Nghịch lý cao su: Dân tự lập chợ bán mủ, nhà máy đắp chiếu

11/08/2010

AGROINFO - Hơn 1.000 hộ dân trồng cao su tại tỉnh TT- Huế đang phải bán mò bán mẫm sản phẩm mủ, vừa bị tư thương ép giá do cách trở địa bàn và mù tịt thông tin thị trường. Hàng chục tấn mủ thô mỗi ngày phải xuất đi tỉnh ngoài; trong khi, nhiều cơ sở chế biến mủ cao su nội tỉnh vẫn đắp chiếu.

 
Tư thương đang chiếm lĩnh, thao túng hoạt động tiêu thụ mủ cao su tại nhiều địa phương TT- Huế (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Chợ mủ cao su ở xã Hương Bình huyện Hương Trà mới sáng sớm đã tấp nập. Băn khoăn vì trên địa bàn có hợp tác xã chế biến mủ nhưng lại chỉ thấy toàn tiểu thương gom hàng, chúng tôi hỏi một đầu nậu, chị này nói: “Bán ra Quảng Trị. Nhà máy ở đây và kể cả cái lớn hơn nhiều lần đóng ở dưới xã Hương Vân đã tắt khói từ lâu rồi”.

Chúng tôi ghé vào trụ sở UBND xã Hương Bình để nắm thêm tình hình. “Tiểu thương từ lâu đã chiếm lĩnh hết các hoạt động thu mua mủ nước, mủ chén trên địa bàn rồi. Chắc chắn là có ép giá, tiểu thương họ bắt tay nhau thống nhất một mức giá để cùng có lợi. Chỉ có dân trồng cao su là chịu thiệt”, ông Nguyễn Chánh Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Thời điểm chúng tôi đến Hương Bình, theo Chủ tịch Nguyễn Chánh Thắng, giá một 1kg mủ nước bán cho tư thương dao động trên dưới 10.000 đồng. Cũng loại mủ này nhưng tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền (cũng thuộc tỉnh TT- Huế), 1kg có giá 15.000- 16.000 đồng.

Toàn xã Hương Bình có khoảng 1.000 ha cao su (của 620 hộ dân), 720 ha đã vào khai thác mủ. “Mỗi ngày địa phương sản xuất 13 - 15 tấn mủ nước”, ông Thắng xác nhận. So sánh với chỉ riêng giá mủ ở xã Phong Mỹ dễ thấy một ngày, riêng dân Hương Bình cũng mất từ 50 đến 60 triệu đồng do bán mủ với giá bèo.

Tại xã Phong Mỹ, giá mủ nước tuy cao hơn, nhưng theo phản ánh của người dân và lãnh đạo địa phương, tình trạng tư thương ép giá cũng xảy ra trên địa bàn. Mủ cao su Phong Mỹ cũng bán cho Quảng Trị. “Dân trồng cao su hoàn toàn mù tịt thông tin về giá”, ông Mai Lộc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết. Xã Phong Mỹ cũng từng tổ chức một dây chuyền chế biến mủ cao su từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh và đóng góp của dân, nhưng chỉ hoạt động thời gian ngắn thì đóng cửa.

Hiện nay, hai vùng trọng điểm cao su của tỉnh là Hương Bình và Phong Mỹ đều chung một nghịch lý. Cả hai đều có cơ sở chế biến mủ cao su do hợp tác xã tổ chức, nhưng vì không cạnh tranh được về giá và phương thức thu mua, thiết bị sản xuất lạc hậu, nên hàng chục tấn mủ làm ra mỗi ngày đành phải bán ra tỉnh khác.

Ở xã Hương Bình, chúng tôi được một cán bộ đưa tới cơ sở chế biến mủ cao su nằm giữa bạt ngàn rừng cây công nghiệp. Cơ sở có vốn đầu tư hơn 300 triệu này đã ngưng hoạt động, trở thành chuồng nhốt bò.

Còn tại Nhà máy Chế biến mủ cao su Hương Trà (huyện Hương Trà), cả khu chế biến mủ rộng lớn bây giờ im lìm không một bóng người. Lối vào rậm rịt cỏ dại. Tất cả máy móc, thiết bị hiện đại bị khóa kín phía sau hàng rào B40 từ khá lâu. Nơi nhà máy tọa lạc đang “đắp chiếu” chỉ cách các xã chuyên trồng cao su như Hương Bình, Hương Thọ, Bình Thành, Bình Điền hơn chục kilômét.


Phạm Khánh (Theo Báo Tiền Phong)

Tin khác