“Việt Nam không thiếu gạo”

11/08/2010

AGROINFO - Từ nay tới cuối năm, mỗi tháng nước ta đều có từ 300.000 - 500.000 ha lúa cho thu hoạch. Cộng thêm lượng tồn kho của các doanh nghiệp là trên một triệu tấn, Việt Nam không thiếu gạo phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên tại cuộc họp báo về việc điều hành xuất khẩu gạo, diễn ra ngày 10/8.

 
Việt Nam không thiếu gạo phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Giá gạo tăng chỉ là “té nước theo mưa”

Gần đây, một số báo đã đăng tải thông tin, do ảnh hưởng của lũ lụt, chỉ trong tháng 7, Trung Quốc đã thu mua tới 600.000 tấn gạo của Việt Nam. Không ít người dân đã lo ngại rằng giá gạo trong nước sẽ lại “sốt” như đã từng xảy ra vào năm 2008.

Điều này khiến trong ba ngày qua, tại thị trường Tp.HCM giá gạo đã tăng thêm từ 500-1.000 đồng/kg. Giá gạo được bán ra phổ biến ở mức 14.000 đồng/kg.

“Thực tế trên chủ yếu là do tư thương lợi dụng tình hình, tăng giá nhằm để kiếm lời”, ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam, nhìn nhận.

Trước tình hình này, theo chỉ đạo của Tổng công ty Lương thực Miền Nam, trên địa bàn Tp.HCM đã có nhiều điểm bán gạo với mức thấp hơn thị trường khoảng 10%, và không hạn chế số lượng bán ra đã được triển khai để bình ổn giá trên thị trường.

“Ở các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng, các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Lương thực Miền Nam, kể cả các kho dự trữ đều sẵn sàng cung ứng gạo khi người dân có nhu cầu”, ông Phong cho biết thêm.

Về thông tin cho rằng, chỉ trong tháng 7, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thu mua tới 600.000 tấn gạo của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho là chưa chính xác. “Con số này là các doanh nghiệp đã thu mua từ tháng 4 đến tháng 7”, ông Phong bổ sung thêm.

Ông Biên cũng lý giải việc gần đây, giá lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh, lúa có phẩm chất thấp cũng được thu mua ở mức 4.100 - 4.300 đồng/kg, còn lúa thơm khoảng 5.200 - 5.500 đồng/kg, là do Việt Nam vừa qua đã đàm phán được hợp đồng xuất khẩu gạo với Chính phủ Bangladesh. Lượng gạo đã ký được lên tới 220.000 tấn, chứ không phải là do Trung Quốc đẩy mạnh việc mua vào.

Ông Phong cũng khẳng định: ngay từ đầu năm, tổ điều hành xuất khẩu gạo đã dự báo nhu cầu thu mua gạo từ Việt Nam của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng, do 5 tỉnh phía Nam của nước này bị hạn nặng, có tỉnh 300 ngày không qua không có một hạt mưa. Mới đây, nhiều tỉnh lại phải đối mặt với lũ lụt… Tuy vậy, về cơ bản Trung Quốc cũng không thiếu gạo, việc nhập khẩu chỉ là tiết kiệm chi phí vận chuyển gạo từ phía bắc xuống phía Nam.

Nên rà soát lại hợp đồng xuất khẩu

Theo số liệu từ ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ngoài lượng gạo các doanh nghiệp đang dự trữ trong kho là trên một triệu tấn, trong tháng 8 này các tỉnh miền Nam sẽ tiếp tục thu hoạch khoảng 400.000 ha lúa hè thu. Sang tháng 9, các tỉnh miền Bắc lại bắt đầu thu hoạch lúa hè thu…

“Từ nay đến cuối năm, tháng nào chúng ta cũng có từ 300.0000 - 500.000 ha lúa cho thu hoạch. Như vậy, lượng gạo hàng hóa bổ sung lượng cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là khá dồi dào”, ông Ngọc nói.

Bản thân Thứ trưởng Biên cũng cho rằng, với lượng tiêu dùng trong nước được dự báo không có đột biến, cộng thêm với việc bảy tháng đầu năm các doanh nghiệp đã tranh thủ mức giá thấp nhập khẩu 1,4 triệu tấn lúa mì để phục vụ nhu cầu trong nước, thì nước ta không thiếu gạo phục vụ cho cả tiêu dùng nội địa cũng như kế hoạch xuất khẩu khoảng sáu triệu tấn gạo trong 2010.

Do vậy, Việt Nam hoàn toàn không có sự phân biệt đối với các khách hàng mua gạo, đặc biệt là khách hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Biên vẫn cảnh báo các ngành chức năng không được lơ là trong phòng ngừa sâu bệnh, cũng như công tác thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm gạo cũng như mức lãi tối thiểu là 30% cho người nông dân.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Biên, cũng nên rà soát lại các hợp đồng xuất khẩu, đối với các hợp đồng có thể giãn thời gian giao hàng, thì nên đàm phán lại với đối tác để hiệu quả mang lại là cao nhất.


Phạm Khánh (Theo VnEconomy)

Tin khác