Quảng Ninh: Tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông thôn

13/08/2010

AGROINFO - Quảng Ninh là một trong những tỉnh có nhiều lợi thế phát triển kinh tế công nghiệp nhất là đối với nền sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn.

Theo khảo sát của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 mỏ đá vôi với trữ lượng 2 tỷ tấn; đá xây dựng phân bố rộng khắp nhất là đá ốp lát có giá trị lớn ở Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái, Bình Liêu với trữ lượng hơn 1 tỷ tấn. Đồng thời còn có các mỏ sét làm nguyên liệu cho xi măng, gạch chịu lửa, ngạch ngói nung với trữ lượng 300 triệu tấn. Bên cạnh đó còn có lợi thế về công nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu thuyền gắn liền với ngành nghề truyền thống và các khu vực sản xuất cơ khí phục vụ cho sản xuất nông - lâm, chế biến... Tuy nhiên cũng theo đánh giá của Sở Công Thương, tiềm năng để phát triển công nghiệp khu vực nông thôn là rất lớn nhưng chưa được phát huy. Điều đó thể hiện ở tỷ trọng công nghiệp tại các khu vực nông thôn trên địa bàn chiếm rất nhỏ với khoảng 10% tổng giá trị toàn ngành công nghiệp Quảng Ninh. Trong khi định hướng của tỉnh đến 2015 và tiến đến năm 2020, công nghiệp địa phương phải là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ trọng từ 20-30%.

Để đạt được mục tiêu trên và tìm hướng đột phá phát triển công nghiệp nông thôn, trong thời gian tới, Quảng Ninh đã xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể trên cơ sở tập trung thực hiện nhiều giải pháp, chính sách để đẩy mạnh quá trình phát triển công nghiệp nông thôn tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Theo đó, sẽ triển khai mạnh các giải pháp đồng bộ thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; tổ chức sản xuất, duy trì và phát triển sản xuất ở các làng nghề. Nâng cao chất lượng việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; tăng cường xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cùng các chính sách xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ.

Trong số các giải pháp trên thì giải pháp tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn được xem là tiền đề để tạo sự đột phá cho phát triển. Do đó, tỉnh sẽ tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương trong việc xây dựng, mở rộng các trục giao thông chính, nguồn và lưới điện, cấp thoát nước. Ngoài ra, việc liên kết đầu tư phát triển vùng và giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng được các tỉnh chú trọng, nhằm phát triển mạnh những ngành, lĩnh vực mà các tỉnh, thành có lợi thế trên cơ sở quy hoạch đồng bộ từ phát triển kinh tế - xã hội đến các quy hoạch ngành, các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương. Đặc biệt với việc xác định mô hình phát triển công nghiệp địa phương phù hợp nhất là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề truyền thống, do đó tỉnh đã và đang định hình theo hướng phát triển này. Hiện, toàn tỉnh có 11 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 4 KCN đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư; có 11 cụm công nghiệp và hơn 10 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Mục tiêu đến năm 2020, dự kiến trên địa bàn tỉnh sẽ có 42 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.425,6ha, bình quân gần 34ha đất/cụm. Theo định hướng này, tỉnh sẽ tập trung rà soát quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp nhằm thực hiện quản lý chặt chẽ, đồng thời thực hiện chính sách phù hợp để phát triển hiệu quả hơn. Cụ thể, cùng với các địa phương hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuê đất, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, đáp ứng yêu cầu cho nhà đầu tư, nhằm giải quyết bài toán vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm áp lực vốn từ nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng lớn, có tiềm lực đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn; xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp thuê đất trong cụm công nghiệp. Mặt khác, tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các cụm công nghiệp, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, tăng cường công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong các cụm công nghiệp, nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành công nghiệp trên địa bàn trong lĩnh vực quản lý và phát triển cụm công nghiệp.


Phạm Khánh (Theo Báo Quảng Ninh)

Tin khác