Với động thái này của Mỹ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị áp mức thuế phải đóng đến 4,22 USD/kg phi lê đông lạnh là rất cao, trong khi thực tế giá bán ở thị trường Mỹ thấp hơn giá chịu thuế.
Chiều 12/9, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có quyết định sơ bộ kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ giai đoạn từ 1/8/2008-31/7/2009. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp bị tăng thuế rất cao.
Theo quy định, DOC xem xét hành chính từng năm và xem xét từng doanh nghiệp để có thể tăng hay giảm mức thuế chống bán phá giá. Trong đợt xem xét lần trước, Việt Nam có thêm 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) và Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (South Vina) được DOC quyết định không bán phá giá sang thị trường Mỹ (mức thuế 0%), 3 doanh nghiệp khác cũng có mức thuế rất thấp (chỉ 0,52%)... đã tạo điều kiện thuận lợi để cá tra Việt Nam xâm nhập mạnh vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, đợt xem xét sơ bộ lần này lại trái ngược, nhiều doanh nghiệp bị áp mức thuế phải đóng đến 4,22 USD/kg phi lê đông lạnh là rất cao, trong khi thực tế giá bán ở thị trường Mỹ thấp hơn giá chịu thuế. Như vậy, các doanh nghiệp lỗ nặng và tình hình xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ rất khó khăn.
PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng: “Mức thuế chống bán phá giá trên là không hợp lý, bởi lần này DOC chọn Philippines - một nước nuôi cá rất ít, chi phí giá thành cao để so sánh với Việt Nam. Trong khi nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL phát triển mạnh, được đầu tư lớn từ nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu… từ đó giảm chi phí giá thành so với những nước khác”.
Trước tình hình trên, VASEP đang phối hợp cùng các bộ ngành liên quan và các doanh nghiệp, yêu cầu DOC xem xét lại mức thuế chống bán phá giá cá tra quá cao tránh ảnh hưởng quan hệ thương mại hai nước.
Theo SGGP