Phát triển cao su Tây Bắc - cần một lộ trình bền vững

19/08/2010

AGROINFO - Mô hình sản xuất liên kết nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp cao su bằng giá trị quyền sử dụng đất, với các quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên là phương thức sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế mỗi vùng.

Từ năm 2007, cây cao su được đưa vào trồng ở các tỉnh Tây Bắc, xác định sẽ tạo hướng đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng…

Sau 3 năm trồng một số giống cao su ở Điện Biên, Sơn La và Lai Châu đã cho kết quả khả quan, cây sinh trưởng và phát triển tốt, bà con các dân tộc ở nhiều địa phương cũng đã có thêm việc làm. Tuy nhiên, những khó khăn gặp phải qua thực tế 3 năm triển khai cho thấy các địa phương Tây Bắc và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam cần có lộ trình, bước đi thận trọng, vững chắc.

Liên kết trồng cây cao su, mô hình giúp dân xóa đói nghèo

Để thúc đẩy chương trình phát triển cây cao su ở vùng Tây Bắc, Chính phủ, các địa phương và Tập đoàn Cao su Việt Nam đã xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể. Theo đó, Tập đoàn Cao su Việt Nam thực hiện phương thức vận động các hộ nông dân góp đất để liên kết trồng cao su với giá trị bình quân khoảng 10 triệu đồng/ha, người dân được hưởng cổ tức tương ứng với vốn góp đất theo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các hộ dân góp đất được công ty tuyển dụng lao động vào làm việc trong công ty theo diện tích đất góp, đồng thời được công ty hỗ trợ về giống-vật tư để trồng xen cây ngắn ngày trong vườn cao su. Từng tỉnh cũng có các cơ chế chính sách khác nhau phù hợp với thực tiễn của địa phương để khuyến khích, giúp đỡ các hộ dân và doanh nghiệp trồng cao su.

Với việc vận dụng, triển khai các cơ chế chính sách đó, trong 3 năm qua, toàn vùng Tây Bắc đã phát triển gần 15.000ha cao su. Theo đánh giá của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, nhìn chung diện tích cao su trồng đều sinh trưởng khá không thua kém các vùng trồng cao su truyền thống. Nhiều diện tích cao su trồng các năm 2007-2008 đã có thân cây đạt 8 -2cm, chiều cao cây trung bình từ 3-5m.

Kết quả có thể thấy được qua 3 năm triển khai chương trình cây cao su ở tỉnh Tây Bắc là đã có sự thống nhất cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ trung ương và địa phương, giữa địa phương và doanh nghiệp. Mô hình sản xuất liên kết nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp cao su bằng giá trị quyền sử dụng đất, với các quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên là phương thức sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế mỗi vùng. Chương trình cũng bước đầu tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nông dân tham gia. Một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đã chỉ đạo gắn chương trình phát triển cây cao su với dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La và các chương trình dự án khác để góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống của người dân.

 

 Phát triển cây cao su ở Tây Bắc cần một lộ trình vững chắc

Mong muốn được hỗ trợ đúng cam kết

Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều vấn đề trong quá trình triển khai. Điển hình là tình trạng vừa quy hoạch vừa lập dự án nên dự án triển khai chậm, không đạt kế hoạch đặt ra. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư phát triển cao su đột ngột đã làm một số doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn ở Lai Châu. Quy trình thu hồi, giao đất làm không đúng thủ tục trình tự; việc chậm giải quyết các chính sách hỗ trợ đền bù do chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất để các hộ dân góp cổ phần vào doanh nghiệp cao su; lương công nhân cao su thấp ở 2 tỉnh Điện Biên, Sơn La đang khiến người dân nhiều địa phương ở các tỉnh này chưa đồng thuận, làm chương trình phát triển cây cao su ở Tây Bắc gặp nhiều khó khăn.

Ví dụ như ở Sơn La, nhiều công nhân cao su vẫn thiếu việc làm, thu nhập không ổn định. Ở Bản Nà Sành, xã Bó Mười có 46/97 hộ, đã góp đất trồng cao su. Do thiếu việc làm, nên đời sống những hộ này cũng gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông Lò Văn Khạt là một ví dụ. Ông Khạt cho biết: “Làm cao su đến thời gian khai thác mủ mới có thu nhập. Đại gia đình tôi có 10 khẩu mới nhưng chỉ có 1 người được làm công nhân. 9 người còn lại chưa biết làm gì để có thu nhập đảm bảo đời sống. Chúng tôi rất lo lắng, trong thời gian 7 năm khi cao su chưa cho khai thác thì không biết đời sống gia đình sẽ thế nào”.

Công tác tuyên truyền của các địa phương cũng chưa thật sự hiệu quả khiến xảy ra nhiều vụ phá, nhổ cao su ở Điện Biên. Qua tiếp xúc, tìm hiểu chúng tôi thấy nguyên nhân chính là có nơi bà con chưa thực sự tin tưởng, mặn mà với chương trình này, chính bởi việc triển khai chính sách và cam  kết còn chậm. Anh Lầu A Sở, một hộ dân tham gia góp đất trồng cao su ở bản Đỉnh Đèo, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên nói: “Trồng cây cao su người dân rất ủng hộ. Nhưng chúng tôi mong muốn nhà nước hỗ trợ đúng cam kết. Có như vậy bà con mới tin tưởng, yên tâm”.

Ngày 3/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 750 về phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Riêng vùng Tây Bắc,  định hướng quy hoạch xác định: "Không phát triển theo phong trào, có bước đi phù hợp. Trên cơ sở quỹ đất, kết quả, đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng, các địa phương quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện, để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50.000ha. Như vậy, việc nghiên cứu kỹ càng, có bước đi chắc chắn là việc làm cần thiết của các tỉnh Tây Bắc lúc này trong phát triển cây cao su. Mục tiêu chính vẫn phải là đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra cơ hội xoá đói giảm nghèo bền vững cho người dân ở vùng cực Tây còn nhiều khó khăn này.


Phạm Khánh (Theo VOVnews)

Tin khác