ĐBSCL mong lũ

16/08/2010

AGROINFO - Những ngày này nông dân vùng rốn lũ Đồng Tháp, An Giang...hết đứng lại ngồi vì lũ chưa về. Chẳng những lũ về muộn mà so với năm ngoái mực nước đầu nguồn còn thấp hơn tới 1mét. Điều này dự báo một mùa lũ bất thường.

 
               Nông dân đứng ngồi vì lũ chưa về (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Dương, ấp Bình Thạnh A, xã Bình Thạnh (TX Hồng Ngự, Đồng Tháp) nói: Năm trước bà con thu hoạch lúa HT phải chạy lũ te tua. Thu hoạch lúa xong là ra đồng đánh bắt thủy sản ngay, như thế vừa có tiền vừa có cá ăn. Còn năm nay ngược lại, cả tháng qua không làm ra tiền mà còn mất tiền mua cá. Đến giờ này nước vẫn chưa leo lên ruộng, trễ hơn 1 tháng so với năm ngoái. Tất cả bà con vẫn ngồi chơi xơi nước, muốn làm thuê chẳng có ai mướn. Gia đìng ông Dương 5 miệng ăn mà không có cục đất chọi chim, mùa khô làm mướn, mùa nước nổi câu lưới. "Cùng thời gian này năm trước tôi đang lênh đênh trên đồng, mỗi ngày kiếm được 50.000 – 70.000 đồng, lại có cá ăn. Còn năm nay thì...thất nghiệp dài".

 Không chỉ người không đất dài cổ ngóng lũ mà những nông dân nuôi cá, nuôi tôm đăng quầng cũng mỏi mòn mong lũ. Ông Nguyễn Văn Công, ấp Bình Thạnh B, Bình Thạnh đang cho 15.000 con cá lóc nuôi trong vèo ăn cá tạp. Hiện tại, ông Công phải bỏ tiền mua cá biển với giá 8.000 đồng/kg để nuôi đàn cá lóc đang ăn như thác. Bằng giờ năm trước với dàn lưới khoảng 10 triệu đồng là đủ mồi nuôi cá, không những thế ông còn kiếm được cá cho vợ đi chợ bán. Giàn lưới thì gác trên nóc nhà, ông Công ngồi bật tivi theo dõi mực nước lũ mỗi ngày. Nếu năm nay lũ về trễ hoặc không về thì mô hình nuôi cá lóc mùa lũ của ông sẽ lỗ vốn nặng.

Ông Phạm Đức Tài, Phó Chủ tịch xã Bình Thạnh cũng lo lắng khi mô hình tôm đăng quầng trên ruộng lúa vốn rất có triển vọng nhưng đang đói nước lũ. Năm 2009, nhiều bà con nuôi tôm đăng quầng thắng lớn, bình quân 50 triệu đồng/ha nên năm nay xã nhân rộng thêm. Tuy nhiên, nước lũ đầu nguồn chưa lên làm 39 ha tôm của 29 hộ dân đến tuổi xuất nuôi giờ đành treo đó. Tôm đã hơn 3 tháng tuổi cần phải thả ra ruộng mà bà con phải tốn thêm chi phí bơm nước ra vào. Hơn 90% nông dân nơi đầu nguồn lũ đang thất nghiệp. Nhiều bà con đã chuẩn bị xuồng, lưới, câu, lọp…người ít cũng hơn 1 triệu đồng, nhiều thì cả chục triệu, giờ để dưới sàn nhà, chất đống ngoài sân. Lo nhất nếu lũ nhỏ hoặc không lũ thì vụ ĐX 2010 – 2011 cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Giảm phù sa bồi lắng, cỏ dại không được cuốn trôi, dịch bệnh lưu cữu, nhất là nạn chuột đồng hoành hành…

Các chuyên gia cho rằng, nếu diễn biến lũ ở ĐBSCL ở mức báo động 3 là đẹp nhất, bởi vừa đảm bảo SXNN, khai thác thủy sản và an sinh xã hội. Còn dưới báo động 3 hoặc lũ không về thì khô hạn, xâm nhập mặn càng khắc nghiệt.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó phòng NN – PTNT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) không giấu được nỗi lo: Ngay lúc này kênh thủy lợi không có nước để xáng cạp đi lại thi công các công trình thủy lợi. Không hiểu vì sao năm nay mực nước đầu nguồn thấp hơn so cùng kỳ năm trước tới hơn 1 mét. Tôi nhớ năm rồi vừa thu hoạch lúa HT vừa vắt chân lên cổ chạy lũ thì năm nay cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp ngon ơ. Với mực nước thấp như hiện nay chắc chắn sẽ làm hạn chế nguồn lợi thủy sản, nhất là mất mùa cá linh- một khoản thu nhập không nhỏ. Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN – PTNT Đồng Tháp cho biết: Nông dân Đồng Tháp đang rất mong lũ về. Nếu lũ về và lũ đẹp thì sẽ giúp cho hơn 200.000 hộ dân tăng thu nhập đáng kể. Còn ông Đỗ Vũ Hùng, PGĐ Sở NN - PTNT An Giang dự báo lũ nhỏ sâu rầy  sẽ gia tăng, chi phí của vụ ĐX 2010 - 2011 sẽ vọt lên trong khi năng suất lúa nguy cơ giảm.

Nhìn lại mực nước lũ qua các năm, thì 2000 là năm lũ lịch sử, mực nước ở Tân Châu lên tới 5,06m. Nhưng càng những năm gần đây lũ đầu nguồn càng nhỏ, rất ít khi đạt báo động 3. Dự báo năm 2010 này lũ dao động trong khoảng 4 - 4,2m tại Tân Châu, thấp hơn báo động 3 từ 3 - 5 tấc. Lo ngại nhất là lũ ở ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào các công trình ngăn nước ở thượng nguồn sông Mêkong. Nếu các công trình đồng loạt xả lũ thì sông Tiền, sông Hậu ngập nước, ngược lại phía thượng nguồn bế đập thì lũ về muộn hoặc không lũ.


Phạm Khánh (Theo Báo NNVN)

Tin khác