Thái Nguyên: Tìm nông dân… để dạy nghề

16/08/2010

AGROINFO - Bỏ cả việc nhà, những “học sinh nông dân” đủ lứa tuổi, trình độ văn hoá cao, thấp khác nhau nhưng lại rất chăm chú nghe thầy giáo hướng dẫn cách sửa chữa máy phục vụ sản xuất nông nghiệp hay kỹ thuật nuôi, trồng trọt. Đó là những điều mà chúng tôi được tận mắt thấy ở một số lớp học nghề do Trung tâm Dạy nghề Thái Nguyên tổ chức tại các xóm, bản ở Võ Nhai, Định Hoá…

 
Sau khi học nghề, nhiều nông dân ở Nam Hòa (Đồng Hỷ) mở cơ sở sản xuất tạo thu nhập

Thời điểm này, 9 huyện, thành, thị trong tỉnh đang thực hiện những bước đầu tiên theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ ngày 27-11-2009 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 như: khảo sát thống kê lao động ở nông thôn; đánh giá nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; phân loại đối tượng học nghề; loại hình đào tạo… thì Trung tâm Dạy nghề của tỉnh đã vượt qua tất cả các quy trình nêu trên để tổ chức thành công nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Võ Nhai, Định Hoá và một số địa phương khác của tỉnh.

 

Trong một chuyến công tác lên xóm Bản Nác, xã Liên Minh (Võ Nhai), chúng tôi phát hiện một lớp học rất đặc biệt vì học sinh đều là các bác nông dân. Thấy lạ, chúng tôi ghé lại xem và biết đây là lớp học nghề ngắn hạn về sửa chữa máy, nông cụ cho bà con nông dân do Trung tâm Dạy nghề tỉnh tổ chức. Trong căn nhà nhỏ khoảng 40m2, gần 30 nông dân chăm chú nhìn từng động tác tháo, lắp máy của thầy giáo hướng dẫn. Chẳng cần xin phép, một bác nông dân đứng lên hỏi: “Nhiều ốc vít như vậy thì làm thế nào để không bị lắp nhầm!”. Thầy giáo hướng dẫn nhìn về phía bác nông dân vừa hỏi và trả lời rất nhẹ nhàng: “Khi tháo máy, các bác để thiết bị thứ tự theo hàng từ trái qua phải, khi lắp lại lấy các thiết bị từ phải qua trái thì không bao giờ lắp nhầm”. Dạy nghề cho nông dân quả thật rất khó vì khi xem cuốn sổ ghi chép chỉ hơn nửa trang giấy mà chữ nghĩa đã rối mù của một bác nông dân ngồi kề bên, tôi thấy lý thuyết thầy giáo cho ghi những điều rất cơ bản, dễ hiểu còn dành thời hướng dẫn thực hành theo cách “cầm tay dạy từng động tác”. Các bác nông dân ở Bản Nác đã phải tranh thủ làm việc nhà sớm, tối để có thời gian theo học nghề trong 3 tháng, những người dạy nghề cũng phải nói đi, nói lại một nội dung, hướng dẫn tỉ mỉ từ cách cầm cà-lê, tô-vít, cách tháo, lắp bu-loong làm sao để không bị trượt ren…cho thấy cả người dạy và người học đang rất tâm huyết, có trách nhiệm.

 

Chuyện dạy nghề cho nông dân giữa núi rừng này còn cảm động hơn khi chúng tôi biết con đường từ trung tâm xã Liên Minh và xóm Bản Nác quanh co đèo dốc, đường hẹp và lầy lội nên ô tô không vào được. Do vậy để vận chuyển máy, thiết bị dạy nghề đến đây, cán bộ của Trung tâm Dạy nghề tỉnh đã phải đi đường vòng từ xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang), sau đó thầy giáo, học sinh lại hò nhau khiêng máy về lớp học. Anh Lê Quốc Lợi, cán bộ đào tạo của Trung tâm Dạy nghề tỉnh tâm sự: “Nếu không quyết chí thì không thể tổ chức và duy trì được một lớp học nghề cho bà con nông dân ở những nơi xa xôi như xóm Bản Nác. Nhưng sự vất vả của những người tổ chức lớp học sẽ với đi khi chứng kiến các bác nông dân cặm cụi học nghề và luôn miệng nói câu cảm ơn thày giáo…”.

 

Trở lại UBND xã Liên Minh, chúng tôi trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Bích Phòng, Phó Chủ tịch xã về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và được biết: “Nhu cầu học nghề của người dân địa phương rất cao, nhất là các lớp học về sửa chữa máy cày, đồ điện gia dụng, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nhưng nếu phải lên huyện, lên tỉnh để học thì bà con không có điều kiện. Từ khi Trung tâm Dạy nghề tỉnh tổ chức lớp học nghề tại các xóm, bản đã có trên 60 người dân ở Liên Minh được học nghề miễn phí”.

 

Với cách làm như ở xã Liên Minh, cán bộ của Trung tâm Dạy nghề tỉnh đã khảo sát nhu cầu học nghề, cơ cấu ngành nghề, thời gian đào tạo và tổ chức thành công được nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ở các xã như: Kim Sơn (Định Hóa); Dân Tiến, Tràng Xá, Cúc Đường (Võ Nhai); Tân Long (Đồng Hỷ)… Khi trao đổi với chúng tôi về công tác chuyên môn của đơn vị, đồng chí Nguyễn Hữu Nhâm, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tỉnh thông tin: “Tại T.P Thái Nguyên đơn vị có đầy đủ lớp học, thiết bị dạy nghề nhưng mời được các bác nông dân về thành phố học là điều vô cùng khó vì chi phí đi lại, tiền sinh hoạt, nơi ăn ở. Khắc phục những khó khăn này, cán bộ đơn vị đã chủ động tìm đến bà con nông dân để tư vấn, dạy nghề…”. Hành trình đi tìm nông dân để dạy nghề ở Trung tâm Dạy nghề tỉnh đã gặp nhiều trở ngại do các khoản kinh phí Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn khoảng 2 triệu đồng/người nên đào tạo tại chỗ thì đơn vị đào tạo còn có lãi, đi dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa là lỗ. Tuy nhiên, Trung tâm Dạy nghề tỉnh chấp nhận bù lỗ khi đi vùng sâu, vùng xa đào tạo nghề cho nông dân vì chỉ có làm như vậy bà con mới có cơ hội học nghề.

 

Theo chúng tôi, nếu tất cả các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đều có cách làm như của Trung tâm Dạy nghề tỉnh, chắc chắn công tác đào tạo nghề theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ được thực hiện hiện hiệu quả và hàng vạn lượt nông dân trong tỉnh sẽ được học nghề phù hợp với khả năng, có cơ hội ứng dụng ngay nghề được học vào sản xuất tại địa phương.


Phạm Khánh (Theo Báo Thái Nguyên)

Tin khác