AGROINFO - Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tại khu vực nông thôn đã và đang được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, nhằm xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động ở khu vực này.
|
Sản xuất gạch tại Nhà máy Cotto Quảng Ninh |
Với phương hướng phát triển công nghiệp nông thôn gắn với xây dựng một nền sản xuất có chất lượng cao. Đến nay về cơ bản công nghiệp nông thôn ở Quảng Ninh đã phát huy được lợi thế của vùng nguyên liệu lớn với lực lượng lao động dồi dào. Hiện, trên toàn địa bàn tỉnh đã có hơn 10 cụm, điểm công nghiệp và 10 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Hàng năm giá trị sản xuất CN trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ trọng trên 50% và tăng bình quân 20,1%/năm. Trong 7 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất CN địa phương đạt 2.651 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 45.000 lao động, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh từ 7,4% hộ nghèo cuối năm 2007 xuống còn 4,2% hộ nghèo. Các địa phương đạt khá như: Đông Triều, Yên Hưng, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái.
Kết quả trên khẳng định những bước đi thích hợp của ngành Công nghiệp Quảng Ninh với sự chỉ đạo điều hành linh hoạt của các cấp ngành, địa phương. Với CN địa phương đã được định hướng phát triển theo hướng hiện đại, có bước đi thích hợp từ thấp đến cao, coi trọng cả tiểu thủ công nghiệp ngành nghề và công nghiệp có quy mô lớn. Đặc biệt ưu tiên phát triển các nghề như cơ khí nông nghiệp nông thôn, các nghề sử dụng nhiều lao động, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, có lợi thế cạnh tranh, nghề truyền thống... Đồng thời, bố trí các cơ sở công nghiệp có quy mô nhỏ tại các điểm lân cận làm vệ tinh và hành lang cung ứng nguyên liệu cho cơ sở công nghiệp vừa và lớn theo quy hoạch thống nhất; đẩy mạnh các hình thức gia công như gia công công nghiệp, gia công thương mại, gia công gia đình và tập trung phát triển các nhóm ngành nghề vật liệu xây dựng thông thường, nghề cơ khí, kim khí, điện nông thôn, chế biến hải sản, đồ uống. Mặt khác, chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng và hoàn chỉnh các dự án: “Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2005-2015, tầm nhìn 2020”; “Quy hoạch phát triển điện lực Quảng Ninh giai đoạn 2005-2015”; “Đề án phát triển công nghiệp và ngành nghề nông thôn Quảng Ninh giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn 2020”; Quy hoạch phát triển làng nghề TTCN Quảng Ninh giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn 2020”.
Một trong những chương trình trọng điểm đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện đó là tập trung xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, xúc tiến thương mại “đi tắt đón đầu” đối với khu vực công nghiệp nông thôn để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí Phạm Quang Thái, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trước sức ép cạnh tranh và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, công nghiệp nông thôn vẫn thể hiện một gam màu sáng trong bức tranh tổng thể của công nghiệp Quảng Ninh. Đặc biệt thành công lớn nhất là đã xoá được các “vùng trắng” về công nghiệp tại địa bàn các huyện Bình Liêu, Cô Tô, Ba Chẽ…”. Đồng chí Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm, để tiếp sức cho công nghiệp nông thôn tiếp tục phát triển tỉnh đã thực hiện quy hoạch 5 vùng nguyên liệu ở Hoành Bồ, Vân Đồn, Cẩm Phả đến 2010 có thể khai thác 80.000 m3 gỗ; 8.000 tấn nhựa thông, 30 triệu cây tre nứa, hàng chục nghìn tấn song mây. Đồng thời phát triển ngành nghề mới, phát huy nghề truyền thống và thực hiện thu hút các doanh nghiệp hoạt động công nghiệp về vùng nông thôn.
Có thể thấy rằng, kết quả đạt được của công nghiệp nông thôn trong nhiều năm qua mặc dù đã góp phần vào quá trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, nhưng trên thực tế, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Như vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2006-2015, định hướng 2020, để nâng tỷ trọng công nghiệp nông thôn và thực hiện thành công CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn sẽ còn nhiều thách thức. Giải quyết vấn đề này cần có sự cố gắng của các huyện thị, thành phố và các sở ngành liên quan tạo “cú hích” về môi trường đầu tư, về sự bao tiêu sản phẩm và đặc biệt phát huy tốt vai trò của công tác khuyến công.
Phạm Khánh (Theo Báo Quảng Ninh)