Quảng Bình: Gạo cứu đói được cấp cho... chủ tiệm vàng

11/08/2010

AGROINFO - Ngày 7- 5-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định xuất 1.000 tấn gạo dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Bình cứu đói. Nhưng trên thực tế, tình trạng chia phát gạo tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình lại bị “lệch” đối tượng. Có trẻ mồ côi nghèo không được nhận gạo nhưng chủ tiệm vàng, chủ doanh nghiệp lại được... cứu đói!

Gạo cứu đói được cấp cho chủ tiệm vàng và chủ doanh nghiệp - điều không tưởng này đã sảy ra ở tỉnh Quảng Bình (Ảnh biếm họa chỉ có tính minh họa)

Phớt lờ chỉ đạo của cấp trên

Tiếp nhận sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 21-5-2010, UNND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định số 1119/QĐ-UBND phân bổ 1.000 tấn gạo cứu đói mùa giáp hạt cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, ngày 2-6-2010 Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã có công văn số 39/CV- LĐTBXH gửi đến các xã, thị trấn. Nội dung của công văn này nêu rõ: các xã, thị trấn cần tổ chức bình xét, rà soát số hộ, số khẩu thiếu đói gay gắt trong từng khu vực để cấp gạo kịp thời. Việc xét duyệt cấp gạo cứu đói phải đặc biệt chú ý đến những đối tượng là nông dân, hộ nghèo, cận nghèo và những hộ gặp rủi ro bất khả kháng dẫn đến việc thiếu đói. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng cấp phát gạo cứu đói giáp hạt theo kiểu bình quân và chia dàn trải.

Công văn trên xuống đã ghi rõ như vậy nhưng thực tế khi gạo được cấp về cho một số xã, thị trấn thì lại để diễn ra tình trạng chia bình quân dàn trải, “lệch” hoàn toàn với công văn chỉ đạo của cấp trên.

Cụ thể tại thị trấn Quy Đạt có 3.390 nhân khẩu được đề nghị cấp gạo cứu đói nhưng trên thực tế thì số gạo “trong chuẩn” lại được chia nhỏ ra cho 3.924 nhân khẩu (vượt 534 nhân khẩu).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Hồng Hóa cũng diễn ra tình trạng tương tự, số gạo cứu đói không được chia theo diện “rà soát đối chiếu giữa các hộ nghèo” mà được cấp phát tràn lan theo hình thức “bình quân trên đầu người”. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong xã có đến 99,9% hộ gia đình thuộc vào diện “thiếu đói gay gắt”. Cả xã có 3.460 khẩu thì có tới 3.414 khẩu được cấp phát gạo cứu đói của Chính phủ.

Ngược lại ở Tân Hóa (xã có gần 100% hộ gia đình là thuần nông, thường xuyên gặp nhiều thiên tai hạn hán) thì lại phải chia “dè sẻn” số gạo “trong chuẩn” cho từng hộ nghèo, thiếu đói thực sự. “Chúng tôi không dám đề nghị nhiều, chỉ xét những đối tượng thực sự “đói quay quắt” mới được cấp gạo cứu đói đợt này” - ông Cao Quý Ninh, cán bộ xã Tân Hóa, cho biết.

Gạo cứu đói cho ...người giàu

Nói đến vấn đề cấp phát gạo cứu đói ở huyện Minh Hóa, dư luận rất bất bình, phẫn nộ. Bởi trong khi nhiều xã trên địa bàn huyện phải “chắt chiu” giới hạn việc “trình” sổ hộ khẩu, hộ nghèo lên trên đề nghị cấp gạo cứu đói thì tại thị trấn Quy Đạt lại xảy ra tình trạng gạo cứu đói được chia theo kiểu “thừa thãi”. Tất cả các hộ gia đình có đất nông nghiệp trên địa bàn thị trấn đều được nhận 18kg gạo/nhân khẩu (kể cả những hộ gia đình làm kinh doanh, buôn bán có số tài sản lên tới hàng trăm triệu đồng). Theo ghi nhận của chúng tôi, trong số 3.924/5.809 nhân khẩu của thị trấn Quy Đạt được cấp gạo cứu đói mùa giáp hạt đợt này thì có gần 16% nhân khẩu không thuộc diện nghèo đói, khó khăn nhưng vì có đất nông nghiệp trên địa bàn nên những người này vẫn được chính quyền địa phương đưa vào đối tượng “cần trợ cấp kịp thời”.

Chị Lê Thị Tình (ngụ ở tiểu khu 7, thị trấn Quy Đạt) rơi nước mắt khi tâm sự với chúng tôi: Bản thân chị là hội viên Hội nông dân tiểu khu 7, gia đình lại có hoàn cảnh đặc biệt éo le. Cách đây một năm, chồng chết vì tai nạn giao thông để lại cho chị ba đứa con thơ dại và số nợ gần trăm triệu đồng ngoài sức chi trả. Từ nhiều tháng nay, gia đình chị Tình lâm vào cảnh “đứt bữa”, thiếu đói thường xuyên. Khi có chủ trương cấp gạo cứu đói của nhà nước, bốn mẹ con chị Tình đã mừng thầm rồi khấp khởi mang bao bì lên UBND thị trấn để nhận gạo. Nhưng rốt cuộc lại trở về tay không với lý do “gia đình chị không có đất nông nghiệp”.

Ngược lại, gia đình chị Trần Thị Thảo (một chủ tiệm vàng ngụ ở tiểu khu 5, thị trấn Quy Đạt) lại được nhận tổng cộng 72kg gạo/4 nhân khẩu. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết ngoài tiềm lực kinh tế gia đình vào “hạng” nhất nhì thị trấn thì chồng chị Thảo còn là cán bộ của một cơ quan ở huyện Minh Hóa. Chị chẳng biết đầu đuôi ra sao nhưng khi nghe Tiểu khu trưởng gọi lên nhận gạo cứu đói sớm kẻo “người ta dị nghị” thì chị lên nhận. Sau này nghe mọi người bàn tán xôn xao, hỏi lại chị mới biết gia đình mình được nhận gạo cứu đói là vì có đất nông nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân thị trấn Quy Đạt cho biết không riêng gì gia đình chị Thảo mà nhiều gia đình giàu có khác trên địa bàn thị trấn vẫn được cấp phát gạo cứu đói mùa giáp hạt. Trong số đó một gia đình là chủ doanh nghiệp kinh doanh xe gắn máy, có nhà ba tầng và hai ôtô “xịn” vẫn được cấp gạo cứu đói.

Sự bất cập, sai phạm trong việc cấp phát gạo cứu đói không chỉ riêng thị trấn Quy Đạt mà còn diễn ra ở xã Hồng Hóa. Cách làm tại đây là theo chủ trương “bình quân”, tất cả hộ nghèo hoặc giàu đều được nhận 18kg/nhân khẩu. Chị Nguyễn Thị N.T (một người dân thị trấn xin được giấu tên) cho biết: “Cách chia này ít gặp phải sự phản đối, bàn tán của số đông người dân địa phương là vì đa phần đều được nhận gạo cứu đói nên ai cũng “im hơi lặng tiếng”.

Khi đem thực trạng này hỏi ý kiến của một cán bộ xã Hồng Hóa, chúng tôi nhận được câu trả lời thật vô trách nhiệm: “Theo sự chỉ đạo của huyện, chúng tôi đã tiến hành bình xét công khai và dân chủ đến tận từng thôn?! Còn việc dư luận hay người dân bàn tán như thế nào thì mặc họ, chúng tôi không bận tâm. Họ đói thì họ kêu ấy mà”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những bất cập, sai phạm trong việc cấp phát gạo cứu đói mùa giáp hạt tại thị trấn Quy Đạt và xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là một thực tế. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà nhiều tháng nay, vụ việc này vẫn chưa được thanh tra, làm rõ. Rất mong các cơ quan có trách nhiệm của huyện Minh Hóa và tỉnh Quảng Bình sớm vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của những ai đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai nguyên tắc chỉ đạo việc cấp phát gạo cứu đói của nhà nước.


Phạm Khánh (Theo Báo Công An TPHCM)

Tin khác