|
Nên có những nghiên cứu đánh giá cẩn trọng khi cho thuê mặt biển (Ảnh minh họa - nguồn Internet) |
Ý tưởng giao quyền sử dụng mặt nước cho người nuôi trồng và khai thác thuỷ sản xuất phát từ QĐ123 của Chính phủ năm 2006 với đối tượng là ngư dân, phạm vi giải quyết mới chỉ dừng ở ngành thuỷ sản. Sau quyết định đó, ngành thủy sản đã cho tiến hành thử ở một số địa phương như Quảng Ninh, Bình Thuận, Kiên Giang…
Kết quả triển khai thế nào ông?
Ngay khi ban hành QĐ này, nhiều ngành đã cho rằng rất khó khả thi vì một vùng biển không phải là đối tượng sử dụng của riêng ngành thuỷ sản, và cũng không phải chỉ có ngư dân là người hưởng lợi mà bản chất của hệ thống tài nguyên biển- ven biển này là đối tượng sử dụng của nhiều ngành (đa ngành), các ngành và người hưởng dụng khác nhau sẽ cùng khai thác du lịch, bảo tồn, thuỷ sản, giao thông đường biển,…Mặt biển, hải đảo hay nói rộng ra là không gian biển, đó là những hệ thống tài nguyên chia sẻ, nhiều ngành khai thác mà chỉ giao cho một ngành, một đối tượng sử dụng là khó khả thi.
Thấy "lủng củng" như thế sao không dừng lại mà vẫn triển khai?
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không giao mặt biển và hải đảo. Vấn đề là phải nghĩ ra những phương thức khác, xác định đúng các đối tượng (tổ chức, cá nhân) nào được hưởng lợi, được thuê? Giao như thế nào? Trên thực tế, các hệ thống tài nguyên biển như vậy đang được sử dụng đa ngành, nhưng lại chỉ được quản lý theo ngành (kiểu đơn ngành) khiến mâu thuẫn lợi ích nảy sinh và tăng cường, hiệu quả sử dụng chung rất thấp, lại phải gánh chịu các hậu quả môi trường lâu dài, khó lường.
Trách nhiệm quản lý của nhà nước là làm sao giảm mâu thuẫn lợi ích trong khi vẫn duy trì được phương thức sử dụng đa ngành và đạt được mục tiêu hài hoà giữa các ngành mới khó. Thực tế đã có một số địa phương khi giao mặt biển cho một ngành thì hiện tượng khai thác triệt để đã nẩy sinh, khai thác gấp với suy nghĩ “múc thật nhanh kẻo mai kia nghị quyết thay đổi lại đem giao cho ngành khác là mất cơ hội”.
Vậy muốn giao mặt biển được "thuận buồm xuôi gió" theo ông phải thế nào?
Muốn giao và cho thuê, trước hết phải tiến hành phân vùng chức năng vùng biển, ven biển, hải đảo để xác định các mảng không gian, giúp định hướng cho quy hoạch khai thác và sử dụng biển, hải đảo trên phạm vi toàn quốc và cho từng vùng biển. Trên đất liền đã có quy hoạch sử dụng đất thì dưới biển cũng phải có quy hoạch sử dụng biển, hải đảo. Trong đó tính toán phương án sử dụng tối ưu, bao nhiêu diện tích giao cho ngành thuỷ sản, cho du lịch, cho giao thông,…và đương nhiên tất cả phải bố trí sao cho không ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên dùng lâu dài.
Trên cơ sở “quỹ” không gian biển được xác định như vậy thì mới tiến hành phân bổ và giao cho các ngành, các địa phương diện tích cụ thể (gồm mặt nước biển, khối nước biển, bề mặt đáy biển và lòng đất dưới đáy biển). Các ngành, địa phương thực thi các chính sách khuyến khích của ngành trong phạm vi không gian được phân bổ. Có thế thì việc sử dụng biển đảo mới thành công, bài bản và căn cơ.
Theo ông việc giao và khai thác mặt biển ở nước ta hiện nay có gì bất ổn không?
Với những thông tin tôi nắm được thì hiện hiệu quả khai thác, sử dụng một “đơn vị biển” của ta so với thế giới mới chỉ bằng 1/130, quá thấp. Chúng ta vẫn đang có thói quen khai thác những thứ thô sơ, chứ chưa nghĩ đến việc khai thác các giá trị dịch vụ của biển để có của ăn, của để. Điều vừa nói cũng có nghĩa là quy hoạch sử dụng biển, hải đảo phải đi trước một bước để sử dụng biển đạt mục tiêu: đa ngành, đa mục đích, đa lợi ích.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đã cho thuê mặt biển rất nhiều. Đơn cử như huyện Vân Đồn có tới 19 dự án trong đó có một số dự án có yếu tố nước ngoài thuê để nuôi trồng thuỷ sản. Dự án cái ít thì vài ha, nhiều cả vài trăm ha. Ông thấy vấn đề đó thế nào?
Đúng là bây giờ thông qua anh, tôi mới có thông tin cụ thể về việc cho thuê biển ở Vân Đồn. Việc đó là tỉnh họ tự làm vì tới thời điểm hiện giờ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cấp quốc gia cho thuê mặt biển, nên có lẽ tỉnh làm thử. Tổng cục Biển và Hải đảo đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và học hỏi cả kinh nghiệm quốc tế để soạn thảo Luật Tài nguyên và Môi trường biển, trong đó có đề cập đến việc cấp phép và thu hồi giấy phép sử dụng và khai thác biển, hải đảo, thảo luận việc cho thuê thì phí thế nào, thuế ra sao, thẩm quyền?...
Như thế Quảng Ninh đã "vượt rào"?
Chắc là Quảng Ninh cho thuê mặt nước theo kiểu Luật Đất đai. Việc cho thuê này hết sức tự do, không dựa trên căn cứ, tiêu chí cụ thể. Không ai đánh giá được sự thất thoát về tài nguyên cũng như môi trường...
Có nghĩa là cho thuê như thế hại có thể nhiều hơn lợi?
Tôi nói thế này để anh hiểu. Chỉ số tính bền vững của một vùng biển/một hệ thống tài nguyên biển phải dựa trên nhiều yếu tố như hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường mới ra được. Về nguyên tắc, việc khai thác, sử dụng, phát triển kinh tế bao giờ cũng gây tổn thương đến môi trường, chỉ ít hay nhiều mà thôi. Thế thì, nếu quá ưu tiên phát triển, tham vọng phát triển bằng mọi giá thì môi trường phải hỏng, mà nó lại là nền tảng của sự tồn vong của chính chúng ta, “đời cha ăn mặn thì đời con khát nước” thôi. Chưa biết là các dự án đó có thực hiện đánh giá tác động môi trường không? Họ lấy phương pháp, số liệu nào để khẳng định là không gây tổn hại cho môi trường? Ai kiểm soát?
Cuối cùng tôi chỉ muốn nói: biển còn là câu chuyện dài dài, câu chuyện không của riêng ai, một công việc đại sự của cả dân tộc, nó đòi hỏi trách nhiệm và ý thức của toàn xã hội, từ lãnh đạo nhà nước đến người dân. Đừng để, một kẻ chặt mấy cây gỗ rừng có thể bị xử tù, còn đang tâm phá tan lòng biển lại không ai thấy! (ông Nguyễn Chu Hồi). |
Theo tôi, dường như những dự án này giống như quyết định đầu tư chứ không phải cấp giấy phép sử dụng mặt biển. Nhưng giờ có nói về việc cho thuê này có khi địa phương lại “cãi” rằng không có luật thì tạm làm thử, vậy thôi.
Yếu tố xã hội, dân sinh ở những vùng biển đã cho thuê theo ông có bị ảnh hưởng?
Tất nhiên. Những vùng này là ngư trường nhiều đời đánh bắt của ngư dân địa phương, cho thuê mặt biển khác nào đẩy người dân rời khỏi sân vườn, ao nhà khi chưa chuyển nghề được cho họ. Họ sẽ sống ra sao? Bây giờ giá cho thuê mặt biển có thể rẻ mạt nhưng mai kia nó quý như trên đất liền ắt sẽ nảy sinh mâu thuẫn lớn giữa dân bản địa và người thuê.
Nói tóm lại ông có ủng hộ việc cho thuê mặt nước biển không?
Bây giờ tôi thấy việc cho thuê mặt biển dường như chỉ có một chiều. Thích cho ai thuê thì được, thuần tuý vì mục đích kinh tế, còn chưa thấy được hết những vấn đề xã hội, môi trường, rồi biển còn nhạy cảm nữa chứ. Chúng ta đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc này rồi.
Xin cảm ơn ông!