Sau khủng hoảng, doanh nghiệp làng nghề không “chết” (Phần 2)

30/06/2010

AGROINFO - Tính đến tháng 3 năm 2009, có khoảng 60% doanh nghiệp làng nghề đang phải hoạt động cầm cự, khoảng 20% đang thoi thóp

Các doanh nghiệp này có thể sẽ phá sản nếu không có biện pháp mạnh hỗ trợ các làng nghề vượt qua khó khăn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Lê Đức Thịnh – Bộ môn Thể chế nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT về vấn đề này.

Sau khủng hoảng, nhân công lao động ở làng nghề đang bị cạnh tranh rất mạnh (Ảnh minh họa: Internet)

PV: Theo ông, khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng như thế nào đến vùng nguyên, nhiên liệu trong các làng nghề?


Do ảnh hưởng của
khủng hoảng kinh tế nên giá nguyên, nhiên vật liệu biến động theo chiều bất lợi cho các tác nhân trong làng nghề. Từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của tác nhân này. Khủng hoảng kinh tế làm cho giá cả của hầu hết các mặt hàng, nguyên, nhiên liệu tăng mạnh. Trong khi thời gian từ lúc các doanh nghiệp, hộ nghề trong các làng nghề ký hợp đồng xuất khẩu với các đối tác đến lúc giao bán sản phẩm khá dài (thông thường từ 6 tháng đến 1 năm) thì sự tăng giá nguyên nhiên vật liệu đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất của các tác nhân này. Tuy nhiên, xét trên một khía cạnh nào đó, trong điều kiện không có khủng hoảng kinh tế thì giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng liên tục lại tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất, hộ nghề bởi lẽ sản xuất ở làng nghề luôn có tính chậm (sau 3 tháng, thậm chí 6 tháng đến 1 năm mới có sản phẩm), trong khi giá bán sản phẩm luôn tỷ lệ thuận với giá nguyên nhiên vật liệu ở cùng một thời điểm. Tuy nhiên tác động tích này chỉ đúng với điều kiện các doanh nghiệp, làng nghề sản xuất tự do không theo hợp đồng (như một số hộ nghề ở Đồng Kỵ) và các doanh nghiệp, hộ nghề tiêu thụ sản phẩm trong nước còn không hoàn toàn chính xác với doanh nghiệp xuất khẩu bởi lẽ các nhà nhập khẩu thường không chịu đàm phán tăng giá với các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước. Nhưng do tác động của khủng hoảng kinh tế thì hầu hết các thị trường đều đóng băng nên đa số các doanh nghiệp, hộ nghề không hứng được những tác động tích cực này, chỉ có một số ít các doanh nghiệp lớn có nhiều vốn đầu tư và chờ cơ hội để tiêu thụ được sản phẩm mới có thể hứng được các doanh nghiệp này.


PV: Về nhân công lao động trong các làng nghề, khủng hoảng kinh tế có tác động như thế nào thưa ông?


Có 1 thực tế là sau khi khủng hoảng, tất cả làng nghề đang bị cạnh tranh lao động rất mạnh. Gần như tất cả các làng nghề hiện nay đều tập trung ở ven đô, cạnh tranh với thị trường lao động ở đô thị.

Thực tế cho thấy, thời gian qua do tác động của khủng hoảng kinh tế làm cho thị trường tiêu thụ sản phẩm bất ổn các doanh nghiệp trong các làng nghề và các hộ nghề buộc phải cắt giảm lao động nhằm giảm sức ép về tiền lương và giảm sản lượng hàng hoá được sản xuất ra đã gây nên tình trạng mất việc làm và giảm thu nhập của người lao động. Lao động phổ thông trong làng nghề có sự cạnh tranh mạnh. Lao động ở các làng nghề buộc phải cạnh tranh, tạo sự lan toải, mở rộng phạm vi lao động sang các làng bên cạnh. Trong điều kiện giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu tăng người lao động buộc phải tìm cách để tạo ra thu nhập, người lao động (chủ yếu là lao động trẻ) không kiếm được tiền từ các làng nghề đã di chuyển sang các khu công nghiệp, các thành phố lớn để tìm việc làm và nhiều người đã không quay trở về làng nghề khi có sự phục hồi bởi lẽ họ đã có công việc ổn định, thậm chí thu nhập còn cao hơn thu nhập từ làng nghề đã gây nên tình trạng thiếu lao động có tay nghề bởi nhiều làng thanh niên rời làng đi kiếm sống bằng các nghề khác, số còn lại ở nông thôn chủ yếu là những người lớn tuổi ít có khả năng tiếp tục đào tạo. Chính vì thiếu lao động có tay nghề, đã có những sản phẩm làng nghề không giữ được những nét tinh tế truyền thống, có những mặt hàng mai một, cũng do vậy việc sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã mới thiếu điều kiện triển khai.


PV: Được biết các làng nghề ở nước ta hiện nay đa phần đều là quy mô nhỏ lẻ. Vậy các làng nghề với quy mô nhỏ lẻ đó chống chọi như thế nào với khủng hoảng kinh tế?


Trình độ công nghệ thấp, lạc hậu làm cho năng suất lao động của sản phẩm làng nghề quá thấp
. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên tính chậm của làng nghề, trong điều kiện các nhà nhập khẩu luôn đặt các đơn hàng rất lớn thì các làng nghề của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện đơn hàng đã gây nên tình trạng phá vỡ hợp đồng hoặc thực hiện sai tiến độ hợp đồng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các làng nghề. Khủng hoảng kinh tế đã tác động trực tiếp vào tính chậm của các làng nghề thông qua cơ chế về giá cả và đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng hiệu quả sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp, hộ nghề bị suy giảm, thậm chí phá sản.


PV: Đối mặt với khủng hoảng kinh tế, từ quan điểm cá nhân, ông đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng của các làng nghề ở Việt Nam?


Người ta đưa ra con số là sau khủng hoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa ngừng hoạt động và chết. Thông tin đó không sai. Nhưng tôi chỉ muốn khẳng định rằng các doanh nghiệp làng nghề không chết, hội nghề cũng không chết mà chỉ tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn. Các doanh nghiệp làng nghề có khả năng phục hồi rất nhanh. Có những doanh nghiệp phải đến quý 1 năm 2010 mới phục hồi, nhưng ở làng nghề, các doanh nghiệp phục hồi rất sớm. Có doanh nghiệp đã phục hồi từ quý 1 năm 2009. Những nỗ lực của các doanh nghiệp làng nghề rất đáng để ghi nhận. Và với các hộ nghề, khả năng phục hồi của các hộ này cũng rất cao.


PV: Để đạt được kết quả như thế, các làng nghề đã phải ứng phó như thế nào?


Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất với các làng nghề, đó là kinh nghiệm về khả năng thích ứng của làng nghề đối với các biến động về kinh tế. Để thích ứng được với các biến động đó, 1 loạt cơ cấu trong làng nghề đã thay đổi, từ cơ cấu thị trường, cơ cấu lao động, cơ cấu về sản phẩm và cả cơ cấu về thể chế nữa. Cụ thể, hiện nay các làng nghề đã chú trọng hơn với thị trường trong nước, chứ không chỉ tập trung xuất khẩu như trước kia. Cơ cấu sản phẩm thì thay đổi nhiều về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Các làng nghề cũng phải tăng cường đào tạo lao động, mở rộng phạm vi đào tạo sang cả các làng bên cạnh. Về mặt thể chế, xuất hiện nhiều hiệp hội doanh nghiệp làng nghề, thúc tiến việc mở rộng thị trường, phát triển làng nghề nhanh và mạnh hơn.

Vâng, xin cảm ơn ông!


Lê Huê

Tin khác