Hải Phòng: Áp dụng khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp - Nông dân... ngại

13/08/2010

AGROINFO - Những lớp tập huấn lèo tèo, học viên không ghi chép, ngồi ngáp vặt, đến cuối giờ “ngót người”, ra khỏi lớp tập huấn là kiến thức bay hết. Đây không còn là hình ảnh cá biệt ở một vài địa phương mà ngày càng phổ biến…

Không mấy thiết tha với tập huấn

Cán bộ Sở Nông nghiệp- PTNT thành phố, cán bộ Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư quốc gia đều phàn nàn về việc mở lớp tập huấn trồng giống ngô mới rất ít học sinh, khoảng 25-30 người, trong khi dự định tổ chức lớp quy mô hơn 150 người. Chị Nguyễn Thị Nghĩa, Phó phòng trồng trọt, lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) cũng cho biết: “Rất khó mời nông dân đến các lớp tập huấn, đây là “chuyện thường ở huyện”.

 
Nông dân xã Đại Thắng (Tiên Lãng) áp dụng công nghệ gieo sạ lúa.                                                                                                      

Bà Phạm Thị Cằng, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng hồ hởi với chương trình thành phố hỗ trợ giống lúa lai VL 20 cho nông dân gieo cấy trà lúa mùa sớm. Nhưng đến khâu tập huấn kỹ thuật gieo cấy cho nông dân tại các huyện thì doanh nghiệp thực sự méo mặt vì lo kinh phí hỗ trợ 10 nghìn đồng cho một nông dân đi học. Bà Cằng khẳng định: “Hình như đã thành “luật bất thành văn”, cứ mở lớp tập huấn là phải có hỗ trợ kinh phí cho nông dân. Thậm chí tại những địa phương được doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ giống lúa cũng như vậy. Nhiều khi doanh nghiệp thấy nản vì mình đưa giống lúa mới, kỹ thuật mới cho nông dân mà bà con không mấy thiết tha, chỉ ngóng hỗ trợ”. Cán bộ tập huấn kỹ thuật của Công ty Cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao cho biết: “Tại khá nhiều lớp tập huấn, thường xuyên có tình trạng ngót người. Bà con đi học nhưng không ghi chép, không đặt câu hỏi, cán bộ cứ giảng một lèo là xong. Có khi một lớp chỉ tập huấn khoảng 45 phút là kết thúc. Bà con chỉ hồ hởi khi được nhận kinh phí hỗ trợ đầu giờ hoặc cuối giờ”.

Ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư băn khoăn: “Có sự khác biệt vùng miền về thái độ học tập của nông dân. Khi tôi vào công tác trong một số tỉnh phía Nam, thấy họ ùn ùn đến lớp tập huấn kỹ thuật mới. Có diễn đàn đông tới 1.100 người, mặc dù giấy mời phát ra chỉ 300-500 người. Nông dân trong ấy có khi tự chạy xe, đi đò kéo nhau đến hỏi các nhà khoa học, xin các tư liệu tập huấn, nghiền ngẫm các tiến bộ mới, xem các mô hình hay. Ngược lại, ở ngoài Bắc, tổ chức diễn đàn lớn nhất cũng chỉ cỡ 300 người, còn trung bình 200 người, có đợt chỉ lèo tèo chưa đầy 100 người, dù là mời khá nhiều. Bản thân người nông dân ở địa phương mình không tham gia nhiệt tình, đến ít, không say sưa đặt nhiều câu hỏi. Số người ghi chép chăm chú, đặt câu hỏi chỉ cỡ 10%, tối đa 20%. Khá nhiều nông dân cứ ngồi tham gia như cho có mặt vậy”.

Cái mới khó vào

Lý giải tình trạng vì sao ngại đi tập huấn kỹ thuật mới, chị Phạm Thị Ản, nông dân xã Hùng Thằng (Tiên Lãng) cho biết: “Chưa bao giờ tôi đi tập huấn dù có 6 sào ruộng. Cả nhà có sống được bằng nông nghiệp đâu, chồng tôi và hai con đều ra thành phố làm thuê. Thiếu lao động, ruộng chẳng thiết cấy, phải cho người ta mượn bớt, sức đâu mà áp dụng khoa học kỹ thuật mới”. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nông dân khác. Anh Phạm Đình Luyn, nông dân thôn Cẩm Hoàn, xã Thanh Sơn (Kiến Thụy) khẳng định: “Ruộng phân tán, manh mún quá nên chẳng thể làm gì ngoài cấy lúa. Mà kỹ thuật làm ruộng thì bao đời nay vẫn thế, làm sao phải học, nông dân nào mà chẳng biết làm.

Nhiều nhà khoa học, cán bộ địa phương khẳng định: Nguyên nhân của tình trạng nông dân ngại học tập huấn, ngại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là do nông dân hiện rất khó sống bằng nghề nông, vì tư liệu sản xuất thấp, ruộng bé, vườn chật, máy móc thiếu. Thực chất nhiều nông dân đang sống bằng nguồn tiền từ lao động làm thuê từ làng, ra phố. Vì không còn thiết tha sản xuất nông nghiệp, họ không mấy thiết tha áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Tình trạng nông dân ngại tập huấn, ngại áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đang trở nên phổ biến và là nguy cơ lớn, các ngành và địa phương cần chung tay tìm cách tháo gỡ, không nên để mặc nông dân tự mày mò.


Phạm Khánh (Theo Báo Hải Phòng)

Tin khác