Có thể kiện doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá tại VN

12/08/2010

AGROINFO - Nếu đã tiết giảm chi phí tối đa nhưng giá bán của doanh nghiệp trong nước vẫn cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại xuất sang Việt Nam thì có thể nhờ đến Hiệp hội, Cục quản lý cạnh tranh xem xét khởi kiện.

Trong buổi hội thảo do Cục quản lý cạnh tranh tổ chức sáng nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn được hướng dẫn cụ thể hơn tiêu chí, tiến trình khởi kiện những công ty nước ngoài bán phá giá tại Việt Nam, đè chết các ngành sản xuất trong nước rồi dần dần nâng giá lên.


Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp kỹ thuật điện phụ trách phía Nam - Hoàng Thái Sơn nêu ví dụ máy biến áp cao thế 110KV Trung Quốc chào giá thấp hơn, hay dây đồng nhập khẩu có loại rẻ hơn trong nước 10-15%, nên việc tiêu thụ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu so về chất lượng kỹ thuật lại không đạt được những tính năng như hàng sản xuất trong nước.


Giám đốc xuất nhập khẩu Công ty TNHH thép Via Kyoei Huỳnh Trọng Bình cũng đặt vấn đề cần xác định tiêu chí nào được xem là dấu hiệu doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá tại thị trường trong nước, hay chỉ căn cứ đơn thuần giá bán rẻ hơn doanh nghiệp nội là có thể khởi kiện.


Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội da giày TP HCM cũng đề xuất ý kiến nên có thêm cảnh báo chống bán phá giá đối với hàng nhập. Bởi thời gian qua, doanh nghiệp trong nước chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu thông tin, không biết phải làm thế nào khi công ty nước ngoài bán phá giá...

Việc Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm đông lạnh làm giảm lượng công ty Việt Nam tham gia vào thị trường này. Ảnh: diendansvitc.net.


Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương cho biết hiện chưa nhận yêu cầu nào từ phía doanh nghiệp hay Hiệp hội kiện doanh nghiệp nước ngoài. Song, điều này là hoàn toàn có thể, nếu doanh nghiệp nghi ngờ công ty nước ngoài bán phá giá có thể kiến nghị lên Hiệp hội. Hiệp hội sẽ tập hợp, thống kê những thành viên gặp phải trường hợp này đề xuất lên Cục quản lý Cạnh tranh.


Cục sẽ phối hợp nghiên cứu kỹ trước khi quyết định có khởi kiện hay không. Ví dụ như: xem kim ngạch xuất nhập khẩu ngành đó như thế nào, mức giá bán tại nước sở tại ra sao, phân tích, xem xét số liệu, tập hợp thông tin... Bởi đó cũng có thể đó chỉ là gian lận thương mại khiến giá bán thấp hơn doanh nghiệp trong nước, khi đó sẽ có cách xử lý khác với bán phá giá.


Buổi hội thảo cũng lấy ý kiến doanh nghiệp, Hiệp hội về hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá
, dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 9.


Hệ thống này giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thời gian chuẩn bị, chủ động phòng tránh cũng như giảm bớt thiệt hại khi số vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa Việt Nam ngày càng tăng lên.


Giai đoạn một, hệ thống website sẽ thử nghiệm cho 5 ngành: dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, dây cáp điện và 2 thị trường là Mỹ và EU. Sau đó sẽ mở rộng cho 10 ngành hàng và 5 thị trường, phát hành bản tin cảnh báo sớm. Và ở giai đoạn 3 sẽ nâng lên 20 ngành hàng, với 10 thị trường, phân tích theo yêu cầu của doanh nghiệp, có thêm mục tìm kiếm thông tin xuất nhập khẩu.


21 trong số 34 vụ kiện từ năm 1994 đến 30/6/2010 nhằm vào top 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Đơn cử như một số công ty da giày sau vụ kiện giày mũ da của EU như: Việt Phát, Vinh Thông, An Giang sụt lợi nhuận 40-66%, kim ngạch xuất khẩu giảm 47,8-84,3%.


Hệ thống này cũng chỉ dừng lại ở mức cảnh báo, nên vẫn có khả năng xảy ra sai sót, mặt hàng nằm trong diện cảnh báo vẫn thuận buồm xuôi gió, trong khi sản phẩm ngoài danh sách lại bị kiện. Đại diện Hiệp hội da giày đề xuất khi đưa sản phẩm của nhóm ngành nào vào diện cảnh báo có nguy cơ chống bán phá giá cao, nên có ý kiến của các lãnh đạo Hiệp hội ngành đó, trước khi chính thức công bố.


Phạm Khánh (Theo VnExpress)

Tin khác