Xây dựng nông thôn mới từ thực tiễn ở Hải Dương

24/08/2010

AGROINFO - Hải Dương là tỉnh sớm có phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Tháng 6/2007, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Đề án xây dựng quy hoạch phát triển NTM trên địa bàn. Ngay sau đó, tỉnh đã tiến hành phát động phong trào xây dựng NTM về: hạ tầng điện, đường, trường, trạm, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; hoàn thành dồn điền đổi thửa...

 
Nụ cười mùa thu hoạch (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Tỉnh hiện đang hướng tới mục tiêu, giá trị mới là: làng, xã văn minh, sạch đẹp; hạ tầng cơ sở được cải thiện đồng bộ; cộng đồng dân cư phát triển hài hòa; giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống; chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng cao.

* Những mô hình xã “điểm”

Ở Hải Dương, khi bàn về xây dựng NTM, nhiều người thường nhắc đến xã Nhân Quyền (huyện Bình Giang) - một địa phương không có nhiều thuận lợi như các xã thuần nông vùng đồng bằng sông Hồng bởi người đông, đất chật - diện tích đất canh tác bình quân của Nhân Quyền chỉ khoảng 600 m2/người, thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với bước đi đúng, sáng tạo, vùng quê này đang "thay da, đổi thịt". 10 năm gần đây, xã đã chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang. Điều quan trọng là khi xây dựng các công trình NTM, Nhân Quyền thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ. Người dân trực tiếp tham gia, kiểm tra, giám sát việc xây dựng các công trình phúc lợi. Vì thế, nhiều năm qua, xã luôn chủ động nguồn vốn trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến nay, xã có hệ thống trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; mọi con đường liên xã, liên thôn, ngõ, xóm được bê tông hóa; cơ bản "cứng hóa" đường giao thông nội đồng và hàng chục km hệ thống kênh mương. Cả 4 thôn trong xã đều là Làng văn hóa; có nhà văn hóa, tổ thu gom vệ sinh…

Xã Tân Kỳ (huyện Tứ Kỳ) bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2003. Năm 2005, tỉnh Hải Dương đã chọn Tân Kỳ chính thức được chọn làm điểm xây dựng NTM. Ngay sau đó, xã tiến hành xây dựng đồ án chi tiết quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2020. Trong đó, tập trung ở các hạng mục quy hoạch sử dụng đất, hệ thống điện - giao thông, định hướng cấp, thoát nước, xây dựng trung tâm xã, cảnh quan môi trường… Với cách làm bài bản, khoa học, đến nay Tân Kỳ đã thực hiện được nhiều mục tiêu của dự án về xây dựng NTM, đối chiếu với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM thì Tân Kỳ đã đạt được khoảng 90% các chỉ tiêu. Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất ở Tân Kỳ một mô hình nông thôn mới đang hiện lên ngày càng rõ nét: Những con đường được trải bêtông thẳng tắp; nhiều công trình công cộng to đẹp, nhà dân khang trang; hệ thống khu sân chơi, bãi tập được đầu tư hàng trăm triệu đồng, là địa điểm sinh hoạt của cộng đồng. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%; gần 80% các gia đình có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh; gần 100% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và bêtông hóa. Đặc biệt, tình hình an ninh, trật tự, tình làng nghĩa xóm ngày càng được củng cố, bền chặt.

* Khó khăn và hướng khắc phục, tiếp tục xây dựng nông thôn mới

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, về quy hoạch phát triển NTM đa số các xã đã xây dựng Quy hoạch đạt yêu cầu về sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trong đó có 67/234 xã đạt yêu cầu, 146 xã có quy hoạch nhưng cần bổ sung điều chỉnh và chỉ có 21 xã chưa xây dựng quy hoạch (chiếm 8,9%); Quy hoạch phát triển hệ thống kinh tế - xã hội, môi truờng đã có 114 xã đạt yêu cầu, 120 xã đang triển khai xây dựng và hoàn thiện; Quy hoạch phát triển mới và chỉnh trang các khu dân cư, đến nay đã có 47 xã đạt yêu cầu, 94 xã đang thực hiện và 93 xã chưa xây dựng.

Về xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phong trào làm đường giao thông nông thôn của Hải Dương đã phát triển mạnh và rộng khắp, với hơn 747 km đường giao thông đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 55%; tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 76%; tỷ lệ km đường ngõ xóm sạch và không lầy lội múa mưa đã cứng hóa đạt hơn 65%; tỷ lệ km đường trục nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt gần 30%. Các công trình thuỷ lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh cũng đã xây dựng đề án và triển khai kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình NTM ở 12 xã thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo bộ tiêu chí Quốc gia về NTM.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song trong xây dựng NTM Hải Dương vẫn gặp nhiều khó khăn như: Công tác quy hoạch xây dựng còn chậm, chất lượng quy hoạch thấp, chưa phối hợp tốt giữa các ngành chức năng, các địa phương. Ngay cả những xã đã có quy hoạch được phê duyệt thì chất lượng quy hoạch thấp, sớm bị lạc hậu. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về việc lập và thực hiện quy hoạch vẫn nặng tính bảo thủ, thiếu tầm nhìn, vì thế không có tính tổng thể; thiếu sự kết hợp hài hòa giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch khu trung tâm, hạ tầng kinh tế - xã hội, khu sản xuất tập trung, khu thương mại, dịch vụ...

Theo ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Hải Dương: Mục tiêu đến năm 2020, sẽ xây dựng nông thôn Hải Dương có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững; nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng và đạt 19 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Cụ thể, phấn đấu đến hết năm 2012 có 12 hoàn thành thí điểm xã xây dựng mô hình NTM; đến năm 2015 có 20% số xã được công nhận NTM và năm 2020 là 50% số xã.

Để xây dựng NTM đạt kết quả tốt, tỉnh Hải Dương yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch NTM. Tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tập trung làm tốt các bước, nội dung lập quy hoạch, xây dựng hồ sơ quy hoạch, phối hợp tốt với các địa phương lập quy hoạch trung tâm xã, định hướng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn xã theo hướng ổn định và phát triển lâu dài. Các huyện, thành phố, thị xã rà soát, thống kê thực trạng công tác quy hoạch nông thôn trình UBND tỉnh tổng hợp, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch NTM đúng yêu cầu Chính phủ vào quý III/2011.

Phạm Khánh (Theo TTXVN)

Tin khác