Bao giờ hạt gạo hết long đong?

13/09/2010

Dù đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu, nhưng hạt gạo Việt Nam vẫn chưa có tiếng tăm gì trên thị trường thế giới. Người sản xuất chịu lắm thua thiệt khi phải tự xoay xở tìm đầu ra cho hạt gạo.

Sản xuất manh mún, “ăn xổi ở thì”

Cho đến nay, Việt Nam vẫn “kiên trì” bán gạo rẻ, tương tự như những năm 1980 còn bị cấm vận, bà Ba Thi bán gạo rẻ qua một Việt kiều trung gian, vòng sang châu Phi. Khi đó, gạo Việt Nam đương nhiên chẳng có thương hiệu, chưa nói đến là so với gạo Thái Lan xuất khẩu. Nhưng sau 20 năm xuất khẩu mà gạo Việt Nam vẫn luôn có giá thấp nhất so với gạo cùng loại của các nước khác thì khó có thể chấp nhận được.

Ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc Vinafood II kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từng tuyên bố: “Thế mạnh của Việt Nam là gạo trắng thì cứ phát triển gạo trắng, không nên chen chân vào gạo thơm vì không phải là đối thủ của Thái Lan(!?)”. Ông Phong nói khơi khơi như thế. Song trên thực tế giá gạo trắng xuất khẩu của chúng ta vẫn thấp hơn gạo cùng cấp của Thái Lan.

GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về lúa gạo nhận xét: “Nông dân mình mạnh ai nấy làm, cho nên trên cùng một cánh đồng có mấy chục giống lúa. Thương lái mua về họ đâu có tách ra, họ đâu có nhà kho riêng cho mỗi giống đâu. Do đó, thóc của mình khi gom lại không có giá trị, mở bao ra thì có nhiều loại ở trong đó, người mua chán ghê lắm”.

Trao đổi với PV báo Sài Gòn giải phóng về việc “xử lý lúa hè thu có chất lượng không cao”, ông Phong cho rằng “bằng mọi cách phải trữ 1 triệu tấn gạo đông xuân trong kho để đấu trộn với gạo hè thu”. Đây được xem là cách “cân bằng” lại chất lượng lúa gạo hè thu, sẵn sang xuất khẩu khi nhu cầu thế giới tăng trở lại. (Báo Sài Gòn giải phóng số ngày 7/5/2010, mục Nông nghiệp, bài Thị trường xuất khẩu gạo quý 2 đã sẵn sàng). Việc này cho thấy tư duy sản xuất và kinh doanh “ăn xổi ở thì”, không chú ý đến chất lượng cũng như thương hiệu gạo Việt Nam ăn sâu cả vào người có trách nhiệm.

Trên thực tế, rất nhiều năm rồi, rất nhiều hội nghị đình đám rồi, nhưng “vùng nông nghiệp chuyên canh” vẫn là chuyện xa lơ xa lắc. Ở đồng bằng sông Cửu Long có vài công ty tổ chức vùng lúa gạo nguyên liệu, nhưng cũng chỉ với diện tích nhỏ bé, không đáng kể.

Giấc mơ "lãi 30%" và vay vốn tín dụng

Lúa hè thu vừa qua ứ đọng nghiêm trọng, Thủ tướng đã quyết định cho VFA được vay vốn không tính lãi để mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo giá thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Ngày 10/7/2010, Bộ Công thương đề nghị VFA triển khai cho các thành viên mua với giá 3.500 đồng/kg, thấp hơn 500 đồng/kg so với giá sàn 4.000 đồng/kg mà VFA thực hiện trong vụ đông xuân đầu năm. Điều này gây lo lắng và bất bình cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long

 
 Bao giờ gạo hết long đong....?

TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long phân tích: “Thông thường, chúng tôi chỉ tính chi phí đầu tư trực tiếp, sản xuất lúa thương phẩm đầu tư 12-14 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân có năng suất 6-7 tấn/ha thì giá thành 2.000-2.500 đồng/kg; Còn vụ hè thu cũng đầu tư 12-14 triệu đồng/ha mà chỉ được 4-5 tấn/ha, thì giá thành phải là 3.000 đồng/kg. Với chi phí 3.000 đồng/kg mà chỉ bán 3.300-3.500 đồng/kg thì lãi không đáng kể. Đấy là chưa nói phơi sấy không đảm bảo, bị hư hỏng, hao hụt, thì làm gì có lãi”.

Trong khi đó, hơn 10 triệu hộ nông dân đang thật sự sống nhờ vào nông nghiệp, chỉ có nguồn vốn chính là sức lao động, mảnh đất con con, một chút tài sản đơn giản, rất cần được cung cấp đủ vốn. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010, qui định nông dân được vay tín chấp đến 50 triệu đồng, các trang trại, hợp tác xã lớn có thể vay đến 500 triệu đồng. Thế nhưng, hầu hết nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Thực tế, người nông dân muốn vay vốn phải thế chấp, có một cái sổ đỏ đã thế chấp rồi, muốn vay vốn thêm là rất khó. Bởi vậy, theo lý giải của một số chuyên gia, phải cố gắng dồn điền đổi thửa, rút một nửa hoặc 80% nông dân sang làm việc khác. Để một số hộ nông dân có khoảng 30-50 ha, thì bấy giờ sẽ bớt khó khăn hơn, và tín dụng đối với cả hai bên cũng sẽ dễ dàng hơn”. Nhưng đến bao giờ làm được việc này?.

Theo Trần Lê - VOV


Tin khác