn” như trên. Nhưng, có một nguyên nhân không thể xem nhẹ, đó là: Người trồng mía và DN sản xuất, kinh doanh mía, đường của Việt Nam (VN) không có được những thông tin chính xác, kịp thời về diện tích, sản lượng cũng như chiến lược phát triển nghành mía đường của các quốc gia trên thế giớ, để từ đó làm cơ sở lập ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho mình! Có lẽ vì vậy mà “họ đường” VN luôn ở thế bị động?

Thông tin kịp thời từ các chuyên gia phân tích ngành hàng mía đường sẽ là lời giải cho bài toán kinh tế của người nông dân và DN?! (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Mới đây AGROINFO cho công bố “Báo cáo thị trường Mía đường Việt Nam 6 tháng đầu năm 2010”. Báo cáo này hiện đang được kì vọng là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho những người quan tâm tới hoạt động sản xuất mía đường của nước ta. Trên những nguồn thông tin toàn diện về các yếu tố đã ảnh hưởng đến thị trường mía đường trong nước và thế giới, chuyên gia phân tích của AGROINFO đưa ra nhận định của mình về xu thế thị trường sáu tháng cuối năm.

Thống kê của AGROINFO cho biết: Hiện nay trên thế giới có 130 quốc gia sản xuất đường với tổng diện tích trồng mía vào khoảng 21 triệu ha và sản lượng khoảng 1.600 triệu tấn. Những quốc gia sản xuất mía đường nhiều nhất thế giới gồm có Úc, Brazil, Trung Quốc, Columbia, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Pakistan, Phillipines, Nam Phi và Thái Lan với diện tích trồng mía chiếm 82% tổng diện tích mía toàn cầu.

Nếu xét theo khu vực, Châu Á Thái Bình Dương là nơi có sản lượng đường lớn nhất với 60 triệu tấn, chiếm 39% sản lượng đường thế giới. Đứng thứ 2 là khu vực Nam Mỹ với 45 triệu tấn, chiếm hơn 29%.

Diện tích trồng mía của Việt Nam tính đến ngày 15/6/2010 vào khoảng 133,82 nghìn ha bằng 51, 45% diện tích mía của cả niên vụ 2008/2009. Do diện tích mía liên tục giảm nên lượng mía nguyên liệu không đủ để đáp ứng cho các nhà máy khi vào vụ ép đuờng.

Thống kê từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, đến hết tháng 5/2010, giá trị nhập khẩu đường các loại của Việt Nam đã vào khoảng 101,87 triệu USD tăng 234% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nhập khẩu đường chủ yếu của Việt Nam là từ Trung Quốc và Thái Lan. Tính từ đầu năm 2010 đến nay, giá đường trên thị trường nội địa có hiện tượng tăng mạnh, từng bước xác lập mặt bằng mới, cao hơn mức giá trung bình trong năm 2009 từ 1.500-2.000 VND/kg.

Căn cứ vào diễn biến cung - cầu và sản xuất mía đường nội địa cũng như diễn biến giá cả trên thị trường thế giới AGROINFO đưa ra dự báo là “Việt Nam sẽ thiếu đường vào những tháng cuối năm 2010. Và, mức giá có thể dao động ở ngưỡng 17.600 - 18.500 đồng/kg.


PTK

Tin khác