VAC với biến đổi khí hậu

24/08/2010

AGROINFO - Theo các chuyên gia, chúng ta có thể “chống lại” ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bằng những giải pháp tưởng như đơn giản nhưng lại có ý nghĩa rất thiết thực như: trồng cây quanh nhà, tái sử dụng và tái chế chất thải, sử dụng nước tiết kiệm,... Mô hình kinh tế VAC với đặc tính ưu việt là tái sinh năng lượng, không có vật thải có thể có đóng góp quan trọng cho “cuộc chiến” này.

 

Có thể khẳng định, mô hình VAC do Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam hình thành khái niệm, tổng kết và phát triển dựa trên những mối quan hệ rất khoa học, đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và đặc biệt rất thân thiện với môi trường. Thực ra, quy trình hoạt động của mô hình khá đơn giản, đầu ra của đối tượng này lại là đầu vào của đối tượng khác. Tùy từng vùng sinh thái, việc mở rộng diện tích vườn cây (V) và rộng ra là trồng rừng có thể giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn, sạt lở đất, ngăn chặn nạn cát bay, cát nhảy hoặc chắn sóng và góp phần tích trữ nước để đào ao nuôi cá (A). Việc chăn nuôi với hệ thống chuồng trại (C) ven bờ có thể tạo nguồn thức ăn cho cá và phân bón cho cây trồng sau khi đã qua xử lý. Và quá trình xử lý chất thải chăn nuôi còn có thể tạo ra khí đốt với hệ thống biogas. Như vậy, nếu áp dụng đúng thì mô hình này sẽ góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Điều đáng ghi nhận là sự vận dụng linh hoạt mô hình này ở từng vùng sinh thái đã cho những kết quả khả quan, được các chuyên gia đánh giá là thân thiện với môi trường, có thể “chống lại” các yếu tố bất lợi của thời tiết. Mô hình VAC trên cát triển khai ở các tỉnh miền Trung là một ví dụ.

HLV Bình Thuận là một trong những đơn vị triển khai rất hiệu quả mô hình này. Xuất phát từ thực tế là nhiều vùng đất trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ sa mạc hóa do khan hiếm nước, HLV tỉnh đã xây dựng mô hình VAC bằng cách đào ao tích trữ nước ngay trên đồi cát, dưới đáy hồ trải bạt để chống thẩm thấu kết hợp thả cá. Xung quanh trồng các loại cây công nghiệp, cây lương thực có khả năng chịu hạn tốt như xoan, dầu rai, trôm, dưa lấy hạt, đậu phộng (lạc),... và xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi. ông Trần Hữu Thái, Chủ tịch HLV tỉnh khẳng định, mô hình nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái bền vững là lựa chọn hợp lý cho những vùng đất cát dọc duyên hải miền Trung và có thể ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu nhờ giải quyết được vấn đề thiếu nước tưới, nước sinh hoạt trong mùa khô, cải tạo đất và môi trường, chống hiện tượng cát bay, cát nhảy...

Cũng là mô hình VAC trên cát nhưng HLV Bình Định lại có cách triển khai khác. Được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (Tổ chức Phát triển Liên Hợp quốc), HLV tỉnh phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ xây dựng mô hình trồng đậu phộng xen mì (sắn) trên chân đất xám bạc màu ở hai xã Cát Hiệp, Cát Lâm của huyện Phù Cát. Kết quả cho thấy, cả hai loại cây trồng này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, mức lãi đạt 32, 4 triệu đồng/ha, cao hơn so với chỉ trồng đậu phộng 10 - 12 triệu đồng /ha. Theo đánh giá, nhờ trồng xen đậu phộng mà cây mì sinh trưởng, phát triển tốt hơn do đất được cải tạo, tơi xốp, giảm xói mòn, rửa trôi, độ ẩm đất được giữ vững. Hay mô hình canh tác mì xen xoài trên đất cát của Hội cũng cho kết quả khả quan. Để thực hiện được mô hình này, người ta chia ra thành nhiều khu, mỗi khu đào một cái ao nhỏ, dưới đáy lót nylon để chứa nước tưới cho sắn và xoài, ngoài ra còn có thể kết hợp nuôi vịt. Đặc biệt, nhờ trồng xen sắn mà mức lãi tăng gấp đôi so với chỉ độc canh cây xoài, đạt 24 triệu đồng /ha.

Trong khi đó, HLV xã Phú Kim (Thạch Thất - Hà Nội) lại có một bước tiến mới trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình VAC theo hướng thân thiện, bền vững với môi trường. Không chỉ là điểm sáng trong việc hình thành các trang trại tổng hợp theo mô hình VAC, các hội viên ở đây còn ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất phân vi sinh từ chất thải của hầm biogas. Sau một thời gian thử nghiệm, đến nay đã có nhiều hộ sản xuất phân vi sinh tại gia đình, góp phần giảm chi phí phân bón khoảng 30.000 đồng /sào Bắc Bộ (360m2). Không những thế, hầu như hội viên HLV nào ở Phú Kim cũng đã xây dựng hầm biogas để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, tiết kiệm chất đốt.

Điều này càng có ý nghĩa hơn khi theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn - CCRD (Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam), bình quân mỗi năm 1 hầm biogas VACVINA cải tiến có thể tích khoảng 7m3 cung cấp 912m3 khí sinh học để thay thế chất đốt truyền thống; góp phần giảm phát thải khí nhà kính với lượng 5, 23 tấn CO2. Được biết, mô hình VAC - biogas kết hợp với làm phân vi sinh đang được nhiều đơn vị Hội triển khai, trong đó HLV và Trang trại Thanh Hóa là một trong những nơi đi đầu.

Mô hình kinh tế VAC với khả năng biến hóa cho phù hợp với từng vùng sinh thái, dễ làm lại cho hiệu quả cao cần được hỗ trợ nhân rộng vì đó là một trong những giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn nước, hạn chế những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.


Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)

Tin khác