AGROINFO - Tại hội thảo Kinh tế thế giới hồi phục và sự thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam: Kinh nghiệm quản trị và phát triển doanh nghiệp (Hà Nội, ngày 11 tháng 8), Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ: “Sau 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt nghịch lý phát triển rất khó giải thích”.
Ông Thiên nói rõ: Trong khoảng 25 năm qua, chúng ta tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân 7%/năm nhưng chưa được coi là tăng trưởng bền vững. Chính chúng ta cũng thấy điều đó. Thứ hai là, mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế lại giảm. Thứ ba là, trong 3 năm hội nhập, vốn đầu tư vào nhiều, thị trường vốn mở rộng nhưng tăng trưởng lại giảm, lạm phát tăng. Thứ tư là, thâm hụt thương mại, nhập siêu triền miên... Đó là những nhận xét đối với kinh tế vĩ mô.
Trong phạm vi hẹp hơn, ngành nông nghiệp, cũng xuất hiện nhiều nghịch lý.
Thứ nhất, là nước có bờ biển dài trên 3.000km, nhưng từ rất nhiều năm nay, năm nào cũng phải nhập khẩu muối (ngành chức năng lý giải: chỉ cho nhập muối công nghiệp). Thứ hai, là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới nhưng gạo nước ngoài vẫn được nhiều người Việt ưa chuộng (người mua lý giải: gạo của họ ngon hơn). Thứ ba, là nước nông nghiệp, thực hiện đường lối công nghiệp hoá đã nhiều năm nhưng số ngoại tệ để nhập khẩu vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư thú y, thú y thuỷ sản, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi,...) là khá lớn.
Và mới đây nhất, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, để phục vụ chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu, ngựa (ước gần 11 triệu con), năm 2009 nước ta nhập 9.120kg hạt giống cỏ và 2,8 triệu tấn cỏ các loại; dự kiến năm 2010 nhập 1.860kg hạt giống cỏ và 6.200 tấn cỏ khô các loại, ước khoảng 2 triệu đôla Mỹ.
Lý giải về việc này, Cục Chăn nuôi cho rằng là do chúng ta thiếu quy hoạch đất trồng cỏ, nông dân chưa có thói quen trồng cỏ để nuôi gia súc, chăn nuôi dựa vào bãi tự nhiên là chính.
Còn nhớ, đã từ rất lâu, chúng ta định hướng đưa chăn nuôi lên thành ngành chính trong nông nghiệp, và thực tế là tỷ trọng chăn nuôi đã ngày càng lớn. Nhưng nếu để phát triển chăn nuôi gia súc trên nền nhập khẩu toàn diện (giống, nguyên liệu thức ăn, thuốc thú y và nay là cỏ) thì quả là một nghịch lý đối với một nước nông nghiệp như nước ta. Và thật không thể hiểu khi các viện khoa học của ta đều “xin hàng” việc nghiên cứu thuần dưỡng và chọn tạo các giống cây cỏ họ Đậu mà Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đặt hàng. Đây cũng là một nghịch lý!
Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)