Khai thác mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới

01/10/2010

Tính đến nay, cả nước có hơn 900 xã đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít vướng mắc, khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là làm thế nào để huy động được các nguồn vốn, tránh ỷ lại Nhà nước.

Băn khoăn thiếu vốn

Được đánh giá là có quy mô lớn và toàn diện, lần đầu tiên thực hiện trên quy mô cả nước, Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai, thực hiện mạnh mẽ tại nhiều địa phương, với mục tiêu nông thôn mới sẽ phải có kết cấu hạ tầng hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao...

 
 Xây dựng nông thôn mới phải gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, Chương trình đã nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn như làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa trong khi trình độ sản xuất của bà con còn lạc hậu; khả năng tiếp cận thị trường, nhận thức của người dân, một bộ phận cán bộ cấp xã còn hạn chế... Đặc biệt, huy động vốn là vấn đề khó khăn nhất bởi để xây dựng được xã đạt chuẩn nông thôn mới thì kinh phí đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo ông Trịnh Duy Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Hà Nội đang xây dựng mô hình xã điểm nông thôn mới ở Thụy Hương (Chương Mỹ), ước tính tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 105 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 71 tỷ đồng. Theo tính toán, tại Thụy Hương, trung bình mỗi lao động phải đóng góp 2,5 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới nhưng chủ yếu bằng ngày công, vật tư, hàng hoá.

Trong khi đó, ông Trần Minh Kỳ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lo lắng: “Đến nay, chúng tôi mới huy động được 27 tỷ đồng để đầu tư vào xã Gia Phố (Hương Khê), trong đó ngân sách tỉnh chỉ được 1,4 tỷ đồng. Khi triển khai đại trà cho 626 xọ, phường, thị trấn, sẽ không biết lấy vốn ở đâu”.

Thừa nhận những bất cập này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình Hồ Xuân Hùng phân tích: “Trong cơ cấu vốn thì 40% từ ngân sách Nhà nước, bao gồm 2 khoản. Khoản 1 là các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình có mục tiêu trên địa bàn nông thôn chiếm 23%. Ví dụ, chương trình xây dựng trạm y tế, trường học, đường nông thôn... Đây là những khoản mà nếu không xây dựng nông thôn mới, chúng ta vẫn phải làm. Khoản 2 xuất phát từ yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Nhà nước bổ sung hỗ trợ thêm 17% cho 8 nhóm như nước sạch môi trường, đường liên thôn, xóm, giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương..., trong đó có 8 công trình Nhà nước hỗ trợ, 7 công trình Nhà nước đầu tư 100% vốn”.

Tránh ỷ lại

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngoài số vốn Nhà nước hỗ trợ thì các địa phương lấy đâu ra nguồn kinh phí để đảm bảo tự túc tới 60%?

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về xây dựng nông thôn mới và những vấn đề đặt ra do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức mới đây, ông Hùng cho biết, trong tổng số 60% vốn các địa phương phải huy động có tới 30% vay ngân hàng; 20% do doanh nghiệp đầu tư, 10% còn lại huy động từ sự đóng góp của dân. Trước hết, họ tự bỏ tiền ra để chỉnh trang các công trình, đầu tư sản xuất trên chính mảnh đất của họ. Cũng có nơi huy động ngày công, có nơi hiến đất hoặc đóng tiền.

“Trong Nghị quyết Trung ương 7 có nói rõ vai trò chủ thể của nông dân. Nói một cách khái quát, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, thay vì khẩu hiệu mà chúng ta đang thực hiện hiện nay là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đặc biệt, đây là chương trình được thực hiện trên cơ sở có sự đầu tư của Nhà nước và sự phát huy nội lực của địa phương”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, để tạo điều kiện cho Chương trình được triển khai thuận lợi tại các vùng nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để giúp nông dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đáng chú ý là Nghị định 61/2010/NĐ-CP thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng hiện mới có 1,63% doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Bản thân các địa phương cũng chưa tạo điều kiện thu hút lực lượng doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quỹ tín dụng cho nông dân vay để đầu tư phát triển kinh tế cùng một số chính sách khác cho người nghèo như nhà ở xã hội. Đặc biệt, nơi nào có thể khai thác quỹ đất thì có thể đấu giá, cho phép để lại 70% giá trị để tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Dĩ nhiên phải chú ý phòng tránh việc lợi dụng để bán đất.

Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, có nhiều nguồn huy động vốn ngoài vốn ngân sách như từ vốn tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã, từ các tổ chức khác và cuối cùng là vốn đóng góp của người dân. Nếu biết khai thác, huy động tốt thì người dân sẵn sàng đóng góp.

“Nhưng cần nhấn mạnh một điều là tránh tư tưởng ỷ lại, bởi nhiều nơi người dân vẫn chờ đợi ngân sách Trung ương hỗ trợ. Chẳng hạn làm một con đường nhỏ, nhiều nơi chỉ chờ đợi nguồn vốn từ bên trên, trong khi họ cũng có thể đóng góp một phần công sức”, ông Lượng nói.

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài, vì vậy các địa phương phải biết huy động mọi nguồn lực, có như thế mới đáp ứng được yêu cầu và đảm bảo thành công.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác