Nỗi lo xuất khẩu hàng mây tre đan vào châu Âu

13/08/2010

AGROINFO - Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng mây tre đan lát xuất khẩu kỳ vọng nhiều vào tình hình sản xuất năm nay với những đơn hàng đã nhiều hơn hẳn so với năm 2009. Thế nhưng, niềm vui ấy vừa đến thì cơn "sóng gió" nợ ở châu Âu diễn ra khiến các nhà xuất khẩu mặt hàng này lại đứng ngồi không yên.

 
Công nhân đang kiểm tra sản phẩm ghế đan bằng dây nhựa trước khi xuất xưởng tại HTX Hố Nai (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu).

Đây là tình trạng chung hầu hết các DN và cơ sở sản xuất hàng đan lát xuất khẩu năm nay gặp phải. Giải thích về việc này, anh Đinh Huy Tinh, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Minh (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện các DN xuất khẩu sản phẩm mây tre đan sang thị trường Mỹ có cơ hội tốt hơn so với DN xuất sang châu Âu. Vừa qua, tình hình khủng hoảng nợ của châu Âu diễn ra, đồng Euro bị yếu đi đã gây bất lợi khá nhiều cho ngành sản xuất đan lát xuất khẩu trong nước. Cụ thể, tại Công ty Nguyễn Minh, mặc dù đã ký được hợp đồng sản xuất đến tháng 11 nhưng các hợp đồng rất nhỏ chỉ 2 đến 3 container/hợp đồng (hợp đồng lớn từ 25 - 30 container). Lượng hàng sản xuất của DN từ tháng 7 đến tháng 11 năm nay so với cùng kỳ năm 2009 giảm khoảng 30%. "Trung bình mỗi năm công ty tôi xuất khoảng 1 triệu USD hàng đan lát, nhưng với tình hình này tôi thấy trước mắt khá khó khăn. Bởi gần 100% số hàng sản xuất của công ty xuất sang Đức, Anh và một số nước Đông Âu, thị trường này lại đang gặp khó khăn" - anh Tinh nói.

 

Sự khó khăn của kinh tế châu Âu đã tác động khá sớm đến ngành mây tre đan xuất khẩu. Nhiều chủ DN thừa nhận khá lo về tình hình sản xuất. Bà Lương Thị Thuý, Chủ nhiệm HTX Hiệp Lực, đơn vị có 70% lượng hàng đan lát xuất qua châu Âu chia sẻ: "Nền kinh tế châu Âu khó khăn ngay lập tức gây bất lợi lớn cho hàng mây tre xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, bởi đây không phải hàng thiết yếu nên lượng mua sẽ bị giảm ngay. Bên cạnh đó, sản phẩm đan lát của Trung Quốc lại có giá rẻ hơn đang cạnh tranh rất quyết liệt. Trong khi giá nguyên liệu và công lao động vẫn phải tăng thì lại rất khó yêu cầu khách hàng điều chỉnh tăng giá sản phẩm do hàng bán chậm". Bà Thúy cũng cho biết, năm nay HTX Hiệp Lực phấn đấu xuất khẩu hơn 10 tỷ đồng sản phẩm mây tre đan, tương đương với năm 2009. Trong tình hình khó khăn như hiện nay ban chủ nhiệm HTX cũng đang ra sức tìm kiếm các thị trường mới.

 

Theo các nhà sản xuất hàng đan lát xuất khẩu, thì lượng hàng tiêu thụ ở thị trường châu Âu chiếm tới 50%, còn lại là Mỹ và một số nước châu Á. Như vậy, sự khó khăn về kinh tế của các nước châu Âu cũng là nỗi lo cho nhiều DN sản xuất mây tre đan xuất khẩu.

 


Phạm Khánh (Theo Báo Đồng Nai)

Tin khác