Xuất khẩu thuỷ sản vào Ai Cập: không nên “sao nhãng”

19/08/2010

AGROINFO - Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, hiện nay tỷ trọng cá tra nhập khẩu vào Ai Cập giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tôm, cá ngừ, cá cờ, bạch tuộc, ghẹ, nghêu tăng rõ rệt.

 
Tôm VN đang đứng trước cơ hội có thể xuất khẩu mạnh vào thị trường Ai Cập (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Khó khăn về cá tra khiến nhiều nhà nhập khẩu Ai Cập chuyển qua kinh doanh mặt hàng tôm. Nếu 6 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này giảm 2,61% về khối lượng và 8,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái thì mặt hàng tôm lại tăng đến 72,3% về khối lượng và 67% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.

 

Trong thời gian này, Ai Cập chủ yếu nhập khẩu tôm sú sống, tươi, đông lạnh (mã 03), chế biến (mã 16) và tôm chân trắng sống, tươi, đông lạnh (mã 03).

 

Trước đây, Ai Cập nhập khẩu tôm chủ yếu từ Thái Lan. Nhưng hiện nay, nguồn cung này đang suy giảm. Đây là điều kiện thuận lợi để tôm Việt Nam tấn công mạnh sang thị trường này.

 

Theo các nhà kinh tế, trong những năm gần đây, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng không lớn đến Ai Cập. Đất nước này vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định và có thể đạt mức 6,5% trong năm nay. Ngoài ra, đây còn là một thị trường khá lành mạnh về phương thức thanh toán do hệ thống ngân hàng, vận tải, cảng, kho bãi đều có điều kiện khá tốt.

 

Cho đến nay, Ai Cập đang là một nước nhập khẩu thực phẩm lớn, liên tục gia tăng, trong đó thủy sản chiếm tỷ lệ không nhỏ. Ngoài ra, rủi ro trong thanh toán, giao nhận, thủ tục hải quan, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại quốc gia Hồi giáo này không đáng lo ngại.

 

Nhu cầu cá tra vẫn rất lớn

 

Có thể nói, trước năm 2005, rất ít doanh nghiệp thủy sản Việt Nam “đặt chân” lên mảnh đất Ai Cập. Cho tới khi có một cuộc hội thảo quy mô lớn được tổ chức tại Dubai tháng 8/2005 thì người dân Ai Cập mới biết đến cá tra Việt Nam. Đây là sự kiện quảng bá quan trọng cho hàng thủy sản Việt Nam tại quốc gia của người Hồi giáo không ăn thịt heo và ưa chuộng mặt hàng thủy sản. Cũng kể từ thời điểm này, các nước trong khu vực Ảrập bắt đầu nhập khẩu thủy sản từ nước ta với khối lượng lớn dần và tốc độ tăng cao.

 

Từ 70 tấn thủy sản nhập khẩu (năm 2005) tăng lên trên 1.300 tấn (năm 2006), 6.906 tấn (năm 2007). Đến năm 2008, đất nước dân số đông Ai Cập đã vượt UAE và trở thành nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông và Châu Phi.

 

Tuy nhiên, đầu năm 2009, cá tra Việt Nam lại gặp phải trở ngại lớn tại Ai Cập. Tờ báo Al Ahram - tờ báo lớn có lịch sử hơn 100 năm của Ai Cập đã khơi mào nói xấu cá tra Việt Nam bằng lăng kính thiếu khách quan và sai sự thật. Ngày 26/3/2009, Ai Cập dừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sau khi nhận được nhiều thông tin của giới truyền thông Ai Cập về việc thủy sản Việt Nam được nuôi trong điều kiện tù đọng, ô nhiễm.

 

5 ngày sau đó, Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất Ai Cập đã chính thức cải chính tin thất thiệt của báo chí Ai Cập về cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân Ai Cập vẫn còn hoang mang, nghi ngờ về chất lượng cá tra, basa Việt Nam khiến doanh số bán hàng tại đây bị giảm sút.

 

Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, thời gian gần đây, một số nhà nhập khẩu lớn tại Ai Cập như: Bard El Din, Focus… đã giảm đoanh số nhập khẩu cá tra. Một số nhà nhập khẩu than phiền, hiện nay, Công ty El Naser Star đang bán khối lượng lớn cá tra cho các đại lý bán lẻ với giá rất thấp làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của họ. Công ty này mới nhập khẩu thủy sản Việt Nam được 1 năm và có quan hệ làm ăn với các công ty mới và nhỏ không phải là hội viên VASEP. Sự cạnh tranh không lành mạnh này đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của các thương nhân Ai Cập, nhu cầu cá tra tại đất nước này vẫn khá lớn nên các doanh nghiệp không nên “sao nhãng” thị trường này, đồng thời giảm lượng cá tra thịt vàng, tăng cá tra thịt trắng và giá xuất khẩu.

 

Đa dạng hoá sản phẩm

 

Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng: ngoài mặt hàng tôm, hiện nay, thị trường này đang có nhu cầu lớn sản phẩm tôm hùm, bạch tuộc, ghẹ… nhưng nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng đủ các đơn hàng.

 

Đặc biệt, hiện nay, trong các chợ, siêu thị lớn tại Ai Cập, rất nhiều người hỏi thăm mặt hàng cá ngừ, trong khi, nhiều doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam chưa thực sự coi trọng thị trường này.

 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, để phát triển hàng thủy sản tại Ai Cập, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm theo yêu cầu thị trường, chú trọng duy trì phát triển cá tra, cần có một chiến dịch quảng bá về cá tra trên truyền thông nhằm đánh tan dư luận cho rằng cá tra không an toàn. Một biện pháp khác cũng đáng chú ý là tăng tỉ lệ “cá trắng” tại Ai Cập. Đưa loại cá chất lượng cao hơn vào thị trường cũng là cách giúp cho phục hồi uy tín cho cá tra, đồng thời cũng là cách nâng giá bán trên thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại, quản lý chặt chẽ về giá cả và chất lượng.


Phạm Khánh (Theo VOVNEWS)

Tin khác