Cây trồng biến đổi gen: Có thể giúp nông nghiệp vượt qua biến đổi khí hậu

01/10/2010

Sáng qua 30/9, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng với Đại sứ quán Mỹ tổ chức Hội thảo: "Công nghệ sinh học - Hướng phát triển cho tương lai".

Tại hội thảo, Bà Virginia Palmer, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định: Công nghệ sinh học là yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển. Trên thế giới từ năm 1996, công nghệ sinh học đã được triển khai và dần dần khẳng định được tầm quan trọng trong đời sống và sản xuất nông nghiệp. Cũng theo bà Virginia Palmer, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm GDP của Việt Nam bị cắt giảm từ 10 - 25% nhưng công nghệ sinh học có thể giúp Việt Nam giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bằng cách đưa ra các giống cây trồng mới bảo vệ môi trường, chịu hạn… Bên cạnh đó, hàng hóa sử dụng công nghệ sinh học sẽ góp phần giúp Việt Nam ổn định giá thực phẩm.

 
 Ngô biến đổi gene

Theo ông Nguyễn Lân Hùng, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm sinh học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), sử dụng cây biến đổi gen cho hiệu quả rất cao, cây lớn nhanh, chi phí thấp. Ví dụ, Ngô BT đưa vào chống được sâu bệnh, giảm chi phí đến một nửa mà năng suất lại tăng gấp đôi mà người sử dụng lại hoàn toàn yên tâm. Vì thế, Việt Nam nên sử dụng cây trồng biến đổi gen để khống chế được tác hại của sâu bệnh trước hết là trên bông và các cây lâm nghiệp, sau đó các cây làm thức ăn gia súc... Đây là một thành tựu mà chúng ta không nên "quay lưng". Tuy nhiên, chúng ta phải làm từng bước và thận trọng. Lương thực biến đổi gen sẽ tạo đòn bẩy cho nông nghiệp trong việc nâng cao năng suất và nâng cao thu nhập cho dân.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Vụ Hè Thu 2010 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã thử nghiệm một số loại ngô kháng sâu tại Bà Rịa Vũng Tàu và Hưng Yên. Kết quả cho thấy ngô biến đổi gen có hiệu quả rõ rệt và có hướng phát triển đại trà loại cây trồng biến đổi gen tại VN. Trong năm 2010, chúng ta đã đối mặt với hạn hán, nắng nóng trong khi lượng mưa rất ít nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất vụ Đông Xuân sắp tới. Khắc phục tình trạng này,Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các đơn vị trong Bộ tiến hành khảo nghiệm, đánh giá tính rủi ro của các giống ngô biến đổi gen để tổ chức triển khai vào năm 2011".

Theo Thiên Tú (KTĐT)


Tin khác