Sản xuất vụ đông xuân: Cần chọn giống phù hợp

12/08/2010

AGROINFO - Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì việc chọn giống lúa phù hợp cho từng vùng, cũng như phòng ngừa các dịch bệnh là vấn đề hết sức quan trọng. Để giúp nông dân có được mùa bội thu cho vụ đông xuân sắp tới, tiến sĩ Lê Thị Dự, Trưởng Bộ môn Khảo nghiệm giống và tiến sĩ Lương Minh Châu, Trưởng Bộ môn Côn trùng của Viện Lúa ĐBSCL đã có những khuyến cáo

 

Tiến sĩ Lê Thị Dự, Trưởng Bộ môn Khảo nghiệm giống chia sẻ: Nên duy trì diện tích trồng lúa với tỷ lệ giống hợp lý

Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn ngày càng sâu ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Vì thế, nông dân nên chọn giống phù hợp với vùng sinh thái và theo khuyến cáo của khuyến nông. Phải nắm rõ đặc tính của giống trước khi trồng, nhất là những nhược điểm để có biện pháp khắc phục. Xu hướng chọn giống lúa OM ngắn ngày (từ 85-95 ngày) ngày càng phổ biến. Bởi vì, thời gian giống lúa này ngắn, lúa ít sâu bệnh, chịu lụt, chịu hạn tốt nên người dân yên tâm hơn. Từ năm 1975 đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã có chương trình chọn tạo giống cho đất phèn, mặn rất tốt thích hợp cho vùng ĐBSCL. Ví dụ như, tỉnh Trà Vinh áp dụng giống lúa OM6976- năng suất cao, thời gian trồng 95 ngày. Giống này chịu được sâu bệnh, chịu mặn cao, thời gian trồng dài nên bông dài, hạt nhiều. Trong quá trình canh tác, nông dân cần điều chỉnh nước, xử lý xịt các loại thuốc dưỡng hạt và các loại thuốc làm cho muối hạt, tránh bị lép hạt hoặc tình trạng lúa bị gãy chẽn. Giống lúa OM8923, thời gian 90 ngày, chịu mặn tốt, chống chịu sâu bệnh, chịu mặn cao nhưng yếu cây, trong quá trình canh tác nên bón thêm phân Kali. Đối với giống OM5464, thời gian 85-90 ngày, năng suất cao, chịu mặn, chịu hạn tốt nhưng cơm hơi cứng.

Vụ sản xuất lúa đông xuân sắp tới, nông dân có thể sử dụng 4 loại giống sau: OM6932, OM6904, OM10040, OM5953. Đây là những giống lúa mới, năng suất cao, dạng hình đẹp. Ngoài ra, còn có thể sử dụng các loại giống cũ: OM4900, OM6162, OM2395, OMCS2000, VN95-20, Sóc Trăng 5, Jasmine 85... Những loại này có năng suất cao, thơm nhẹ, cơm dẻo, thời gian sinh trưởng từ 98-100 ngày. Song, những giống này thường nhiễm rầy, nông dân cần tăng cường thăm đồng, trị rầy nâu.

Nông dân bây giờ rất ham học hỏi những tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới,... Nhưng vẫn còn có thói quen chạy theo thị trường - dẫn đến tình trạng ứ đọng sản lượng, giá thành thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân; bắt chước nhau ồ ạt trồng giống lúa bán được trên thị trường - Đơn cử như việc trồng giống lúa IR50404, có 80% diện tích trồng lúa IR50404 vào năm 2006. Vì vậy, bà con nông dân nên duy trì trồng lúa, với tỷ lệ giống hợp lý, từ thấp đến cao. Phát triển giống lúa dẻo thơm song song với trồng giống lúa xấu (tỷ lệ 10%-20%) nhằm duy trì đa dạng hóa sinh học, giảm rủi ro sâu bệnh và mất giá. Đồng thời, cần có sự vào cuộc của các nhà quản lý trong việc bình ổn giá thị trường, định hướng diện tích trồng lúa, cây ăn trái...

Tiến sĩ Lương Minh Châu, Trưởng Bộ môn Côn trùng cho biết: Thực hiện tốt nguyên tắc từ “3 giảm, 3 tăng” đến “2 phải, 5 giảm”

Giống như mọi năm, tình hình dịch bệnh diễn ra bình thường theo mùa. Chẳng hạn như, dịch rầy nâu cao điểm nhất là vào tháng 7 (vụ thu đông); cháy lá có nhiều trong vụ đông xuân, hè thu, nhiều giống lúa sau sạ 30 ngày vẫn đang bị cháy lá. Ngoài ra, khí hậu thay đổi thất thường cũng dẫn đến dịch bệnh phát triển theo, như: rầy cánh trắng có nhiều do ảnh hưởng nhiệt độ nóng, chúng chích hút làm lá lúa bị vàng, hạt lép; chuột xuất hiện nhiều do khí hậu thay đổi... Vùng ĐBSCL nếu nhiệt độ tăng từ 0,6 đến 10C thì rầy nâu sẽ phát triển nhanh hơn. Trong vụ sản xuất lúa đông xuân, dự báo những dịch bệnh này cũng sẽ phát triển mạnh. Do vậy, nông dân nên áp dụng tốt việc quản lý dịch bệnh tổng hợp, với nguyên tắc: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và “2 phải, 5 giảm” sẽ đạt năng suất cao. Quan trọng nhất là sử dụng phân bón, mật độ sạ hợp lý. Thông thường, nông dân nên sạ lúa từ 10-15 kg/ công. Nếu bà con nông dân vẫn sạ với mật độ dày, sử dụng phân bón quá liều sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh nhanh do tăng độ ẩm và nhiệt độ dưới tán lá lúa. Còn sử dụng phân bón nhiều sẽ làm cây lúa xum xuê, xanh đậm gây ra dễ hấp dẫn sâu bệnh và giảm khả năng chống chịu.

Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL có thực hiện một số đề tài nghiên cứu xoay quanh tình hình dịch bệnh mới, với cách phòng ngừa, điều trị dịch bệnh hiệu quả. Từ năm 2011 đến năm 2015, Viện Lúa ĐBSCL sẽ thực hiện các đề tài liên quan đến biến đổi khí hậu (ngập lụt, hạn hán, nước biển dâng) sẽ nảy sinh nhiều dịch bệnh mới. Tại TP Cần Thơ, tình hình dịch bệnh phổ biến là rầy nâu, sâu phao, sâu cuốn lá nhỏ, cháy lá, đốm vằn,... nông dân cần sử dụng giống lúa thuần cao, giảm tỷ lệ sâu bệnh, lem lép hạt. Đặc biệt ở vụ sản xuất lúa đông xuân, nông dân nên giảm mật độ sạ, phân bón và áp dụng tốt việc quản lý dịch bệnh tổng hợp. Đồng thời, cần chọn giống thích hợp và có phương pháp canh tác tốt để cây lúa khoẻ và đạt năng suất cao


Phạm Khánh (Theo Báo Cần Thơ)

Tin khác