Giá gạo sốt ảo?

12/08/2010

AGROINFO - Chỉ trong ba ngày từ 9 đến 11-8, giá lúa khô tại các tỉnh ĐBSCL được thương lái đẩy lên thêm 300 đồng/kg. Giá gạo cũng tăng từ 200-300 đồng/kg. Bao nhiêu lúa gạo cũng đều được tiêu thụ hết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu khẳng định: “Giá lúa gạo đang sốt ảo!”.

Theo ông Nguyễn Vũ Hoàng - chủ DN xay xát ở xã Tân Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), mấy ngày qua có tình trạng DN xuất khẩu mua gom gạo với số lượng lớn và đưa ra giá ngày sau cao hơn ngày trước. Cụ thể, ngày 8-8 giá gạo lứt hạt dài chỉ 5.900 đồng/kg nhưng đến ngày 11-8 đã là 6.200 đồng/kg, tức tăng mỗi ngày 100 đồng/kg. Còn gạo thường IR50404 cũng tăng từ 5.800 đồng lên 6.000 đồng/kg sáng 11-8. “Chúng tôi xay ra bao nhiêu DN mua hết bấy nhiêu. Gạo IR50404 chất lượng kém một chút cũng mua chứ không chê gạo đen hay ẩm vàng như tháng trước” - ông Hoàng nói.


Tăng giá ào ào


Chiều 11-8, ông Nguyễn Thanh Hoàng, thương lái ở huyện vùng sâu Vĩnh Hưng (Long An), than thở: “Sáng giờ chỉ mua được 50 tấn lúa. Tôi đã ra giá tới 4.500 đồng/kg lúa IR50404 mà ít người chịu bán. Họ đòi trên 4.600 đồng/kg. Tối nay tôi chạy qua Tiền Giang xem có mua được hay không. Lúa gạo đang hút lắm”.


Ông Hoàng nói ngày 9-8 giá lúa IR50404 chỉ 4.200 đồng/kg nhưng sang ngày 10-8 đã tăng lên 4.400 đồng, rồi tiếp tục lên 4.500 đồng. Có điều lạ là lúa IR50404 (lúa thường) được thương lái ở các tỉnh thu mua với giá ngang bằng lúa hạt dài chất lượng cao và không kén chọn, chê bai như một tháng trước.


Do thấy lúa tăng giá ào ào, bà Năm Nhàn ở thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) quyết định không bán 100 tấn lúa IR50404 dự trữ từ vụ đông xuân cách đây hơn năm tháng. Lý do đơn giản là giá lúa cứ tăng vù vù nên bà chờ giá tăng thêm mới tính chuyện bán. Nhiều thương lái chuyên mua lúa trong dân cũng bắt đầu trữ lúa không đưa vào nhà máy xay xát để bán. Chị Nguyễn Thị Thảo, thương lái ở chợ đầu mối Bà Đắc (Tiền Giang), nói còn dự trữ dưới ghe 30 tấn lúa cả tuần nay, chờ giá tăng thêm mới xay bán.


Đã có dấu hiệu... hết sốt


Ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè, Tiền Giang), khẳng định: “Giá lúa gạo đang sốt ảo. Tôi tin vài hôm nữa sẽ hết sốt thôi vì hiện nay giá gạo xuất khẩu thấp hơn giá trong nước”.


Ông Đôn dẫn chứng: gạo 25% tấm giao dịch xuất khẩu với giá 340 USD/tấn, tính tỉ giá 19.100 đồng/USD thì giá gạo chỉ 6.494 đồng/kg. Trong khi đó giá gạo 25% tấm trên thị trường các tỉnh ĐBSCL đang ở mức 6.700 đồng/kg. Gạo hạt dài 5% tấm xuất khẩu giá 390-400 USD/tấn thì tính ra chỉ khoảng 7.200 đồng/kg, nhưng giá thị trường đang là 7.300 đồng/kg. Ông Đôn quả quyết: “Với giá gạo bất hợp lý như vậy thì không có DN nào bỏ tiền ra mua số lượng lớn để dự trữ cả. Theo tôi, giá gạo tăng đột biến là do một vài DN lỡ ký hợp đồng xuất khẩu trước đây giá thấp, nay tàu vào nhận hàng nên phải chạy đôn chạy đáo thu mua gạo để giao. Chuyện này năm nào cũng xảy ra”.


Một lãnh đạo Công ty Lương thực Tiền Giang cho rằng giá gạo tăng cao trong những ngày qua chủ yếu do các DN nhỏ thu mua gạo giao hàng cho đối tác. Các DN này không có điều kiện dự trữ gạo như các DN lớn nên phải gom khắp nơi. Để gom đủ hàng giao thì chỉ có cách đẩy giá lên liên tục để tranh mua với các DN khác. Đến khi đủ hàng thì tình hình sẽ trở lại bình thường. “Tất cả các DN xuất khẩu trực thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam đang mua tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Gạo trong kho còn rất nhiều nên không thể có chuyện khan hiếm gạo. Việc sốt giá mấy ngày qua là sốt ảo thôi” - vị này nói.


Nhiều thương lái ở chợ đầu mối Bà Đắc nói gần đây có xe tải và bạn hàng từ miền Trung, miền Bắc vào mua gạo trắng rồi chở ngược ra nhưng không nhiều. Do đó rất ít khả năng thương lái thu gom gạo ở các tỉnh ĐBSCL đưa ra Bắc xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.


Theo khảo sát của phóng viên Tuổi Trẻ chiều 11-8 tại chợ đầu mối Bà Đắc và Tân Bình (Tiền Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp), giá gạo đột nhiên giảm 100 đồng/kg so với buổi sáng. Cụ thể, giá gạo lứt IR50404 còn 5.900 đồng/kg, gạo hạt dài còn 6.100 đồng/kg. Sức tiêu thụ giảm mạnh.


Ông Chín Tuấn, thương lái chuyên bán gạo trắng tại chợ đầu mối Bà Đắc, xác nhận trong ngày 11-8 ông chỉ bán được 2,5 tấn gạo trắng, giảm 50% so với ngày hôm trước. Giá gạo trắng IR50404 6.600-6.700 đồng/kg, gạo hạt dài 7.000-7.200 đồng/kg. Theo ông Tuấn, sở dĩ những ngày qua giá gạo tăng là do tiêu thụ nội địa tăng.

Sẽ đàm phán lại giá gạo xuất khẩu nếu không hợp lý


Theo ông Trương Thanh Phong - chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, có chuyện Trung Quốc mua gạo của VN nhưng thông tin Trung Quốc mua 600.000 tấn gạo trong tháng 7 là không đúng. 600.000 tấn là con số từ tháng 4 đến tháng 7 chứ không phải chỉ trong một tháng.


Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Diệu - nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp - nông thôn (thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), việc Trung Quốc mua gạo có tác dụng tích cực đến thị trường VN. Ông Diệu cho biết giá lúa tăng do tiểu thương mua gạo bán cho phía Trung Quốc. Qua việc Trung Quốc mua gạo của VN, theo ông Phạm Quang Diệu, nếu VN chủ động hơn trong nghiên cứu thị trường và đưa ra chính sách bài bản, quản lý tốt thì không những một phần không nhỏ lượng lúa hàng hóa của người dân được giải phóng mà giá xuất khẩu còn có thể cao hơn, người dân được hưởng lợi nhiều hơn.


Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, tính đến cuối tháng 7, dù xuất khẩu mới trên 4 triệu tấn nhưng các doanh nghiệp VN đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo. Như vậy, cơ bản về giá đã được xác định và điều này, theo một chuyên gia của Bộ Công thương, hiện giá lúa có phẩm chất thấp mua ở nhà dân khoảng 4.100-4.200 đồng/kg, giá lúa có phẩm chất tốt hơn thì mua 4.400-4.800 đồng/kg, còn lúa thơm 5.200-5.500 đồng/kg. Theo quan chức trên, dự báo không nhạy có thể khiến người dân VN khó được hưởng trọn thành quả của việc giá gạo thế giới tăng vì giá gạo xuất khẩu đã được ấn định trong hợp đồng, doanh nghiệp đã ký nên sẽ phải hạn chế việc mua giá cao để tránh lỗ.


Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại cũng cho biết trong tháng 7, tiến độ giao gạo xuất khẩu của doanh nghiệp VN đã được đẩy nhanh với khối lượng đạt 650.000 tấn, tăng hơn 110.000 tấn so với tháng trước. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu trong tháng 7 của VN chỉ tăng nhẹ, đạt trung bình 434 USD/tấn, tăng 4 USD/tấn so với giá xuất khẩu trung bình trong tháng 6-2010 (nhưng so với đầu năm vẫn giảm trên 100 USD/tấn, tương đương mức giảm trên 20%).


Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, chỉ đạo của Chính phủ VN có thể xuất khẩu 6 triệu tấn, tuy nhiên con số xuất khẩu sẽ được linh hoạt. Để tránh việc bán giá rẻ trong khi giá thế giới đã tăng, ông Biên cho biết trong quá trình điều hành VN sẽ sàng lọc, xem lại những hợp đồng doanh nghiệp đã đăng ký. Những hợp đồng có tính khả thi không cao do khả năng thanh toán của bên mua, do vấn đề vận chuyển, giá cả... VN sẽ đàm phán lại với đối tác để mang lại hiệu quả cao nhất.


Nguồn: TTO

Tin khác