“Khát” tôm trên vùng nguyên liệu

16/08/2010

AGROINFO - Bạc Liêu là “mỏ” tôm nhưng trong các cuộc họp bàn về thị trường tôm xuất khẩu, các doanh nghiệp thay nhau than thiếu nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp phải nhập tôm từ nước ngoài để phục vụ chế biến. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp xử lý bài toán “khát” tôm trên vùng nguyên liệu?

 
Khát nguyên liệu ngay trên "mỏ" tôm đang là nghịch lý diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu.

Có “gánh củi về rừng”?

Tại cuộc họp đánh giá về tình hình xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2010 với UBND tỉnh Bạc Liêu, các doanh nghiệp đều than “khát” tôm nguyên liệu. Do đó, nhiều nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. Kéo theo đó là tình trạng cạnh tranh thu mua nguồn tôm nguyên liệu giữa các nhà máy, tạo cơ hội cho nạn bơm tạp chất vào tôm có dịp hoành hành. Đơn cử như Công ty NIGICO (Giá Rai), phải nhập tôm từ Inđônêxia để chế biến hay Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hải phải nhập tôm từ miền Trung.

Việc các doanh nghiệp nhập tôm ngay trên “mỏ” tôm chẳng khác nào “gánh củi về rừng”, nhưng nó vẫn lặp đi, lặp lại. Năm 2009, xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Bạc Liêu được coi là được mùa, sản lượng chế biến tôm xuất khẩu hơn 26.360 tấn, nhưng tổng sản lượng thu hoạch tôm vượt hơn 83.200 tấn. Có nghĩa là nguồn tôm nguyên liệu không thiếu nhưng tại sao vẫn phải nhập và hơn 56.800 tấn tôm còn lại đi đâu?

Không chỉ tôm, các mặt hàng thuỷ sản khác cũng vướng phải nghịch lý này. Công ty NIGICO ngoài nhập tôm còn nhập cả mực, nghêu từ nước ngoài về chế biến. Trong khi đó, hai mặt hàng này được khai thác, nuôi trồng khá dồi dào tại Bạc Liêu. Vấn đề là vì sao nguồn nguyên liệu này lại thay nhau chạy sang các tỉnh, còn doanh nghiệp địa phương lại không có nguyên liệu để chế biến? Câu hỏi trên sẽ dễ dàng được giải đáp nếu các doanh nghiệp quan tâm phát triển mạng lưới thu mua, giá thu mua và cả việc thực hiện các chính sách liên kết, ưu đãi với người nuôi, hệ thống thương lái.

Một khó khăn khác cũng được các doanh nghiệp đặt ra là tình trạng thiếu nguồn lao động phục vụ sản xuất. Như Nhà máy chế biến thuỷ sản Láng Trâm thuộc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hải cần hơn 1.500 công nhân, nhưng đến nay chỉ thu hút được 500 người. Vì vậy nhiều doanh nghiệp phải về các vùng nông thôn thông báo tuyển dụng lao động. Có một thực tế không thể phủ nhận là nguồn lao động trong ngành chế biến thuỷ sản không thiếu, thậm chí rất dồi dào, vì Bạc Liêu có tới hơn 600.000 người trong độ tuổi lao động. Sở dĩ có sự biến động này là do họ chưa tha thiết với nghề, vì nhiều người đã gắn bó hơn chục năm nhưng vẫn không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế dành cho người lao động. Chưa kể, chế độ tiền lương, nơi sinh hoạt ăn ở của một số công ty chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, nên chỉ cần ngành nghề nào có thu nhập cao hơn, họ sẽ bỏ việc ngay.

Lời giải nào cho thị trường xuất khẩu?

Với thực trạng xuất khẩu như hiện nay, bài toán phát triển bền vững ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm là vô cùng cần thiết, nhất là khi Bạc Liêu xem tôm là mặt hàng mũi nhọn. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 7 tháng đầu năm 2010 của tỉnh tuy có tăng hơn 10% so với cùng kỳ, đạt hơn 85 triệu USD, nhưng so với kế hoạch chỉ thực hiện được 47,67%. Do đó, để hoàn thành mục tiêu, trong 5 tháng còn lại, các doanh nghiệp và ngành chức năng phải nỗ lực rất nhiều.

 


Phạm Khánh (Theo Báơ KTNT)

Tin khác