AGROINFO - Chính phủ mới nhậm chức ở Philippines vừa công bố mục tiêu: sẽ tự túc lương thực sau 3 năm nữa. Nghĩa là quốc đảo này không còn phải nhập khẩu gạo với khối lượng lớn như hiện nay.
|
Philippines đang nỗ lực để có thể tự túc được lương thực (Ảnh minh họa - nguồn Internet) |
Từ đầu những năm 1990 đến nay, Philippines thường xuyên phải nhập khẩu khoảng 1/10 lượng lương thực mà người dân nước này tiêu thụ. Năm nay, lượng gạo nhập khẩu lên mức kỷ lục, 2,45 triệu tấn, nhằm bù đắp cho lượng lương thực sụt giảm do một mùa khô hạn bất thường và bão cuối năm ngoái.
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp mới được bổ nhiệm của Philippines, ông Proceso Alcala vẫn hết sức lạc quan. “Trong ba năm nữa chúng ta sẽ không còn nhập khẩu gạo”, ông Alcala nói.
Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Manila cho rằng, tự túc lương thực phụ thuộc vào hai yếu tố chính: gia tăng sản xuất gạo và giảm mức tiêu thụ. Theo nhà nghiên cứu cao cấp Piedad Moya của IRRI, để gia tăng sản lượng gạo, Philippines cần có hệ thống thủy lợi tốt hơn và giống lúa có năng suất cao nhưng giá rẻ hơn. Đây là hai yếu tố mà Philippines bị thiếu trầm trọng.
Theo IRRI, xây dựng và cải tạo hệ thống thủy lợi để gia tăng diện tích đất trồng lúa là yếu tố then chốt. Khoảng 1/4 diện tích trồng lúa của đảo quốc này phụ thuộc vào nước trời, mỗi năm chỉ canh tác được một vụ, thay vì hai vụ như những cánh đồng có nước thủy lợi.
Hiện vẫn chưa rõ chính phủ nước này sẽ lấy đâu ra tiền đầu tư cho ngành nông nghiệp nói chung, cho việc xây dựng và cải tạo hệ thống thủy lợi nói riêng, giữa lúc đang phải chật vật cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách.
Về mặt tiêu thụ, dân số đông (trên 86 triệu người năm 2005) và tốc độ tăng dân số cao (1,92%) là một trở ngại. Philippines sẽ không thể giảm phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu nếu không làm chậm được đà tăng dân số. Tuy nhiên các dự luật về kiểm soát sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình đều rất khó thông qua ở quốc hội do gặp phải sự kháng cự của các nhóm vận động hành lang thuộc Giáo hội Thiên chúa giáo, tôn giáo được đa số người dân Philippines theo.
Ý tưởng thúc đẩy tự túc lương thực được đưa ra ngay đầu nhiệm kỳ của tổng thống Aquino để thúc đẩy hành động, giữa lúc người ta lo ngại sự tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 khi nhiều nước ngưng xuất khẩu gạo, khiến giá lương thực tăng vọt, gây khó khăn cho các nước nhập khẩu nh Philippines.
Phạm Khánh (Theo Straits Times)