Để người trồng lúa hưởng lợi nhiều hơn: Phải “thiết kế” lại chính sách phát triển

16/02/2011

Sau rất nhiều cố gắng, năm 2010, nước ta đã xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3,1 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các chính sách liên quan đến xuất khẩu có thực sự tạo động lực cho ngành lúa gạo phát triển và người nông dân được hưởng lợi bao nhiêu từ chuỗi giá trị này?

Nông dân đứng tốp cuối
Đề cập đến những hạn chế của các chính sách có liên quan đến xuất khẩu gạo của nước ta, ông Nguyễn Đức Nhật, chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng, Nghị định 12/2006 quy định Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quản lý xuất khẩu gạo hàng năm thông qua quyền phân bổ hợp đồng nhà nước, đăng ký số lượng xuất khẩu, giá thu mua dựa trên một số nguyên tắc, trong đó có an ninh lương thực là nguyên tắc hàng đầu. Chính điều này đã khiến cho việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo của doanh nghiệp phụ thuộc vào VFA, không có dấu của VFA trên hợp đồng, gạo sẽ không được thông quan xuất khẩu. “Chính sách này đang tạo ra biến dạng thị trường rất rõ nét thông qua việc hình thành độc quyền xuất khẩu”, ông Nhật nói.
Để nông dân được hưởng lợi nhiều hỗ trợ trong chuỗi SX lúa gạo, các chính sách điều hành hiện nay phải được thiết kế phù hợp.
Ông Nhật chỉ ra một thực tế, tại An Giang, vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nông dân trồng lúa chủ yếu để xuất khẩu. Song, giá bán lại phụ thuộc vào giá xuất khẩu. Cái họ cần là tự do xuất khẩu và giá xuất khẩu phải gần với giá thế giới. Họ cần phải được quyết định giá bán sản phẩm của mình hơn là do VFA, bởi khi VFA ngừng xuất khẩu là họ thua lỗ. Và chính quy chế quản lý xuất khẩu gạo hiện nay đã tạo ra lợi ích độc quyền rất lớn cho các doanh nghiệp thành viên chủ chốt của VFA.
Nhìn sang Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, sẽ thấy cơ chế điều hành xuất khẩu gạo của họ thực sự mang lại lợi ích chung cho cả doanh nghiệp và nông dân. Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng CIEM so sánh, trong khi tôn chỉ hoạt động của VFA nhằm mục đích điều phối các hội viên trong việc sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu lương thực, thực phẩm và xúc tiến thương mại; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên thì Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan lại đại diện cho đa số các nhà xuất khẩu và là tiếng nói tin cậy của ngành lúa gạo; kêu gọi phối hợp vì quyền lợi của tất cả các bên liên quan; đẩy mạnh kết nối hài hoà giữa các thành viên...
Ngoài ra, chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và các mục đích khác cũng là một trong những tác nhân trực tiếp khiến nông dân nước ta chưa được hưởng lợi nhiều. Về mặt lý thuyết, chính sách này đảm bảo diện tích và điều kiện sản xuất công nghiệp, trong đó có công nghiệp chế biến nông sản, có lợi cho nông dân. Song hạn chế là giảm nghiêm trọng đất canh tác. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã mất 0,376 triệu hecta đất, trong đó ĐBSCL giảm 175.000ha, gây sụt giảm rất lớn về sản lượng lúa.
Một bất cập nữa trong chính sách điều hành hiện nay nhưng mang tính gián tiếp đó là việc phát triển hệ thống hạ tầng. Hiện xuất khẩu gạo tập trung chủ yếu ở ĐBSCL, được vận chuyển bằng đường bộ và đường sông (60-70% khối lượng vận chuyển nội địa của vùng). Tuy nhiên, Chính phủ lại chưa đầu tư đúng mức cho hệ thống giao thông nội thuỷ và đường giao thông nông thôn (hệ thống huyết mạch đảm bảo thu mua lúa gạo). Kết quả là, nông dân phải chịu thêm chi phí vận chuyển.
Hình thành chính sách liên kết vùng
Có lẽ rút kinh nghiệm từ nhiều năm trong việc thực hiện chính sách điều hành xuất khẩu gạo, ngay từ những ngày đầu năm khi đối tác nước ngoài chưa vội ký hợp đồng mua gạo nhằm chờ giá xuống, VFA đã kêu gọi các doanh nghiệp thành viên mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để giữ giá. Đây được xem là tín hiệu vui đối với nông dân. Theo đó, sẽ có tối đa 65 doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, tương đương 2 triệu tấn lúa đợt này, thời gian tạm trữ kéo dài từ ngày 1/3 - 15/4/2011. Doanh nghiệp mua theo giá thị trường nhưng không thấp hơn 5.000 đồng/kg lúa khô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại kho.
Theo VFA, trong quý 1 năm nay, dự kiến nước ta có thể xuất khẩu được 1,8 triệu tấn, và đây cũng là quý đầu tiên của năm xuất khẩu được nhiều nhất từ trước đến nay.
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan về lượng gạo xuất khẩu (dựa trên năng suất, tổng sản lượng và tốc độ xuất khẩu). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn từ việc thu mua tạm trữ lúa gạo của VFA và có thể vượt Thái Lan, Việt Nam phải “thiết kế” lại chính sách phát triển xuất khẩu gạo. Ngoài mục tiêu duy trì và mở rộng thị trường truyền thống, doanh nghiệp buộc phải nhắm tới các thị trường lớn như Nigiêria, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)... với loại gạo chất lượng cao. Điều này đòi hỏi cần phải được Chính phủ đầu tư đồng bộ hơn nữa cho các chính sách tín dụng, đất và khoa học công nghệ...
Một vấn đề khác cũng cần lưu tâm đó là muốn vươn tới vị trí số 1 trong 10 năm nữa, Việt Nam phải có chính sách thỏa đáng đảm bảo nguồn lúa cho ngành công nghiệp xuất khẩu gạo. Ngoài số lượng trên 40 triệu tấn/năm, chính sách liên kết vùng với Campuchia sẽ là điểm nhấn quan trọng hình thành chuỗi xuất khẩu lớn nhất trong khu vực ASEAN và thế giới.
Song song với đó, việc điều phối chính sách trong phát triển công nghiệp và nông nghiệp trở nên tối quan trọng. Cần phải nhanh chóng hoàn thiện chính sách đất đai, chấm dứt tình trạng đất đai thu lại của nông nghiệp không phục vụ công nghiệp mà xoay sang phục vụ đầu cơ bất động sản, không làm tăng năng suất lao động, không sản sinh ra giá trị thực cho nền kinh tế...
 
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác