Tín dụng khu vực nông nghiệp - nông thôn: Nhu cầu lớn, ngại rủi ro

13/08/2010

AGROINFO - Khuyến khích hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho vay ở khu vực nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, lĩnh vực được đánh giá là đang "khát vốn" này lại là "vùng đất lạnh" của nhiều ngân hàng nhỏ bởi nhiều lý do: ít lợi nhuận, chi phícao, rủi ro lớn...

 
Nông dân cần vốn nhưng một số ngân hàng còn cần...cân nhắc lợi nhuận, rủi ro (Hình minh họa)

Nhiều ngân hàng lớn quan tâm

 

Tại Đồng Nai, các ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng Đại Á vốn được xem là hạt nhân trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp - nông thôn lâu nay. Tính đến thời điểm này, dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn của Agribank Đồng Nai đã đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của chi nhánh. Trong số đó, cho vay không cần tài sản thế chấp đạt hơn 730 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn. Đây là ngân hàng cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn mạnh nhất tại Đồng Nai. Tiếp đến là các ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ đạt gần 1.300 tỷ đồng, ngân hàng Đại Á với dư nợ trên 1.000 tỷ đồng.

 

Ông Nguyễn Huy Trinh, Phó giám đốc phụ trách Agribank Đồng Nai, nói: "Lợi thế của Agribank là mạng lưới giao dịch phân bố rộng và am hiểu thị trường nông thôn, do đó trong nhiều năm qua, chúng tôi xác định đây là thị trường truyền thống chiến lược của mình. Cũng phải thừa nhận, cho vay lĩnh vực này rất khó cân đối lợi nhuận bởi nguồn vốn cho vay lấy từ nguồn vốn huy động bình thường với lãi suất cạnh tranh lên đến 11,2 %, trong khi cho vay nông nghiệp - nông thôn lãi suất chỉ ở 12,5%/ năm".

 

Thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho thấy, thị trường này đang được khá nhiều ngân hàng thương mại lớn quan tâm đến, như: ngân hàng Công thương Đồng Nai (Vietinbank), ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)...

 

Một số ngân hàng khác cũng đang đẩy mạnh cho vay ở nội dung này với nhiều ưu đãi, như Sài Gòn Công thương cho vay các dự án tài chính nông thôn từ nguồn vốn của ngân hàng Thế giới dành cho các dự án đầu tư chuồng trại, phát triển sản xuất... Hoặc Vietinbank Đồng Nai với "lời rao" giảm 1,5% lãi suất vay ngắn hạn thông thường cho các đối tượng cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã... hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

 

Tính đến thời điểm này, Đồng Nai đã có gần khoảng trên 10 ngân hàng và quỹ tín dụng trong tổng số hơn 40 ngân hàng và tổ chức tín dụng trong tỉnh tham gia thị trường tín dụng nông nghiệp - nông thôn với dư nợ trên 7.500 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ trên địa bàn.

 

Ngân hàng nhỏ khó "ló" tới

 

"Sân chơi" tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn giờ không còn dành riêng cho các ngân hàng thương mại nhà nước có nguồn vốn lớn, song dù là ở nhóm nào, vào thời điểm hiện nay, cho vay nông nghiệp - nông thôn đòi hỏi các NHTM phải có sự tính toán chặt chẽ hơn bởi ngoài yếu tố rủi ro cao, nhóm khách hàng này hiện đang hưởng lãi suất ưu đãi gần như thấp nhất trên thị trường. Không chỉ có vậy, khu vực tín dụng này còn khá bấp bênh, trải rộng với những món vay nhỏ lẻ, có khi chỉ 3 - 5 triệu đồng, trong khi rủi ro từ mùa vụ và thị trường nông sản luôn "rập rình" nên tín dụng nông nghiệp - nông thôn đến thời điểm này vẫn chưa thu hút các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, có chính sách cho vay nhanh chóng và năng động. Tham gia thị trường này đa số là các ngân hàng thương mại nhà nước có nguồn vốn mạnh và một vài ngân hàng thương mại cổ phần khá lớn, còn hầu như các ngân hàng nhỏ chưa "ló" đến thị trường này. Hiện tại, chỉ có một số ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh như Đại Tín, Việt Á, Quốc Tế, Phương Đông... tham gia thị trường nông nghiệp - nông thôn, song dư nợ chưa nhiều.

 

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.Biên Hòa cho biết: "Chúng tôi cũng muốn tham gia thị trường này, song rất khó cân đối lợi nhuận vì phải huy động lãi suất cao để cạnh tranh, trong khi cho vay khu vực này cần áp dụng lãi suất ưu đãi. Mặt khác, các rủi ro về mùa vụ, giá cả nông sản cũng là một rào cản khó vượt qua". Lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác cũng nhận xét, ngoài vấn đề vốn thì mạng lưới chưa phủ rộng đến các địa bàn nông thôn cũng khiến các ngân hàng nhỏ e ngại thị trường này. "Với các món vay quá nhỏ, lãi thấp thì riêng việc cử nhân viên đi thẩm định hay lấy nợ trên những địa bàn nông thôn rộng lớn cũng là một khó khăn" - lãnh đạo ngân hàng này cho biết.

 


Phạm Khánh (Theo Báo Đồng Nai)

Tin khác