Gạo chất lượng cao vẫn là ưu tiên hàng đầu

19/08/2010

AGROINFO - “Nhiều người cho rằng, thời gian qua thương lái thu mua gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long rồi xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực trong nước.

 
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt

Tuy nhiên, tôi cho rằng, động thái này là cơ hội tốt để ngành lúa gạo phát triển”, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khẳng định như vậy trước thông tin Trung Quốc đẩy mạnh thu mua lúa của Việt Nam. Ông Ngọc cho biết:

Sản xuất, kinh doanh lúa gạo luôn được coi là lĩnh vực mũi nhọn trong nông nghiệp và cả nền kinh tế. Năm nay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của ngành chức năng và nông dân, khả năng vượt chỉ tiêu của năm 2009 là hoàn toàn có thể đạt được.

Ngay từ đầu năm, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn như hạn hán ở miền Bắc, xâm nhập mặn ở miền Trung, miền Nam, nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm xuất hiện... đe doạ nghiêm trọng tới sản xuất. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã quyết tâm thực hiện, chỉ đạo nên vụ đông xuân vừa qua chúng ta đã giành thắng lợi lớn với sản lượng 18 triệu tấn, năng suất 6 tấn/ha. Như vậy, đến thời điểm này, dù gặp nhiều khó khăn song mục tiêu sản lượng 39 triệu tấn thóc vẫn không có gì thay đổi.

Thị trường lúa gạo hiện đang rất sôi động với việc Trung Quốc trở thành bạn hàng lớn của nước ta chỉ trong một thời gian ngắn. Theo ông, đằng sau việc thu mua này có gì bất bình thường không?

Nhiều nguồn tin cho rằng, Trung Quốc bắt đầu thu mua lúa gạo của ta từ cuối tháng 7 đến nay là chưa chính xác. Tôi khẳng định, lượng gạo khoảng 600.000 tấn mà Trung Quốc mua đã diễn ra từ tháng 4 đến nay chứ không phải trong thời gian ngắn như vậy. Cần hiểu rằng, Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn và chúng ta bán gạo cho họ là chuyện bình thường. Việc tham gia tích cực vào thị trường mua bán gạo của Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. Nguyên nhân là do năm nay nhiều địa phương của nước bạn bị hạn nặng dẫn đến mất mùa nên họ cần đẩy mạnh thu mua để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Còn có ảnh hưởng đến an ninh lương thực của nước ta hay không thì tôi nghĩ là không. Từ nay đến cuối năm, tháng nào chúng ta cũng có lúa để thu hoạch, cung cấp thường xuyên cho thị trường. Với chỉ tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, cộng cả lượng gạo đã xuất sang Trung Quốc, tôi cho rằng không có vấn đề gì ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Hơn nữa, lượng gạo dự trữ trong kho của các doanh nghiệp cũng lên tới vài triệu tấn, chưa kể lượng gạo từ Campuchia về Việt Nam do một số hộ sang đó thuê ruộng trồng cũng vào khoảng 500.000-1 triệu tấn. Vì thế, an ninh lương thực trong nước sẽ được đảm bảo.

Hiện, Trung Quốc thu mua cả gạo phẩm cấp thấp khiến giá thành của loại gạo này được đẩy lên khá cao. Đây là cơ hội để nông dân quay trở lại sản xuất giống lúa này. Cục có khuyến cáo gì đối với bà con?

Đó là vấn đề khó, trách nhiệm không chỉ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mà của cả các nhà chuyên môn. Tuy nhiên, đây là vấn đề có tính nhất thời, chứ không phải lâu dài. Chủ trương của Cục là nâng cao chất lượng bằng việc đưa những giống tốt, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh hiệu quả vào sản xuất. Đây là bài toán mang tính bền vững. Vì vậy, chúng tôi vẫn chủ trương đưa nhanh những giống chất lượng cao, tổ chức vùng sản xuất tập trung, gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân ngay từ đầu vụ. Khi ấy, các khâu trong quá trình sản xuất, việc thu mua sản phẩm được ký kết ngay khi bước vào vụ sản xuất.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp sẽ khuyến cáo và cho trồng các giống lúa có phẩm cấp thấp ở một số vùng nhất định, tổng diện tích khoảng 20% để đáp ứng một phân khúc nào đó của thị trường. Nhưng vẫn lưu ý, gạo chất lượng cao vẫn là ưu tiên hàng đầu, vì đó là xu hướng chung của thị trường thế giới. Và để đảm bảo chất lượng hạt gạo, tới đây chúng tôi sẽ khuyến cáo bà con bỏ vụ xuân hè.

Thưa ông, liệu có mâu thuẫn khi dự báo nhu cầu lương thực của thế giới trong thời gian tới sẽ tăng trong khi Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân Đồng bằng sông Cửu Long bỏ vụ xuân hè?

Thế giới có những biến động về sản xuất lương thực từ nhiều nguyên nhân. Chúng ta cũng nhìn thấy những tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, ngoài chuyện đẩy mạnh tăng năng suất, thâm canh, chúng ta cũng phải nghĩ tới phát triển bền vững. Không thể vì lấy năng suất, sản lượng mà bỏ qua yếu tố quan trọng này. Vì vậy, chủ trương của Cục là phải bỏ vụ xuân hè để cắt cầu nối sâu bệnh từ đông xuân sang hè thu. Hơn nữa, vụ này cũng chỉ có khoảng vài trăm ngàn hecta với sản lượng trên 2 triệu tấn thóc. Với Đồng bằng sông Cửu Long, con số này không phải là nhiều, chúng ta vẫn có thể bù trừ được.

Song song đó, sẽ cố gắng điều chỉnh thời vụ vụ hè thu sao cho tránh được những yếu tố bất lợi về thời tiết, đảm bảo cho việc phơi, sấy diễn ra thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo, từ đó đẩy giá thu mua lên cao.

Xin cảm ơn ông!


Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)

Tin khác