Doanh nghiệp đầu tư vào gạo thương hiệu

13/08/2010

AGROINFO - Gạo thương hiệu có thể xuất 760-800 USD/tấn, trong khi gạo cấp thấp bán trầy trật mới được 320-330 USD/tấn. Xuất khẩu gạo cấp thấp, giá rẻ từng được coi là thế mạnh của Việt Nam. Nhưng gần đây, thế mạnh đó ngày càng yếu đi khi một số thị trường đổi qua nhập gạo chất lượng cao. Nếu nhà nước và doanh nghiệp không nhanh chóng đầu tư vùng nguyên liệu gạo chất lượng cao, thay đổi phương thức kinh doanh sẽ hụt hơi. Thị trường đổi chiều

Trước đây, gạo cấp thấp, giá rẻ của Việt Nam chủ yếu xuất qua Philippines, Cuba, châu Phi... Tuy nhiên, điều đó đến nay đã có sự thay đổi khi Philippines - nước nhập gạo lớn nhất thế giới, chủ yếu là gạo cấp thấp tuyên bố ngừng nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp đánh giá với lượng nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn/năm từ Việt Nam thì việc nước này ngừng nhập sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Đối với châu Phi, theo nhiều doanh nghiệp, trước đây do phụ thuộc viện trợ của các tổ chức nhân đạo nên chỉ mua gạo thường 25% tấm nhưng nay lại chuyển sang nhập khẩu gạo ngon 5% tấm.

Trong báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tỉ trọng xuất khẩu gạo cấp cao tăng hơn so với những năm trước. Ngược lại, thị trường gạo cấp thấp ngày càng bị co lại. Hiện tại với gạo cấp thấp, chỉ có thêm thị trường Bangladesh là khá tiềm năng mà doanh nghiệp trong nước đang hướng vào.

Ngoài việc bị thu hẹp thì thị trường gạo cấp thấp của Việt Nam còn bị nhiều nước cạnh tranh gay gắt, tiêu biểu là Pakistan. Doanh nghiệp Việt Nam giờ không giữ được vị thế độc quyền cung cấp gạo cấp thấp, giá rẻ nữa.

 
Các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu gạo khi tỉ trọng xuất khẩu gạo cấp cao ngày càng tăng

Gạo thương hiệu giá cao

Theo ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM (Foocoso), xuất gạo cao cấp mang giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với gạo cấp thấp. Ví dụ như gạo Hương lài sau khi chế biến có thể xuất khẩu 760-800 USD/tấn, trong khi gạo cấp thấp bán trầy trật mới được 320-330 USD/tấn. Vì vậy, Foocoso cũng đã tiến hành chuyển đổi tỉ trọng xuất khẩu tập trung vào gạo thơm, gạo cao cấp như Jasmine, Hương lài... tại những thị trường như Singapore, Hong Kong, các nước châu Âu.

Liên quan đến vấn đề chất lượng gạo, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, kể câu chuyện: Năm 2004, Việt Nam xuất khẩu được trên 100.000 tấn gạo thơm với giá 360-380 USD/tấn, cao hơn gạo không có thương hiệu trên 100 USD/tấn. Thấy hiệu quả cao, năm 2005, nông dân đã đổ xô trồng gạo thơm nhưng do không có sự quản lý nên chất lượng gạo bị pha tạp nhiều giống khác nhau. Hậu quả, khách hàng từ chối không mua.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết gạo Việt Nam chất lượng thấp và thiếu thương hiệu mạnh do còn thiếu một nhạc trưởng trong khâu sản xuất, quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao. Nói cách khác, lúa gạo hiện giờ thả nổi cho nông dân, ai muốn trồng gì thì trồng, ai muốn mua gì thì mua mà không có tổ chức.

Sản xuất theo đặt hàng

Nhận thức được giá trị của xuất khẩu gạo cấp cao nên một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư vùng nguyên liệu và cố gắng xây dựng thương hiệu gạo. Có thể kể đến Công ty Minh Cát Tấn thương hiệu gạo Kim kê; Công ty Lương thực Long An với gạo Nàng thơm Chợ Đào; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thương nghiệp Thốt Nốt (Gentraco) với thương hiệu gạo thơm Ngọc Đồng; Công ty ADC (Tiền Giang) phối hợp với Hợp tác xã Mỹ Thành xây dựng nên thương hiệu gạo Tứ quý nổi tiếng...

Vừa qua, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã có cuộc gặp với lãnh đạo một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhằm triển khai xây dựng vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao xuất khẩu. Các bên thỏa thuận xác định giống lúa xuất khẩu cho từng tỉnh, 1-2 giống chủ lực chất lượng cao. Ngay vụ đông xuân tới sẽ xây dựng mô hình vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 500-1.000 ha; sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Đổi lại, Vinafood 2 cùng với công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung cấp cho người trồng lúa vật tư nông nghiệp với giá rẻ hơn thị trường và chất lượng đảm bảo. Các đơn vị thành viên của Vinafood 2 ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ lúa hàng hóa sản xuất ra với giá cao hơn thị trường, đảm bảo người trồng lúa có lời.

 




Phạm Khánh (Theo Báo Pháp Luật TPHCM)

Tin khác